Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng không ngóng nới room tín dụng
Thùy Vinh - 03/12/2017 19:31
So với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm, dư địa tín dụng toàn hệ thống ngân hàng hiện vẫn còn nhiều, nhưng một số ngân hàng đã hết “room”. Tuy nhiên, các ngân hàng này không có ý định xin cấp thêm hạn ngạch cho vay.

Dư địa cho vay còn lớn

Theo báo cáo tài chính quý III/2017 của các ngân hàng thương mại, tính đến cuối tháng 9, cho vay khách hàng của nhiều ngân hàng tăng trưởng khá cao. Chẳng hạn, Sacombank có dư nợ cho vay 223.000 tỷ đồng, tăng 12,6%; trong khi đó, tiền gửi của khách hàng đạt 312.000 tỷ đồng, tăng 7,2% so với đầu năm.

Tương tự, tại MBBank, cho vay khách hàng đạt 176.000 tỷ đồng, tăng 17%; tiền gửi của khách hàng đạt 211.000 tỷ đồng, tăng 8,7%. Tại VietinBank, cho vay khách hàng đạt hơn 763.000 tỷ đồng, tăng 15,3%; tiền gửi khách hàng đạt hơn 725.000 tỷ đồng, tăng 10,7%. Tại Vietcombank, cho vay khách hàng đạt 536.000 tỷ đồng, tăng 16%; tiền gửi của khách hàng đạt 688.000 tỷ đồng, tăng 16,6%...

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tính đến hết tháng 10/2017, tín dụng toàn hệ thống (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) ước tăng khoảng 13,5% so với cuối năm 2016. Trong khi đó, huy động vốn 10 tháng đầu năm giảm ước tăng 12% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 14,7%).

So với mục tiêu tín dụng ngành ngân hàng đặt ra cho năm nay ở mức 21%, thì dư địa cho vay trong hai tháng cuối năm khá lớn. Tuy nhiên, một số ngân hàng hiện đã hết room tăng trưởng tín dụng, do đẩy mạnh giải ngân hàng trong những tháng trước. Theo lãnh đạo các nhà băng này, do thời gian còn lại của năm 2017 không còn nhiều nên ngân hàng không còn ý định xin nới room tín dụng.

Tổng giám đốc một ngân hàng có quy mô vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng cho biết, giữa tháng 11/2017, room tín dụng của ngân hàng đã cạn (room cho vay của nhà băng này được cấp từ đầu năm 2017 là 14% - xếp vào nhóm ngân hàng quy mô nhỏ).

“Ngân hàng không có ý định xin cấp thêm hạn ngạch cho vay, mà đợi sang đầu năm 2018 để được cấp room cho năm mới, bởi thời gian còn lại của năm 2017 không còn nhiều”, vị tổng giám đốc trên nói.

Rủi ro nếu chạy theo chỉ tiêu

Nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, nếu đẩy mạnh vốn cho vay nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm thì một lượng tiền lớn sẽ được đưa vào lưu thông trong thời gian ngắn, có thể gây ra lạm phát trong tương lai, đồng thời rủi ro nợ xấu ở mức cao.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% là một trong những giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, nếu thúc ép tăng trưởng tín dụng phải đạt mục tiêu, có thể sẽ khiến thị trường khó kiểm soát nguồn vốn, chất lượng, cũng như thiếu sự hài hòa.

Mặt khác, các chuyên gia quan ngại, tín dụng có thể sẽ không đi đúng hướng, nhất là khi thị trường chứng khoán và bất động sản đang có khả năng hấp thụ vốn rất lớn.

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, 10 tháng đầu năm, tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng giảm còn 15,5% (năm 2016 là 17,1%). Trong khi đó, tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng mạnh kể từ đầu năm 2017, với tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tăng khoảng 58,6% so với cuối năm 2016.

Nhìn vào con số này, dư nợ bất động sản có dấu hiệu giảm, song trên thực tế, cơ quan này đã không ít lần cảnh báo, cần thận trọng với rủi ro tín dụng bất động sản, khi dư nợ tín dụng tiêu dùng chảy không nhỏ vào thị trường nhà đất.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, tín dụng có tăng trưởng được hay không phụ thuộc vào sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. Hiện nay, sức khỏe của các doanh nghiệp nhìn chung chưa hồi phục nên việc mở rộng sản xuất - kinh doanh, đầu tư khó đẩy mạnh.

Trong khi đó, lãi suất cho vay vẫn là rào cản đối với nhiều doanh nghiệp. Do đó, các ngân hàng nên cẩn trọng khi đẩy mạnh tín dụng trong giai đoạn này. Nếu ồ ạt cho vay mà không kiểm soát chặt chất lượng thì khó tránh khỏi nguy cơ nợ xấu, nhất là khi thị trường bất động sản đang thu hút lượng vốn tín dụng lớn.

Tin liên quan
Tin khác