Chưa có quy định về việc chi trả cho người gửi tiền trong trường hợp tổ chức tín dụng phá sản |
Thực trạng hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân
Sau một thời gian triển khai tái cơ cấu quyết liệt, các chỉ tiêu tài chính cơ bản của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (Quỹ tín dụng nhân dân) đã ghi nhận sự tăng trưởng. Số liệu được một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến 30/12/2016, tổng tài sản của khối Quỹ tín dụng nhân dân đạt gần 90.000 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với tháng 12/2015.
Trong đó, tiền gửi của cư dân và tổ chức kinh tế tăng gần 18%, vốn chủ sở hữu tăng xấp xỉ 16%. Tổng dư nợ cấp tín dụng đạt gần 70.000 tỷ đồng, tăng gần 13% so với tháng 12/2015. Chênh lệch thu nhập - chi phí đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Số Quỹ tín dụng nhân dân có nợ xấu dưới 1% chiếm trên 75%, số Quỹ tín dụng nhân dân có lãi trong hoạt động kinh doanh chiếm 96%.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo trên cũng thừa nhận, qua công tác thanh tra, giám sát cho thấy, khối Quỹ tín dụng nhân dân tồn tại nhiều sai phạm điển hình về vốn và sở hữu (góp vốn điều lệ, chuyển nhượng vốn góp…); quản trị, điều hành, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ (thành viên HĐQT, ban kiểm soát, ban điều hành chưa đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn quy định…); cấp tín dụng (vay ké, vay hộ, lập hồ sơ khống, thu nợ, thu lãi để ngoài sổ sách) và các sai phạm khác như vi phạm các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn; chưa thực hiện đúng quy định về địa bàn hoạt động liên xã, phường, thị trấn…
“Từ đầu năm 2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có các chỉ đạo về việc tăng cường củng cố, chấn chỉnh hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân; kiên quyết xử lý các Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém; thường xuyên có các văn bản chỉ đạo về việc chấn chỉnh và củng cố hoạt động…
Tại một số địa bàn tỉnh, thành phố, vẫn còn các Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động yếu kém, vi phạm pháp luật, cần phải có biện pháp xử lý, can thiệp của Nhà nước. Cụ thể, tính đến cuối năm 2016, ước tính toàn khối Quỹ tín dụng nhân dân có gần 60/1.166 quỹ yếu kém, trong đó khoảng 20 quỹ được kiểm soát đặc biệt”, vị lãnh đạo trên cho biết.
Phá sản tổ chức tín dụng, quyền lợi người gửi tiền được đảm bảo
Với 86,75% số phiếu tán thành, ngày 19/6/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Phá sản (sửa đổi). Dự kiến sau khi được Chủ tịch nước ký lệnh công bố, Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.
Luật Phá sản (sửa đổi) gồm 9 chương, 133 điều, quy định về trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản; thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; tuyên bố phá sản và thi hành quyết định tuyên bố phá sản.
Trong đó, Luật dành riêng một chương quy định về thủ tục phá sản tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chưa có một tổ chức tín dụng nào nhận được quyết định tuyên bố phá sản.
Quyết định 21/2017/QĐ-TTg quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm tại Khoản 2, Điều 24-Luật Bảo hiểm tiền gửi. Theo đó, đối tượng áp dụng bao gồm: Người được bảo hiểm tiền gửi; tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tổ chức bảo hiểm tiền gửi; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.
Theo quyết định này, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng và Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 5/8/2017.
Với 88,8% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Sau khi sửa đổi, Luật cho phép Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt, với lãi suất ưu đãi đến mức 0%/năm đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, nội dung chi trả cho người gửi tiền trong trường hợp tổ chức tín dụng phá sản lại không được quy định trong luật này.
Trả lời báo chí, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Trần Quang Chiểu cho rằng, việc phá sản tổ chức tín dụng là khó có thể xảy ra, vì Nhà nước sẽ thực hiện chọn các phương án phù hợp như phục hồi, sáp nhập, hợp nhất... nhằm ổn định hệ thống ngân hàng, cũng như đảm bảo an ninh tiền tệ, ổn định xã hội.
Liên quan đến một số Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém mà có thể tiềm ẩn những nguy cơ gây mất trật tự an ninh trên địa bàn một số tỉnh và thành phố, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động báo cáo Chính phủ, đề án về xử lý một số Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, đồng thời hoàn thiện đề án để phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đến năm 2025. Trong những đề án này, đã có giải pháp xử lý cụ thể đối với những Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém.
Những tổ chức nào có khả năng tự phục hồi, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thẩm định phương án và giám sát quá trình chấn chỉnh, tự củng cố và phục hồi của các Quỹ tín dụng nhân dân đó. Đối với những quỹ không có khả năng phục hồi, thì có phương án xử lý theo hình thức là sáp nhập, hợp nhất, kể cả phá sản.
“Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương, để xử lý một cách bài bản, đúng quy định của pháp luật và đảm bảo không gây mất trật tự an toàn, đặc biệt là vấn đề về xã hội, cũng như lòng tin của người gửi tiền”, ông Hưng nhấn mạnh.
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico nêu quan điểm, theo quy định của pháp luật, tổ chức tín dụng gồm nhiều loại hình như ngân hàng, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, tổ chức tín dụng vi mô, Quỹ tín dụng nhân dân...
Xét về mặt pháp lý, quyền lợi của người gửi tiền hiện nay chỉ được bảo đảm trong phạm vi bảo hiểm tiền gửi, với mức bảo hiểm không lớn so với hầu hết giá trị tiền gửi. Đã thành thông lệ, người gửi tiền thường có sự tin cậy vào khả năng xử lý khủng hoảng thanh khoản từ phía Ngân hàng Nhà nước cho những tổ chức tín dụng có vấn đề về thanh khoản. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, việc bảo đảm này không phải là cam kết, trách nhiệm pháp lý, mà chỉ là vấn đề tâm lý từ phía người gửi tiền.
“Vừa qua, đã xuất hiện tình trạng một tổ chức tín dụng là Quỹ tín dụng nhân dân có khả năng lâm vào tình trạng phá sản. Không loại trừ có thể sau này, tình trạng đó xảy ra với một ngân hàng. Do vậy, tìm hiểu độ an toàn, thương hiệu và mức độ uy tín trong cam kết với khách hàng để lựa chọn gửi tiền vào tổ chức tín dụng là điều người gửi tiền nên cân nhắc”, ông Hải nói.