Hỗ trợ khách hàng đang là một nhiệm vụ quan trọng của các ngân hàng. Ảnh: Đ.T |
Ngân hàng không đủ lực hỗ trợ tất cả doanh nghiệp
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay, tín dụng của ngân hàng này bắt đầu sụt giảm trong tháng 2 và nửa đầu tháng 3 năm nay, khi các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ tiểu thương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
“Ngân hàng chúng tôi có hàng ngàn khách hàng là tiểu thương, hộ kinh doanh đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Ngân hàng đã hỗ trợ 500 khách hàng, song nếu 3 tháng tới, dịch bệnh vẫn căng thẳng, con số khách hàng bị ảnh hưởng có thể tăng gấp 10 lần. Hiện chúng tôi ưu tiên hỗ trợ cơ cấu nợ, giảm lãi cho những khách hàng không có doanh thu, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ. Song nếu dịch kéo dài, thì cả doanh nghiệp lớn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Theo kịch bản của chúng tôi, nếu dịch kéo dài hết quý II/2020, nợ xấu sẽ tăng 0,5%; nếu kéo dài hết quý III/2020, nợ xấu sẽ tăng khoảng 1%. Chúng tôi cũng đang điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận, vì không chỉ tín dụng giảm, mà trích lập dự phòng rủi ro cũng tăng lên”, vị Tổng giám đốc ngân hàng này nói.
Tại TPBank, theo tính toán của Tổng giám đốc Nguyễn Hưng, dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 lên tới 20.000 - 30.000 tỷ đồng. Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư hướng dẫn về cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, TPBank đã xem xét giãn nợ cho 200 khách hàng với dư nợ 1.500 tỷ đồng. Theo kịch bản trong quý II/2002 hoặc quý III/2020 dịch bệnh mới chấm dứt, ông Hưng cho rằng, nợ xấu cũng sẽ nhích lên, dẫn tới trích lập dự phòng tăng, lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm so với dự tính ban đầu.
Bên cạnh đó, Phó thống đốc đề nghị các ngân hàng chủ động xây dựng kịch bản phù hợp nhất so với mình. Đặc biệt, phải có phương án phòng chống dịch cụ thể trong toàn hệ thống từ trụ sở chính đến chi nhánh, phòng giao dịch, chú ý đến mảng công nghệ thông tin, quản trị mạng…, cố gắng cao nhất không để cán bộ bị lây nhiễm, không để gián đoạn hoạt động của ngân hàng.
Trong vòng xoáy Covid-19, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh là đối tượng bị ảnh hưởng gần như ngay lập tức. Theo đó, các ngân hàng có số lượng lớn khách hàng này như VPBank, ACB, Sacombank… cũng đang phải gồng mình hỗ trợ doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho hay, Ngân hàng đã sàng lọc danh sách khách hàng để hỗ trợ với tổng dư nợ đề xuất hỗ trợ là 22.000 tỷ đồng. Dự kiến, trong tháng này, Sacombank sẽ giải quyết khoảng 7.000 tỷ đồng, số còn lại sẽ giải quyết trong tháng 4/2020. Tại ACB, ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc ngân hàng này cho hay, ACB đã tiếp nhận gần 400 đề nghị hỗ trợ của khách hàng, với dư nợ hơn 4.000 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay, khó xử của ngân hàng hiện nay là doanh nghiệp nào cũng đòi hỗ trợ, không chỉ giãn nợ, mà còn yêu cầu giảm lãi. Trong khi đó, ngân hàng cũng là một đơn vị kinh doanh, phải đảm bảo an toàn tài chính cho ngân hàng, đảm bảo an toàn cho người gửi tiền, nên không thể hỗ trợ tất cả khách vay.
“Tinh thần của Ngân hàng là hỗ trợ tối đa cho khách hàng, vì khách hàng phục hồi thì ngân hàng mới sống được. Song kinh phí hỗ trợ lần này hoàn toàn là “tiền túi” của ngân hàng, trong khi ngân sách mỗi ngân hàng là có hạn, nên chúng tôi cũng mong khách hàng hiểu là ngân hàng không thể hỗ trợ tất cả. Chúng tôi cũng rất mong sớm có các chính sách hỗ trợ tài khóa, an sinh khác để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp”, vị Tổng giám đốc này nói.
Ngân hàng lên kịch bản ứng phó
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho hay, trước mắt, ngân hàng tập trung vào việc hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo tinh thần: khách hàng nào đến trước được hỗ trợ trước, khách hàng nào bị thiệt hại nhiều sẽ được hỗ trợ nhiều. Các ngân hàng cũng đưa ra hạn mức hỗ trợ nhất định trong khả năng tài chính của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh chia sẻ, hỗ trợ khách hàng, các ngân hàng cũng đang khẩn trương đưa ra các kịch bản ứng phó, đặc biệt là kịch bản về kinh doanh và kịch bản bảo vệ an toàn cho nhân viên trong mùa dịch, đảm bảo hệ thống được hoạt động thông suốt.
Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng VIB cho biết, VIB triển khai hành động phòng chống dịch bệnh theo 2 hướng: bảo vệ nguồn lực nội bộ không bị gián đoán và hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng.
Tương tự, bà Ninh Thị Lan Phương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng SHB cho hay, ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, SHB đã thành lập Ban Chỉ đạo Covid-19 do Tổng giám đốc làm Trưởng ban và 3 phó tổng giám đốc phụ trách 3 mảng: phụ trách chi nhánh; phụ trách việc hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; phụ trách toàn bộ các kịch bản kinh doanh ngân hàng.
Không chỉ SHB, VIB, mà hầu hết các ngân hàng đều đã hoặc đang xây dựng các kịch bản ứng phó với Covid-19. Tại hầu hết các ngân hàng, việc họp hành đã được chuyển sang hình thức online, tạm dừng đi công tác, áp dụng chế độ nghỉ luân phiên, một số nhân viên được làm việc ở nhà… Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng triệt để áp dụng cắt giảm chi tiêu không cần thiết để có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp.