Khối tư nhân dẫn đầu
Thực tế, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV) hiện vẫn là những điểm sáng với lợi nhuận tỷ USD. Thế nhưng, việc tăng vốn điều lệ của big4 so với nhóm tư nhân lại diễn ra quá chậm.
Trong khi đó, phong trào tăng vốn điều lệ trỗi dậy mạnh mẽ ở các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) khối tư nhân. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 21 NHTMCP trong năm 2023 và cuộc đua tăng vốn của ngân hàng tiếp tục trong 2024. Vốn điều lệ tăng thêm chủ yếu từ các nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ), bán vốn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài…
Với NHTM có vốn nhà nước, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vốn cho BIDV từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021; chỉ đạo Vietcombank, VietinBank hoàn thiện lại phương án tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021…
Tính đến nay, VPBank là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống, với 79.300 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất việc bán 15% vốn cổ phần ngân hàng cho nhà đầu tư nước ngoài là Tập đoàn SMBC (Nhật Bản) trong năm qua, VPBank có nguồn lực tài chính hết sức dồi dào. Theo đó, VPBank đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 67.400 tỷ đồng lên hơn 79.300 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống và bỏ khá xa các ngân hàng Top 2, Top 3.
Sau khi hoàn thành việ chia cổ tức “khủng” mới đây, Techcombank trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ hai (đạt 70.450 tỷ đồng) trong hệ thống sau VPBank, vượt qua nhóm ngân hàng có vốn nhà nước về vốn điều lệ. Còn tại ACB, sau khi hoàn tất việc phát hành cổ phiếu chia cổ tức 15% (bên cạnh 10% cổ tức tiền mặt) mới đây, vốn điều lệ của ACB tăng lên 44.667 tỷ đồng, chính thức vượt qua Agribank, trở thành ngân hàng có quy mô vốn cao thứ 6 toàn hệ thống, sau VPBank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và MB.
Big4 chậm tăng vốn
Để tăng năng lực tài chính, trong những năm gần đây các ngân hàng tăng cường chia cổ tức bằng cổ phiếu (bên cạnh tiền mặt) cho cổ đông để tăng vốn điều lệ. Trong đó, không ít ngân hàng như: Techcombank, HDBank, VPBank, ACB, Nam A Bank, OCB… đã thực hiện chia cổ tức ở mức tương đối cao để tăng vốn năm nay.
Nhưng với các ngân hàng có tỷ lệ sở hữu lớn của nhà nước (big4) việc chia cổ tức diễn ra có phần chậm chạp hơn khi phải chờ phê duyệt của nhiều vòng. Trong nửa đầu năm 2024, Agribank là ngân hàng duy nhất trong nhóm được duyệt việc tăng vốn.
Tại ĐHCĐ thường niên 2024, ban lãnh đạo VietinBank mong muốn sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của năm 2023 để chia cổ tức, tăng vốn điều lệ. Chủ tịch Vietinbank ông Trần Minh Bình cho biết, Ngân hàng kỳ vọng là sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng phương án cuối cùng vẫn theo việc phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước.
Cũng tại sự kiện trên, ông Trần Minh Bình cho biết, hiện tại VietinBank đã nhận được ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 (11.678 tỷ đồng) để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Đồng thời, VietinBank đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.
Tương tự, Vietcombank (VCB) cũng mong muốn dùng toàn bộ số lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức. Tại ĐHCĐ thường niên năm 2024 hồi cuối tháng 4/2024, Hội đồng quản trị (HĐQT) VCB cho biết, ngân hàng tiếp tục triển khai kế hoạch tăng vốn khoảng 27.700 tỷ đồng, lợi nhuận còn lại của 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước năm 2018 và kế hoạch phát hành riêng lẻ tỷ lệ 6,5%.
Theo tờ trình, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng riêng lẻ là 32.438 tỷ đồng. Sau khi được điều chỉnh tăng từ lợi nhuận năm trước và trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 24.987 tỷ đồng. VCB sẽ dùng toàn bộ số lợi nhuận này để chia cổ tức.
Còn riêng kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% cổ phần đã được VCB đưa ra từ năm 2019 song đến nay vẫn chưa thể hoàn tất. Ngày 13/8 vừa qua, VCB bất ngờ công bố thông tin về việc rút nội dung: “Thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ”, không đưa vào chương trình họp ĐHCĐ bất thường tháng 8/2024.
Kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% cổ phần đã được VCB đưa ra từ năm 2019 song vẫn chưa thể hoàn tất. Trong đó, ngân hàng dự kiến chào bán riêng lẻ 307,6 triệu cổ phiếu cho đối tác Mizuho Bank (46,1 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư khác (261,4 triệu cổ phiếu).
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 vừa qua, Thành viên HĐQT VCB Đỗ Việt Hùng cho biết, việc triển khai kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ sẽ tùy thuộc vào điều kiện thị trường. Theo báo cáo tài chính quý II/2024, VCB có vốn điều lệ 55.890 tỷ đồng. Tổng tài sản 1,906 triệu tỷ đồng. Sau 6 tháng đầu năm nay, VCB lãi trước thuế 20.834 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, theo báo cáo của Công ty chứng khoán ACBS, VCB đang chuẩn bị phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho cổ đông chiến lược Mizuho và một số cổ đông khác. Dự kiến thương vụ sẽ hoàn tất trong quý I/2025. Công ty chứng khoán này cũng ước tính giá cổ phiếu trong thương vụ phát hành riêng lẻ tỷ lệ 6,5% của ngân hàng sẽ khoảng 96.000 - 100.000 đồng/cổ phiếu. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VCB chốt phiên 13/8 tại giá 89.500 đồng/cổ phiếu.
Với BIDV, tại ĐHCĐ hồi tháng 4 năm nay, Ngân hàng đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận 2022 và 2023, trong đó điều chỉnh tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2022 từ 23% xuống còn 21% vốn điều lệ vàdự kiến chi 12.347 tỷ đồng từ lợi nhuận năm 2023 để chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Nếu hoàn thành kế hoạch chào bán 455 triệu cổ phiếu được ĐHCĐ năm 2023 thông qua, hai cấu phần tăng vốn nêu trên cũng như được thông qua và thực hiện xong kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023, vốn điều lệ của BIDV sẽ lên mức 87.524 tỷ đồng.
Ngoài ra, BIDV cũng đang có kế hoạch cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ tỷ lệ 9% đang trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cấu phần tăng vốn này đã kéo dài trong nhiều năm và hiện vẫn chưa có thêm nhiều thông tin.
Theo các chuyên gia, việc các ngân hàng có kế hoạch tăng vốn điều lệ là bước đi tất yếu và cần thiết để giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng, từ đó mở rộng quy mô, năng lực cạnh tranh và đáp ứng kế hoạch phát triển mạng lưới giao dịch.
Thông kê cho thấy, hệ số CAR của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN tính đến tháng 1/2024 đạt 11,84%, trong đó nhóm NHTM nhà nước đạt 9,72%, nhóm NHTM cổ phần đạt 11,89%.
Dự báo nửa cuối năm 2024 sẽ tiếp tục là năm đầy thách thức cho ngành ngân hàng khi rủi ro nợ xấu có xu hướng gia tăng. Vốn điều lệ vì thế đóng vai trò quan trọng như một “bộ đệm”, đem lại nguồn lực cần thiết cho các ngân hàng đối phó với những thách thức và biến động trong môi trường kinh tế không ổn định; tạo điều kiện thuận lợi hơn để tiếp tục hỗ trợ vốn cho khách hàng doanh nghiệp, cá nhân.
Bên cạnh đó, việc tăng vốn cũng sẽ tạo ra dư địa về nguồn lực để các ngân hàng đầu tư cho các hệ thống công nghệ theo yêu cầu tất yếu của kỷ nguyên ngân hàng số nhằm tăng trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng và đẩy mạnh hoạt động tín dụng, kinh doanh hiệu quả hơn nữa.