TPBank liên tiếp tuyển dụng nhân sự từ năm 2020 đến nay |
Tặng trăm tỷ đồng cho cán bộ chủ chốt bằng cổ phiếu ESOP
Giá cổ phiếu, nhất là cổ phiếu ngân hàng, tăng phi mã từ đầu năm đến nay là điều kiện vô cùng thuận lợi cho các ngân hàng phát hành thêm cổ phiếu. Bên cạnh “cơn mưa” cổ phiếu cổ tức, tại mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, nhiều nhà băng cũng mạnh tay phát hành cổ phiếu ESOP.
Cụ thể, theo kế hoạch được trình đại hội đồng cổ đông năm 2021, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) sẽ phát hành 19,24 triệu cổ phiếu ESOP. Con số này tại ABBank là 11,4 triệu cổ phiếu và tại OCB là 5 triệu cổ phiếu. VPBank dù quyết định không chia cổ tức, song vẫn hào phóng bán 15 triệu cổ phiếu quỹ với mức giá ưu đãi 10.000 đồng/cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên, thực hiện vào quý III/2021.
Xét về số lượng, SeABank là ngân hàng ưu ái cán bộ chủ chốt nhất, khi dự định phát hành tới 23,5 triệu cổ phiếu ESOP. Giá phát hành cổ phiếu ESOP thường bằng mệnh giá hoặc cao hơn mệnh giá không đáng kể.
Dĩ nhiên, cổ phiếu ESOP thường được giải tỏa trong vòng 3 - 4 năm và bị hạn chế chuyển nhượng, song đây là món hời không nhỏ với lãnh đạo chủ chốt ngân hàng, đồng thời là công cụ hữu hiệu được nhiều nhà băng sử dụng để giữ chân lãnh đạo trung cấp và cao cấp.
Năm nay, do thị giá cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, món quà này càng có giá trị. Ví dụ, MB bán 19,24 triệu cổ phiếu ESOP với giá chỉ 10.000 đồng/cổ phiếu, thu về 192,4 tỷ đồng. So với thị giá cổ phiếu MBB (hiện có giá hơn 30.000 đồng/cổ phiếu), các cán bộ chủ chốt của MB đã hưởng lợi ngay gần 400 tỷ đồng.
Việc ngân hàng và các doanh nghiệp nói chung chào bán cổ phiếu ESOP cho cán bộ cấp cao không được lòng cổ đông nhỏ lẻ, bởi sẽ pha loãng cổ phiếu. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh từ đầu năm, cổ đông cũng không quá so đo. Hơn nữa, hiện nay, cạnh tranh thu hút và giữ chân nhân sự trong lĩnh vực ngân hàng hết sức gay gắt, việc ngân hàng phát hành cổ phiếu ESOP vì thế cũng được các cổ đông “thông cảm”.
Tinh giản, ngân hàng vẫn khát cán bộ cấp cao, nhân sự số
Dịch bệnh Covid-19 cùng làn sóng số hóa đã khiến người tiêu dùng thay đổi thói quen và sử dụng ngân hàng số nhiều hơn. Chính vì vậy, năm 2020, gần chục ngân hàng như VPBank, Eximbank, HDBank, Sacombank, MB… đã mạnh tay cắt giảm nhân sự.
Tuy vậy, bên cạnh đó, nhiều ngân hàng vẫn rầm rộ tuyển dụng. Thậm chí, VIB, Vietcombank, TPBank… vẫn tuyển dụng tới hàng ngàn người trong năm vừa qua. Quý I/2021, nhiều ngân hàng như VietinBank, TPBank, VIB… cũng tuyển dụng hàng trăm chỉ tiêu. Ngay cả những ngân hàng cắt giảm nhân sự trong năm ngoái như VPBank cũng thông báo tuyển dụng hàng trăm vị trí trên toàn quốc.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank
Chính vì vậy, dù nhân sự ngành ngân hàng xáo động, song tỷ lệ thất nghiệp không tăng, mà chủ yếu là chuyển dịch từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Chưa kể, nhiều nhân viên ngân hàng cũng phải thay đổi, chuyển sang vị trí phù hợp hơn.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay, đối với các vị trí nhân sự giản đơn (nhân viên giao dịch trực tiếp với khách hàng, nhân viên nhập liệu, nhân viên quản lý hồ sơ…), khi giao dịch số hóa ngày càng được đẩy mạnh, máy móc thậm chí còn làm tốt hơn con người. Tuy nhiên, nhu cầu nhân sự ngân hàng ở nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là lĩnh vực liên quan đến ngân hàng số như AI, big data, deep learning, chuyên gia phân tích gian lận, chuyên gia tư vấn chiến lược… lại đang gia tăng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho rằng, thị trường lao động ngân hàng hiện nay rất sôi động, đặc biệt, mảng nhân sự số đang cạnh tranh gay gắt.
“Thậm chí, một số lãnh đạo ngân hàng còn nói vui là phải thỏa thuận ngầm không lấy nhân sự của nhau. Dĩ nhiên, đây chỉ là lời nói đùa, song cũng phản ánh thực tế cạnh tranh gay gắt về nhân sự, nhất là nhân sự cấp cao, nhân sự số. Không chỉ ngân hàng trong nước cạnh tranh lẫn nhau, ngân hàng nước ngoài cũng đang nhăm nhe lôi kéo nhân sự của ngân hàng trong nước. Tôi cho rằng, thị trường lao động ngành ngân hàng sẽ tiếp tục sôi động thời gian tới. Để đáp ứng nhu cầu của ngành ngân hàng, các cơ sở đào tạo phải đổi mới hơn nữa để theo kịp yêu cầu thị trường”, TS. Lực nói.