Ngân hàng
Ngân hàng rục rịch báo lãi khả quan
Thùy Liên - 16/06/2017 08:05
Các ngân hàng tiếp tục thu lãi khả quan trong 2 quý đầu năm, dù tỷ suất sinh lời của ngành nhìn chung chưa hấp dẫn.
TIN LIÊN QUAN

Rục rịch báo lãi

Chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2017, song đến thời điểm này, các ngân hàng đã hé lộ kết quả hoạt động trong 5-6 tháng đầu năm. Thông tin ban đầu cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận của một số ngân hàng nhỏ và vừa cao hơn hẳn so với các ông lớn.

Theo lãnh đạo LienVietPostBank, đến hết quý II/2017, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ước đạt khoảng 900 tỷ đồng, tức tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (467 tỷ đồng). Tính đến ngày 31/5, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đã đạt 730 tỷ đồng.

.

Tương tự, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cũng cho hay, kết thúc quý II/2017, tổng tài sản của TPBank ước đạt 110.000 tỷ đồng. Huy động vốn và tăng trưởng tín dụng khoảng 10%, nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức rất thấp. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 500 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận của TPBank (sau trích lập dự phòng rủi ro) là 205 tỷ đồng.

Trong khi đó, kết quả hoạt động của BIDV 5 tháng đầu năm chỉ đạt mức tăng trưởng ổn định. Đây cũng là điều dễ hiểu đối với các ngân hàng có quy mô lớn.

Cụ thể, 5 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của Ngân hàng đạt hơn 788.600 tỷ đồng, tăng 6,94% so với đầu năm. Huy động vốn đạt 826.500 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Thu dịch vụ ròng đạt 1.730 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, tăng tốt từ các dòng dịch vụ truyền thống và hiện đại. Lợi nhuận trước thuế của BIDV 5 tháng ước đạt 3.200 tỷ đồng, hoàn thành 41% kế hoạch năm. Năm nay, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận 7.750 tỷ đồng.

5 tháng đầu năm, các công ty con của BIDV cũng đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bám sát mục tiêu đề ra. Ví dụ, Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đạt lợi nhuận 85 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ và hoàn thành 45% kế hoạch năm. Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) đạt 50 tỷ đồng, hoàn thành 55% kế hoạch năm…

Trước đó, trong quý I/2017, các ngân hàng cũng tiếp tục báo lãi tích cực. Trong đó, một số ngân hàng báo lợi nhuận lên tới hàng ngàn tỷ đồng như Vietcombank, VietinBank, BIDV, VPBank, Techcombank, MB… Xét về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, LienVietPostBank đang dẫn đầu. Các ngân hàng cũng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao là Vietcombank, Techcombank, VPBank, MB…

Cổ phiếu ngân hàng vọt tăng

Cho dù lợi nhuận của ngành ngân hàng quý I và 6 tháng đầu năm tăng trưởng khả quan, song nhìn chung, tỷ suất sinh lời của ngành chưa hấp dẫn. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) của hệ thống tổ chức tín dụng trong năm 2016 chỉ đạt lần lượt là 0,54% và 7,87%. Tại một số ngân hàng hoạt động hiệu quả, chỉ số này xoay quanh mức 1% và 10-11%. 

Thông tin ban đầu cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận của một số ngân hàng nhỏ và vừa cao hơn hẳn so với các ông lớn.

Tuy nhiên, bất ngờ là vài tháng qua, cổ phiếu ngân hàng đột ngột tăng giá mạnh. Một số mã cổ phiếu thậm chí tăng giá 20-100%. Hàng loạt công ty chứng khoán cũng khuyến nghị nhà đầu tư mua vào các mã cổ phiếu ngân hàng, kể cả mã cổ phiếu của các ngân hàng đang tái cơ cấu.

Không chỉ trên thị trường niêm yết, mà tại thị trường OTC, giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng như VPBank, LienVietPostBank, Techcombank… cũng tăng mạnh. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, giá cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh là nhờ việc kỳ vọng vào Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua vào ngày 20/6 tới đây.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, triển vọng tăng trưởng của ngành ngân hàng vẫn còn khó khăn và chưa có nhiều đột phá trong ngắn hạn, kể cả khi Nghị quyết xử lý nợ xấu đi vào cuộc sống. Thực tế, dù nhiều ngân hàng đã lấy lại được nhịp độ tăng trưởng, song xu hướng này chưa bền vững, nhất là khi khối nợ xấu vẫn nằm im và sẵn sàng ăn mòn túi lợi nhuận bất kỳ lúc nào.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, tỷ suất sinh lời của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục ở mức thấp cho đến khi có những cơ chế đủ mạnh để xử lý nợ xấu.

Tin liên quan
Tin khác