Cú sốc của ngành bảo hiểm năm ngoái khiến doanh thu từ bán chéo bảo hiểm của một loạt ngân hàng giảm mạnh. Ảnh: Đ.T |
Doanh thu giảm, ngân hàng siết lại hoạt động bán bảo hiểm
Báo cáo tài chính quý I/2024 chưa được công bố, song nhiều ngân hàng cho biết, doanh thu từ dịch vụ đại lý bảo hiểm chưa hồi phục. Mảng bảo hiểm - vốn là “át chủ bài” trong thu dịch vụ của nhiều ngân hàng - vẫn chưa có sự khởi sắc. Năm nay, nhiều ngân hàng không đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu bán chéo bảo hiểm.
Theo lãnh đạo ACB, mảng bảo hiểm sẽ tiếp tục khó khăn trong năm nay. Để đối phó với việc doanh thu từ bảo hiểm sụt giảm, lãnh đạo ngân hàng này cho hay, sẽ tìm cách đẩy mạnh doanh thu từ các mảng khác như kinh doanh ngoại tệ, thanh toán quốc tế… để hoàn thành mục tiêu lợi nhuận.
“Năm qua, doanh thu bảo hiểm của ACB sụt giảm nhẹ so với các năm trước. Năm nay, ACB đặt mục tiêu doanh thu tương tự năm ngoái, không đặt mục tiêu tăng trưởng về bancassurance. Tuy nhiên, tôi cho rằng, các quy định chặt chẽ hơn trong luật mới sẽ giúp thị trường minh bạch, lành mạnh hơn, qua đó giúp mảng này phát triển hơn trong thời gian tới”, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB cho biết.
Cú sốc của ngành bảo hiểm năm ngoái khiến doanh thu từ bán chéo bảo hiểm của một loạt ngân hàng giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của MB giảm 20%, doanh thu từ dịch vụ đại lý bảo hiểm của SeABank còn giảm tới 73%. Tương tự, thu nhập từ hoa hồng bảo hiểm của VIB giảm 32%, doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm của Techcombank giảm tới 62%...
Theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, các ngân hàng không được bán bảo hiểm “bia kèm lạc”. Theo các chuyên gia kinh tế, quy định này sẽ tác động trực tiếp đến doanh thu bancassurance của các ngân hàng. Không loại trừ năm nay doanh thu mảng này của các ngân hàng tiếp tục sụt giảm (chủ yếu là đối với sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc).
Để hồi phục mảng kinh doanh này, nhiều ngân hàng đang ra sức chấn chỉnh quy trình và công tác bán chéo bảo hiểm. Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho hay, bancassurance là hoạt động phức tạp về mặt nghiệp vụ, hợp đồng bảo hiểm. Việc quản trị hoạt động này đòi hỏi chuyên môn mức độ cao của cả 2 ngành nghề kinh doanh có điều kiện là ngân hàng và bảo hiểm nhân thọ. Ưu tiên hàng đầu của VIB là không để xảy ra các lùm xùm liên quan đến bán chéo bảo hiểm.
“VIB đang tập trung huấn luyện, đào tạo để các cán bộ kinh doanh và các cấp quản lý nắm rõ các yêu cầu của pháp luật, quy trình, hoạt động bancassurance. VIB không bán bảo hiểm bằng mọi giá”, lãnh đạo ngân hàng này khẳng định.
Công khai minh bạch để vực dậy kênh bancassurance
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, cần phải có sự tách bạch giữa bộ phận bán bảo hiểm và những bộ phận khác trong các ngân hàng để tránh sự nhầm lẫn cho khách hàng. Ngoài ra, cần có quy định không được giao chỉ tiêu bán bảo hiểm cho nhân viên ngân hàng để tránh hiện tượng ép mua bảo hiểm.
“Dù Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã quy định, ngân hàng không được bán kèm bảo hiểm không bắt buộc với các sản phẩm, dịch vụ khác, song cần có hướng dẫn rõ ràng hơn. Ngoài ra, cần có hợp đồng mẫu rõ ràng, chữ to để khách hàng dễ đọc, dễ hiểu. Hầu hết hợp đồng bảo hiểm hiện nay quá dày, chữ nhỏ li ti khiến nhiều khách hàng nản lòng, dễ bỏ qua”, ông Hòe kiến nghị.
Được biết, nhiều ngân hàng thương mại đang tăng cường đào tạo nhân lực, cũng như siết lại quy trình bán bảo hiểm. Theo đó, ACB tách bạch mảng tư vấn và giới thiệu dịch vụ bảo hiểm. Các nhân viên tư vấn bán bảo hiểm phải được đào tạo và cấp chứng chỉ của Bộ Tài chính. Các nhân viên khi tư vấn bán bảo hiểm đều ghi âm và khi khách hàng đăng ký hợp đồng, 21 ngày sau có bộ phận kiểm soát phía sau gọi điện xác nhận. Nếu khách hàng còn phân vân, thì có thể hủy hợp đồng.
VIB cũng cho biết, đã hợp tác với doanh nghiệp bảo hiểm soạn ra bộ quy định ứng xử với khách hàng khi tham gia mua bảo hiểm. Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định việc cấp đổi giấy phép, cấp bổ sung nội dung hoạt động vào giấy phép và một số quy định về tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng. Dự thảo quy định, không cho phép ngân hàng thương mại bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, vì dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng với các sản phẩm huy động vốn, ủy thác đầu tư.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để trình Chính phủ ban hành theo hướng cụ thể hóa các hành vi vi phạm và tăng cường biện pháp xử phạt. Bộ này cũng đang lên kế hoạch thanh tra một loạt doanh nghiệp bảo hiểm.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, minh bạch quan trọng hơn là cấm ngân hàng bán bảo hiểm “bia kèm lạc”. Nguyên tắc cao nhất đối với bảo hiểm là người dân phải hiểu rõ mới mua.
“Cấm ngân hàng bán bảo hiểm ‘bia kèm lạc’ sẽ ảnh hưởng nhất định tới doanh thu bancassurance của ngân hàng. Song các ngân hàng cũng phải xác định, muốn phát triển lĩnh vực này một cách bền vững, thì phải kết hợp với doanh nghiệp bảo hiểm để triển khai hoạt động này minh bạch, rõ ràng hơn”, ông Hùng đề nghị.
- Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Các hợp đồng bán bảo hiểm thường dày mấy trăm trang, chữ rất bé, nhiều điều khoản cài cắm khiến đa phần khách hàng không hiểu hết. Các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát lại hợp đồng bảo hiểm để người dân không bị mắc bẫy. Theo đó, hợp đồng bảo hiểm cần rõ ràng hơn, tối đa chỉ nên 4 trang cho người dân dễ hiểu, phụ lục quyền lợi phải rõ ràng. Đồng thời, ngành bảo hiểm cũng phải tuyên truyền để người dân hiểu biết ý nghĩa của bảo hiểm. Thị trường chỉ phát triển lành mạnh khi công khai, minh bạch.