Trong năm khó khăn vừa qua, nhiều ngân hàng TMCP tư nhân, như Techcombank, SHB, TPBank... vẫn sống khỏe. Ảnh: Đ.T |
Quốc doanh hụt hơi, tư nhân trỗi dậy
So với các ngân hàng nhà nước như Agribank, BIDV, tổng tài sản của nhiều ngân hàng TMCP tư nhân như VPBank, Techcombank, MBBank, ACB… chỉ bằng 1/3, thậm chí 1/4, nhưng lợi nhuận lại đang vượt hoặc bám đuổi sát nút. Trong số 5 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất năm 2020, Techcombank và VPBank lần lượt chiếm vị trí số 3 và số 4.
Theo báo cáo tài chính, năm 2020, trong số 5 ngân hàng có tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và tỷ lệ lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao nhất thị trường, không hề có gương mặt ngân hàng thương mại quốc doanh nào.
Việc một số ông lớn nhà nước bị các ngân hàng tư nhân đuổi kịp về lợi nhuận không khó đoán. Hiện nay, thu nhập của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam chủ yếu vẫn đến từ tín dụng. Tuy nhiên, trong khi thị phần tín dụng của một số ngân hàng TMCP tư nhân tăng lên, thì thị phần của các ngân hàng quốc doanh lại giảm sút.
Nguyên nhân của tình trạng trên là nhiều ngân hàng tư nhân đã xây dựng được nền tảng tài chính vững chắc thời gian qua, nhờ đó tận dụng cơ hội để tăng tốc. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại quốc doanh sở hữu khối tài sản khổng lồ (1,18 - 1,55 triệu tỷ đồng), song lại không thể tăng vốn tương ứng, khiến hệ số an toàn vốn (CAR) sụt giảm dần, buộc phải giảm tốc để đảm bảo an toàn vốn, do đó bị một số “đàn em” vượt mặt.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), hiện nay, thị phần tín dụng lớn nhất hệ thống vẫn thuộc về các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, dẫn đầu là BIDV và Agribank, tiếp đến là
VietinBank và Vietcombank. Các ngân hàng có thị phần tín dụng lớn tiếp theo là Sacombank, MB, Techcombank, VPBank, SHB, ACB…
Tuy vậy, thị phần của khối ngân hàng thương mại nhà nước (trừ Vietcombank) có dấu hiệu suy giảm, trong khi thị phần của khối ngân hàng TMCP tư nhân lại tăng lên. Tăng trưởng mạnh nhất về thị phần tín dụng là MB, tiếp đến là Techcombank, VPBank và ACB. Đây cũng chính là những ngân hàng TMCP tư nhân tăng trưởng mạnh nhất về lợi nhuận thời gian qua.
Lãi lớn nhờ đầu tư trái phiếu, cho vay lĩnh vực rủi ro cao
Ngoài gia tăng thị phần tín dụng, về lợi nhuận, nhiều ngân hàng TMCP tư nhân còn nhanh chóng vượt hoặc gần bắt kịp ngân hàng thương mại nhà nước nhờ mạnh tay đầu tư, cho vay các phân khúc có khẩu vị rủi ro cao như trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng bất động sản, cho vay tiêu dùng...
Đơn cử, năm 2020, trong khi các ngân hàng thương mại nhà nước chật vật tăng trưởng tín dụng (trừ Vietcombank), thì nhiều ngân hàng TMCP tư nhân như Techcombank, VPBank, SHB, TPBank, MBB… vẫn sống khỏe vì mạnh tay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Riêng năm 2020, giá trị trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ của các ngân hàng này tăng từ vài lần đến vài chục lần.
Bên cạnh đó, thời gian qua, rất nhiều tập đoàn bất động sản lớn gia tăng nắm giữ cổ phiếu, tham gia ban điều hành cũng như hội đồng quản trị các ngân hàng TMCP tư nhân. Sở hữu đan xen này khiến tín dụng bất động sản tăng mạnh, mang về khoản lợi nhuận kếch xù cho các ngân hàng.
Ở chiều ngược lại, nhiều ngân hàng thương mại quốc doanh trong khi khó đẩy mạnh tín dụng, lại phải dồn vốn cho vay lĩnh vực ưu tiên lãi suất thấp, tăng cường hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Agribank còn gánh vác thêm nhiệm vụ thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, hầu như không có lợi nhuận.
Một lý do nữa khiến ngân hàng quốc doanh tụt dần vị thế là dòng vốn rẻ đang dần chảy sang các ngân hàng TMCP tư nhân. Nhờ nền tảng vốn vững chắc, không phải đầu tư quá nhiều cho hạ tầng như các ngân hàng quốc doanh, một số ngân hàng TMCP tư nhân đã chạy đua giảm phí, hút về lượng lớn tiền gửi không kỳ hạn, từ đó giảm mạnh chi phí vốn. Chi phí đầu vào rẻ, tập trung cho vay phân khúc mang lại lợi nhuận cao, khiến biên lợi nhuận của các ngân hàng này vượt trội so với nhiều ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.
Tuy vậy, nhìn một cách công bằng, có thể thấy, các ngân hàng TMCP tư nhân thời gian qua đã rất linh hoạt trong thay đổi phân khúc khách hàng, danh mục tín dụng, đa dạng hóa nguồn thu, cũng như đổi mới công nghệ, tối ưu hóa bảng cân đối, tiết giảm chi phí hoạt động.
Ở phía ngược lại, ngoại trừ Vietcombank thay đổi mạnh cơ cấu doanh thu (tính đến hết năm 2020, thu nhập phi tín dụng đã chiếm tới chiếm 49,8% tổng thu nhập hoạt động kinh doanh cả năm của Vietcombank), các ngân hàng thương mại nhà nước còn lại đang dựa khá nhiều vào tín dụng.