Vượt rào
Mặc dù trần lãi suất huy động (hiện đang ở mức 5,5%/năm) không còn là vấn đề nóng so với những ngày đầu hạ từ 6% xuống 5,5% vào cuối năm 2014, song Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chưa gỡ bỏ quy định về trần. Trong khi đó, trên thực tế, không ít ngân hàng thời gian vừa qua đã “xé rào” lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống, vượt mức trần 5,5%/năm.
Lãi suất huy động tiền gửi tại nhiều ngân hàng đang nhích dần. |
Chẳng hạn, tại Ngân hàng V. (xin không nêu tên) ở TP.HCM, khi được hỏi về lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng trở xuống, nhân viên ngân hàng này cho biết: “Bảng lãi suất niêm yết hiện nay áp dụng mức đồng đều 5,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng trở xuống, nhưng nếu khách hàng có số tiền gửi từ 500 triệu đồng trở lên, sẽ xin chủ trương cộng thêm 0,1 - 0,2% lãi suất, tức là lãi suất 5,6-5,7%/năm, tùy từng kỳ hạn”.
Bên cạnh kỳ hạn ngắn, không ít ngân hàng còn chi thêm lãi suất 0,2 - 0,4% cho khách hàng gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, nhằm mục tiêu huy động được tiền gửi kỳ hạn dài ngày để cơ cấu lại nguồn, giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định của Thông tư số 19/2017/TT-NHNN.
Dù chủ trương của Chính phủ và NHNN là ngành ngân hàng phải nỗ lực giảm lãi suất cho vay, nhưng từ đầu năm 2018 đến nay, bất động sản tăng giá, thị trường chứng khoán khởi sắc, cùng với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất đã tạo áp lực không nhỏ lên lãi suất tiền đồng.
Trước những áp lực trên, lãi suất huy động tiền gửi tại nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng nhỏ đã nhích dần. Mức lãi suất tiền gửi cao nhất hiện nay là 8,3 - 8,5%/năm tại Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank), Ngân hàng TMCP Việt Á, áp dụng cho kỳ hạn từ 13 tháng trở lên đối với khách hàng có số tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên và lĩnh lãi cuối kỳ.
Bên cạnh đó, hầu hết các nhà băng đều tung khuyến mãi, tặng lãi suất tiền gửi, thu hút tiền nhàn rỗi trong dân.
TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho rằng, do sức ép lạm phát và lãi suất đồng đô la Mỹ tăng, lãi suất trong năm 2018 sẽ khó giảm. Điều quan trọng là làm thế nào để giữ mặt bằng lãi suất ổn định, vì cuối năm 2017, lãi suất đã giảm nhẹ.
Nên xem xét bỏ trần lãi suất
So với trước đây, mặt bằng lãi suất hiện nay được đánh giá đã ổn định hơn nhiều. Đồng thời, trước sức ép lãi suất tiền gửi VND khó giảm, không ít ý kiến cho rằng, NHNN nên xem xét bỏ trần lãi suất huy động.
Theo TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam, Chính phủ luôn muốn chính sách tiền tệ đạt được hai mục tiêu là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là ổn định giá trị đồng tiền và giữ lạm phát ở mức thấp, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế quý I/2018 đã ở mức tốt, trường hợp những quý sau không đạt tăng trưởng cao như quý I, thì nhiều khả năng, Việt Nam vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm. Vì vậy, định hướng chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm không nên nới lỏng, mà cần hướng đến việc duy trì những mục tiêu như đảm bảo lạm phát thấp, ổn định tiền đồng.
Với những kết quả đạt được trong ổn định kinh tế vĩ mô thời gian qua, TS. Thành cho rằng, NHNN nên có lộ trình điều chỉnh công cụ điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng.
Vị chuyên gia đến từ Fulbright phân tích, từ năm 2014 đến nay, do áp lực vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, nên các công cụ điều hành chính sách tiền tệ mang tính chất đặc biệt, không theo thông lệ của nền kinh tế thị trường, mà chủ yếu mang tính chất hành chính, trong đó có quy định về trần lãi suất và hạn mức tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, với điều hành lãi suất, thay vì áp trần lãi suất, NHNN có thể điều hành thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO).
Các chuyên gia tài chính nhận định, hai biến số lãi suất và tỷ giá là vấn đề khó nhất trong năm 2018; điều kiện giảm lãi suất so với 2017 lại càng khó khăn hơn. Lý do, ngoài yếu tố sức ép lạm phát, lãi suất USD đang có xu hướng tăng, trong khi chính sách tiền tệ của Việt Nam là đa mục tiêu, vừa phải ổn định tỷ giá, vừa giữ chênh lệch ở mức độ hợp lý để thu hút dân gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay, lãi suất tiết kiệm khó giảm, nhất là khi một số kênh đầu tư (chứng khoán, bất động sản) đang khởi sắc trở lại.
Để có thể giảm lãi suất, TS. Trần Du Lịch cho rằng, trước hết, phải làm tan được “cục máu đông” nợ xấu, khơi thông tín dụng, ngân hàng giảm áp lực trích dự phòng rủi ro…
“Đối với trần lãi suất đồng Việt Nam, không phải đến thời điểm này, mà từ năm 2017 đã có thể tính tới việc gỡ trần lãi suất huy động - biện pháp hành chính bất đắc dĩ trong giai đoạn nhiều biến động, nhưng nay thị trường tiền tệ đã phần nào ổn định, thì không cần thiết phải duy trì”, TS. Trần Du Lịch nói.