Năm 2016, thiên tai gây thiệt hại cho ngành Công thương 470 tỷ đồng. |
Con số trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016 do Bộ Công thương tổ chức sáng nay tại Đà Nẵng.
Theo Bộ Công thương, trong năm qua, các đơn vị ngành Công thương đã tích cực, chủ động thực hiện các quy định của pháp luật vể phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, kiện toàn Ban Chỉ huy các cấp, bố tri phương tiện, vật tư dự phòng, ứng trực xử lý kịp thời các sự cố do thiên tai gây ra đảm bảo an toàn cho người và công trình.
Điển hình như cơn bão số 1 đầu năm 2016 đã làm đổ, đứt gần 80% lưới điện phân phối của 4 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, nhưng do công tác chuẩn bị tốt nên chỉ trong thời gian ngắn các công ty điện lực đã khôi phục lưới điện đảm bảo cung cấp điện an toàn, đặc biệt là việc cấp điện kịp thời cho các trạm bơm chống úng góp phần giảm thiểu thiệt hại hoa mầu của nhân dân.
Hay trong đợt mưa lũ cuối năm 2016 làm 25 cửa hàng xăng dầu khu vực các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi... nhưng ngay sau khi nước rút, các cửa hàng đã hoạt động trở lại đảm bảo cung ứng xăng dầu cho nhân dân.
Dẫu vậy, những thiệt hại do thiên tai gây ra vẫn lớn, cụ thể như cơn bão số 1 đã gây thiệt hại gần 400 tỷ đồng đối với các đơn vị điện lực; công tác vận hành xả lũ của các thuỷ điện vẫn còn tác động, ảnh hưởng đến nhân dân vùng hạ du, gây bức xúc dư luận...
Để triển khai hiệu quả công tác phòng chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn, trong năm 2017, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đề nghị các đơn vị trong ngành công thương rà soát, hiệu chỉnh phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”; cập nhật bổ sung đầy đủ các hình thái thiên tai; tổ chức phổ biến, hướng dẫn, diễn tập để chủ động ứng phó với thiên tai khi xảy ra, đặc biệt đối với các tình huống bão mạnh và siêu bão.
Chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực, tổ chức ứng trực để kịp thời ứng phó với mọi tình huống do thiên tai gây ra và sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị khi có yêu cầu, kết hợp với thực hiện nghiêm chế độ trực ban và báo cáo về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định.
Đối với các công trình thuỷ điện, Thứ trưởng yêu cầu thực hiện vận hành hồ chứa tuân thủ nghiêm quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ; Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương, các chủ hồ có liên quan trong công tác vận hành hồ chứa, đặc biệt là vận hành xả lũ.
Các đơn vị truyền tải, phân phối điện phải kiểm tra rà soát các điểm, khu vực xung yếu của lưới điện để gia cố, chuẩn bị phương tiện, vật tư dự phòng, nhân lực để kịp thời khắc phục các sự cố do thiên tai gây ra, nhanh chóng khôi phục cấp điện trở lại đảm bảo an toàn, đặc biệt có phương án duy trì cấp điện cho các công trình phòng chống thiên tai.