Thời sự
Ngành hàng chủ lực ghi điểm cao
Thế Hải - 25/03/2018 12:38
Hết quý I/2018, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước tiếp tục ghi điểm với đà tăng tốc tích cực.

Gạo, trái cây được giá

Gạo, trái cây tươi, dệt may… đều có tốc độ xuất khẩu tốt trong quý I/2018. Đáng mừng hơn là giá hàng được các doanh nghiệp xuất khẩu đàm phán cao hơn năm trước.

Giá gạo xuất khẩu bình quân những tháng đầu năm 2018 đạt mốc 475 USD/tấn, đưa gạo Việt có sự cải thiện rất đáng kể về giá xuất khẩu, tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp.

.

Mức giá 475 USD/tấn thời điểm này đã cao hơn hẳn con số 435 USD/tấn của năm 2016 và 450 USD/tấn của năm 2017. Nếu tiếp tục duy trì được chất lượng gạo để có cơ sở đàm phán tốt hơn về giá, lượng ngoại tệ mang về từ xuất khẩu gạo sẽ còn tạo bất ngờ.

Ông Trần Quốc Tuấn, Chánh văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, đối thủ mạnh nhiều năm qua. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo là 889.000 tấn, đạt 437 triệu USD, tăng 21% về khối lượng và tăng 39,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Ước cả 3 tháng đầu năm, ngoại tệ mang về từ xuất khẩu gạo vượt 700 triệu USD.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng khẳng định, thời cơ cho xuất khẩu gạo đang mở rộng, đặc biệt, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết có nhiều nội dung sẽ giúp Việt Nam thuận lợi hơn trong việc đưa gạo xuất khẩu vào thị trường các nước tham gia CPTPP.

Cũng theo ông Nam, định hướng nhiều năm tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo nhằm nâng cao chất lượng gạo của Việt Nam đã bước đầu có hiệu quả. Trong 3-4 năm qua, Việt Nam đã xây dựng được cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm tới 80%.

Một mặt hàng chủ lực là trái cây, rau củ mang về khoảng 1 tỷ USD ngoại tệ trong quý I/2018. Đáng nói là, nhiều sản phẩm trái cây như xoài, nhãn… xuất khẩu có giá cao hơn từ 15-30% so với bán nội địa và tăng lượng xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ, Australia…

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hầu hết các mặt hàng quả xuất khẩu trong quý I/2018 đều tăng mạnh, trong đó, đáng chú ý là các mặt hàng như xoài, xuất khẩu với kim ngạch đạt gần 100 triệu USD/tháng, tăng 423,7%; sầu riêng đạt 70 triệu USD, tăng 440,1%; dừa đạt 42 triệu USD, tăng 274,8%...

Đặc biệt, thanh long và nhãn là 2 loại quả mang lại giá trị xuất khẩu lớn nhất cho ngành hàng rau quả. Thanh long ước đem về 345 triệu USD, tăng 31,5%, trong khi nhãn mang về khoảng 205 triệu USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ.

Chờ đợi vào ngành hàng chủ lực

Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng như thông tin từ các hiệp hội ngành hàng, năm 2018 vẫn là một năm tích cực với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện thoại, linh kiện, sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, nông - thủy sản…

Với mặt hàng gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, sau khi xuất khẩu 5,6 triệu tấn gạo năm 2017, ngành hàng này có thể đạt trên 6 triệu tấn và hoàn toàn có thể “mơ” mốc 2,9 - 3 tỷ USD. Cơ sở của dự báo này là do cơ cấu gạo xuất khẩu có sự chuyển dịch tích cực khi giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp, tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, có chất lượng và giá trị cao.

Còn thủy sản, sau khi mang về 8,3 tỷ USD năm 2017, cũng dự kiến tăng trưởng 3-5%, với kỳ vọng tích cực nhờ sản phẩm tôm và sự linh hoạt xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2018 sẽ đạt trên 8,5 tỷ USD.

Quý I/2018, giá trị mang về từ xuất khẩu thủy sản đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong khi đó, tiếp đà xuất khẩu của năm trước, riêng 2 ngành hàng công nghiệp là dệt may, giày dép có thể mang về 54-55 tỷ USD. Năm 2017, dệt may, da giày đã góp 49 tỷ USD giá trị xuất khẩu.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), đồng thời là Chủ tịch Thái Bình Group khẳng định, CPTPP vừa được ký kết, dù thiếu Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của giày dép, túi xách, nhưng vẫn tạo xung lực xuất khẩu rất tốt cho ngành da giày để đầu tư mở rộng sản xuất, đón cơ hội xuất khẩu.

Ông Thuấn chia sẻ, tín hiệu tích cực là số lượng doanh nghiệp đầu tư làm hàng xuất khẩu có tỷ trọng chất xám cao ngày càng gia tăng với giá bình quân cao hơn 15% hàng đại trà. Đơn giá xuất khẩu bình quân đối với giày dép xuất khẩu nước ta là 15 USD, trong khi giá bình quân của giày dép Trung Quốc là 7 USD.

Chủ tịch Lefaso cũng dự báo, với tình hình thị trường của năm 2018,  kim ngạch xuất khẩu cả giày dép, túi xách có thể chạm mốc 20 tỷ USD.

Tin liên quan
Tin khác