Tồn kho đường cả nước đã vượt trên 400.000 tấn |
Hiệp hội mía đường Việt Nam mới đây đã có công văn gửi lên Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lào Cai liên quan đến việc ngành đường đang rơi vào tình cảnh khó khăn trong việc tiêu thụ do yếu tố thời tiết cũng như hoạt động buôn lậu gia tăng ở hầu hết các tỉnh biên giới Tây Nam và miền Trung.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các bộ ngành đã có nhiều giải pháp tích cực như: tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chậm đấu giá hạn ngạch thuế năm 2017 sang tháng 8/2017; không gia hạn tạm nhập tái xuất; thống nhất với địa phương kiến nghị Thủ tướng cho mở thêm cửa khẩu phụ tại biên giới tỉnh Lào Cai.
Tuy nhiên, đến nay ngành mía đường vẫn đang rất khó khăn do giá đường đang ở mức rất thấp, nhiều nhà máy đã phải bán bằng giá đường nhập lậu, thậm chí một số nhà máy đã phải bán dưới giá thành nhưng tiêu thụ vẫn rất khó khăn, một số nhà máy phải tạm dừng sản xuất.
Từ đầu năm tới nay, giá đường liên tục giảm, lượng tiêu thụ của các nhà máy chậm khiến ngành đường lâm vào cảnh khó khăn. Nông dân cũng chật vật khi giá mía giảm 150.000 - 200.000 đồng/tấn so với vụ sản xuất 2016 - 2017.
Trong khi đó, Hiệp định Thương mại tự do hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ 2018, xóa bỏ hạn ngạch thuế quan đường, khiến sản phẩm trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ đường nhập khẩu, đặc biệt là đường Thái Lan.
Số liệu thống kê cho thấy, ngành mía đường đang trong thời gian chính vụ và lượng tồn kho đang ở mức 400.000 tấn, điều này gây hệ quả dây chuyền không những cho các nhà máy sản xuất, các công ty thương mại phân phối mà còn tác động trực tiếp đến nông dân trồng mía trên cả nước.
Hiệp hội cho biết, để giải quyết vấn đề này, việc xuất khẩu mặt hàng đường qua cửa khẩu phụ tại tỉnh Lào Cai là một kênh tiêu thụ quan trọng cho ngành mía đường mà nhiều năm trước đây đã từng thực hiện.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu tiểu ngạch mặt hàng đường qua các cửa khẩu phụ cũng gặp nhiều khó khăn.
Như năm 2012 bắt đầu triển khai, cho phép 265.950 tấn và thực hiện được 66%, các năm sau tỷ lệ này lần lượt giảm xuống và tới năm 2016 hầu như không xuất khẩu được.
Năm 2017, do một số doanh nghiệp được phép xuất khẩu qua một số cửa khẩu tại Lào Cai (từ tháng 8/2017) nên đã xuất khẩu được khoảng 2.500 tấn.
Nguyên nhân việc xuất khẩu tiểu ngạch đường khó khăn và giảm dần được cho biết là do nước nhập khẩu tăng cường biện pháp chống buôn lậu và kiểm soát chặt nhập lậu, trong nước thì phải cạnh tranh quyết liệt với hàng tạm nhập tái xuất hàng đông lạnh và đường.
Hiệp hội kiến nghị Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lào Cai hoàn thành việc kiểm tra đánh giá và kiến nghị Thủ tướng cho mở lại cửa khẩu phụ tại Lào Cai và xem xét lại tạm nhập tái xuất hàng qua cửa khẩu nhằm tạo điều kiện hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong nước nói chung và ngành mía đường nói riêng.
Đầu năm 2018, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan tới việc tạm nhập tái xuất đường qua các cửa khẩu tại tỉnh Lào Cai.
Trong văn bản gửi Thủ tướng, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội khẳng định, ngành mía đường trong nước vẫn đang rất khó khăn, giá đường đang ở mức rất thấp, nhiều nhà máy phải bán bằng giá đường nhập nhập lậu. Một số nhà máy đã phải bán dưới giá thành nhưng tiêu thụ vẫn rất khó khăn. Thậm chí, có nhà máy đã phải tạm ngừng sản xuất.
Năm 2018 được nhận định là năm khó khăn nhất của ngành đường, theo chu kỳ 5-7 năm/lần. Chi phí sản xuất của các nhà máy hiện dao động 11.000 - 13.000 đồng/kg. Trong khi đó, một số nhà máy đã phải hạ giá đường xuống còn 11.500 đồng/kg nhưng vẫn phải bán. Trong khi đó, đường nhập lậu bán với giá chỉ 11.000 đồng/kg.