Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam trước dự báo giá xăng dầu có thể lên 140-150 USD/thùng.
Ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam |
Trái với dự đoán giá dầu thô trên thị trường thế giới có thể lên đến 140-150 USD/thùng, thì hiện giá dầu lại giảm, thưa ông?
Đó là xu hướng của giá dầu vài tuần trước, nhưng mấy ngày nay đã tăng trở lại và tôi dám chắc rằng, không chuyên gia, tổ chức nào trên thế giới có thể dự báo được diễn biến của giá xăng dầu.
Chi phí xăng dầu chiếm 35-40% cấu thành giá vận tải nên xăng dầu biến động ảnh hưởng rất lớn tới ngành vận tải, qua đó tác động cả trực tiếp lẫn gián tiếp đến nền kinh tế, kiểm soát kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiểm soát lạm phát. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, chúng tôi theo dõi chặt chẽ biến động giá xăng dầu thế giới và thực sự lo lắng mỗi khi giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng lên. Bây giờ, thêm cuộc chiến giữa Hamas và Israel xảy ra thì nỗi lo càng tăng lên, chẳng khác gì “bão chồng lên bão”.
Ngành vận tải đã từng nếm trải cảm giác ra sao khi giá xăng dầu tăng không ngừng?
Mỗi khi nhớ lại thời gian giá bán lẻ xăng dầu lên trên 30.000 đồng/lít, những người làm trong ngành vận tải vẫn còn rùng mình. Rất nhiều doanh nghiệp phải bán bớt phương tiện, giảm lao động, thu hẹp hoạt động, nợ ngân hàng gia tăng đến tận bây giờ vẫn chưa thể phục hồi. Ví dụ như lĩnh vực vận chuyển taxi, trước dịch Covid-19, cả nước có trên 160.000 đầu xe, bây giờ chỉ còn khoảng 90.000 đầu xe. Ngành vận tải mà phải bán phương tiện khác gì người nông dân trước đây phải bán trâu - là đầu cơ nghiệp, là công cụ lao động để sinh tồn.
Nhiều ngành khác có thể tạm ngừng hoạt động trong khoảng thời gian nhất định, nhưng với vận tải, ngân hàng, viễn thông, năng lượng, mà dừng chỉ một tiếng, cả xã hội sẽ trở lên hỗn loạn không thể kiểm soát được. Ngành vận tải chúng tôi tự hào, dù gặp rất nhiều khó khăn như các ngành khác do đại dịch Covid-19, lại cộng thêm giá xăng dầu tăng chóng mặt, nhưng vẫn chưa nhờ đến sự hỗ trợ riêng của Chính phủ như nhiều ngành khác. Thậm chí, chúng tôi cũng chưa từng kêu ca, phàn nàn nhờ đến sự hỗ trợ nên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng không phải tổ chức hết hội nghị nọ đến hội nghị kia để chỉ đạo các cấp, các ngành, đặc biệt là ngân hàng giảm lãi, tăng tín dụng, cơ cấu lại nợ...
Nhưng nếu cuộc chiến giữa Hamas - Israel không hạ nhiệt, cuộc chiến ở Ukraine không tìm được lối thoát và OPEC+ với thế giới phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, không tìm được tiếng nói chung, giá dầu thô tăng lên 140-150 USD/thùng thì cũng không biết điều gì sẽ xảy ra với ngành vận tải nếu không có bàn tay can thiệp của Nhà nước.
Không giống như các ngành kinh tế trọng điểm, then chốt khác, xăng dầu phụ thuộc vào thị trường thế giới. Thưa ông, ngành vận tải không thể khoanh tay chờ giải cứu?
Chính vì thế, chúng tôi đã và đang tích cực tái cơ cấu để giảm phụ thuộc vào xăng dầu. Phương án 1 là thanh lý dần các phương tiện tiêu hao nhiều năng lượng hiện nay bằng các loại xe tiêu hao ít nhiên liệu. Chúng tôi đã tính toán, nếu bỏ tiền mua một chiếc xe Toyota Vios giá cũng vừa phải, chỉ tiêu hao khoảng 5 lít xăng cho 100 km, tương đương với chiếc xe máy tay ga hạng sang và thấp hơn rất nhiều với mức tiêu thụ của các loại xe hiện nay là 7-8 lít/100 km. Thứ hai là chuyển dần sang xe điện thì sẽ không còn phụ thuộc vào sự biến động của giá xăng dầu nữa.
Quyết định 876/QĐ-TTg (ngày 22/7/2022) Phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh của ngành giao thông vận tải đã yêu cầu phải chuyển sang xe điện, sao không thực hiện luôn, thưa ông?
Quyết định 876/QĐ-TTg xác định chuyển đổi năng lượng xanh là cơ hội để ngành giao thông vận tải có sự phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và bền vững, bắt kịp với xu thế và trình độ phát triển tiên tiến của thế giới. Huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh; tạo động lực để huy động sự tham gia của toàn xã hội cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào quá trình thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh.
Mục tiêu thì rất hay, nhưng thực hiện lại rất khó vì một chiếc xe ô tô điện VinFast có giá thành gấp đôi chiếc Toyota Vios. Huy động nguồn lực ở đâu để đầu tư, có ngân hàng nào cho doanh nghiệp vận tải vay vốn với lãi suất ưu đãi để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh không?
Sao không mua xe ô tô điện nhập khẩu?
Theo tôi được biết, với giá bán xe ô tô điện hiện nay, VinFast cũng chỉ hòa vốn, nếu có lãi cũng chỉ là “chút đỉnh” nên không thể hạ giá bán được. Còn xe nhập khẩu, chúng tôi vừa sang khảo sát ở Trung Quốc và thấy rằng, một chiếc xe ô tô điện do Trung Quốc có chất lượng tương đương xe của VinFast, nhưng giá bán tại thị trường của họ rẻ hơn vì được Chính phủ trợ giá. Còn ở Việt Nam, quan điểm của một số cơ quan cho rằng, cần phải bảo vệ ngành sản xuất trong nước, nên áp dụng các chính sách thuế cao đối với ô tô nhập khẩu, trong đó có cả ô tô điện, nên xe nhập khẩu về Việt Nam cũng không hề rẻ.
Chưa kể là hạ tầng để vận hành xe ô tô điện, cụ thể là trạm sạc điện hiện nay cũng chưa có.
Như vậy quả là quá khó cho ngành vận tải vì sử dụng xe xăng cũng chết, mà xe điện thì chưa có hướng ra?
Ngành vận tải đã thực sự vào cuộc trong chuyển đổi số, tự lột xác rất mạnh mẽ để tiết giảm chi phí. Ví dụ, một doanh nghiệp taxi có khoảng ngàn đầu xe, bây giờ, sau khi áp dụng công nghệ chuyển đổi số, chỉ cần sử dụng khoảng 30 lao động trực tiếp và 40 lao động gián tiếp, giảm được khoảng 50% so với trước đây, theo đó chi phí nhân công giảm đáng kể.
Nhưng giá bán lẻ xăng dầu 30.000 - 32.000 đồng/lít là điểm cuối cùng của sự chịu đựng, nếu vượt mức này chắc chắn doanh nghiệp phá sản hàng loạt nếu không có sự hỗ trợ đúng, đủ, kịp thời, cho dù chúng tôi có sử dụng phương tiện tiết kiệm tối đa năng lượng. Chuyển đổi sang xe điện không khó nếu có đủ tài chính cả vốn tự có lẫn vốn đi vay, nhưng vấn đề là hạ tầng, cụ thể là trạm sạc điện phải đầu tư rất nhiều tiền, chưa kể cực kỳ phức tạp vì liên quan đến đất đai. Chỉ riêng vấn đề đất đai cho hàng chục ngàn trạm sạc điện trên khắp cả nước, doanh nghiệp vận chuyển gần như “thúc thủ”.