Tranh luận về số liệu cáo buộc
Phiên tòa phúc thẩm bắt đầu từ ngày 4/11 để xem xét kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 bị cáo khác liên quan đến các tội danh: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; tham ô tài sản; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Tất cả các bị cáo đều kháng cáo với mong muốn được cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan còn kháng cáo đề nghị xem xét lại hành vi phạm tội và các số liệu quy buộc trách nhiệm.
Bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và các bị cáo khác tại toà. |
Trong quá trình tranh luận tại tòa, luật sư và bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm đánh giá lại số tiền thiệt hại và các số liệu quy buộc trách nhiệm. Đồng thời yêu cầu Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cung cấp tài liệu để làm rõ số liệu liên quan các khoản nợ trước khi hợp nhất.
Yêu cầu SCB bóc tách dư nợ từng giai đoạn; dư nợ gốc và lãi tính đến 31/12/2017; dư nợ từ 1/1/2018 đến 7/10/2022 (thời điểm khởi tố vụ án). Xác định khoản vay nào được sử dụng để đảo nợ, và số tiền bị cáo Trương Mỹ Lan đã rút ra.
Tuy nhiên, phía SCB từ chối cung cấp thêm tài liệu với lý do đã nộp đầy đủ trong quá trình điều tra. Do đó, luật sư và bị cáo Lan dựa trên kết luận thanh tra và kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng để chứng minh rằng tổng dư nợ gốc và lãi đến thời điểm khởi tố thực chất là các khoản nợ đã được tái cơ cấu, nằm trong vòng xoáy “nhồi lãi” liên tục (theo thuật ngữ ngân hàng).
Về phần dân sự trong vụ án, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm làm rõ các giao dịch đã ký với công ty của bà Trương Mỹ Lan. Đa số đồng ý hoàn trả lại số tiền đã nhận từ bà Lan để khắc phục hậu quả vụ án.
Về phương án khắc phục hậu quả, bị cáo Trương Mỹ Lan giữ nguyên quan điểm từ phiên sơ thẩm: sử dụng tài sản cá nhân để khắc phục toàn bộ hậu quả. Bà đồng ý đưa vào nhiều tài sản và dự án không bị kê biên để thực hiện trách nhiệm này.
Nhiều bị cáo được đề nghị giảm án
Trong phiên tòa phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1, một số bị cáo đã được Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại TP.HCM đề nghị giảm án sau khi xem xét kháng cáo.
Cụ thể, bị Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Capella) được đề nghị giảm án xuống từ 5-6 năm tù sau khi xét đến thái độ hối cải và vai trò trong vụ việc.
Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) được đề nghị giảm mức án từ 15-16 năm tù đối với tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng,” nhưng vẫn giữ nguyên mức án chung thân với tội “Tham ô tài sản”.
Trương Khánh Hoàng (cựu Tổng giám đốc và Giám đốc Ngân hàng SCB - chi nhánh Bến Thành) bị cáo trong tội “Tham ô tài sản” được đề nghị mức án từ 16-17 năm tù.
Trong khi đó, bà Trương Mỹ Lan vẫn giữ án tử hình với lý do thiệt hại tài chính gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, dù Viện Kiểm sát ghi nhận nỗ lực khắc phục hậu quả của bị cáo. Đại diện Viện Kiểm sát nêu rõ, thiệt hại tổng cộng từ các hành vi của bị cáo Lan lên đến hơn 129.000 tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống tài chính quốc gia.
Trong phần nói lời sau cùng, bị cáo Trương Mỹ Lan bày tỏ mong muốn có một cơ chế đặc biệt để bà được tham gia vào quá trình thi hành án nhằm xử lý tài sản hiệu quả hơn.
Theo bị cáo Lan, bà vừa là bị cáo vừa là người chịu thiệt hại từ các sự kiện dẫn đến vụ án. Bà đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho mình và các bị cáo khác, đồng thời mong được xem xét lại các tội danh, đặc biệt là tội "tham ô tài sản".
Bị cáo cũng trình bày về mong muốn dùng tài sản cá nhân để khắc phục hậu quả, nhấn mạnh sẵn sàng sử dụng những tài sản không bị kê biên và cả tài sản dư thừa (nếu có) để xây dựng trường học, nhà ở xã hội hoặc bệnh viện.
Đồng thời, bị cáo cũng xin được gặp luật sư trong trại giam để cung cấp thêm hồ sơ, hỗ trợ cho việc xét xử và thi hành án. Ngoài ra, bị cáo nhấn mạnh rằng các khoản tiền lớn mà bà bị cáo buộc chiếm đoạt cần được làm rõ hơn, bao gồm các khoản liên quan đến tái cơ cấu ngân hàng SCB.