Đầu tư và cuộc sống
Nữ sinh duy nhất tốt nghiệp loại xuất sắc Đại học Hà Nội
Thanh Hằng - 19/07/2019 09:15
Gặp nhiều khó khăn khi quay về Việt Nam học tập, cựu du học sinh Hoàng Ngọc Trâm từng bước vượt qua, trở thành thủ khoa Đại học Hà Nội.
Hoàng Ngọc Trâm, thủ khoa đầu ra năm 2019 của Đại học Hà Nội. Ảnh: Thanh Hằng

Hoàn thành chương trình đại học chỉ trong 3 năm, Hoàng Ngọc Trâm đạt điểm 10 khóa luận tốt nghiệp và điểm tổng kết 9.07/10, trở thành thủ khoa đầu ra năm 2019 của Đại học Hà Nội. Trâm cũng là sinh viên duy nhất khóa 15 (2015-2019) tốt nghiệp loại xuất sắc.

Hạnh phúc với những gì đạt được, cô gái Hà Nội nói không thể quên được những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua khi học lớp 12. Theo gia đình sang Áo sống khoảng 4 năm, khi bố mẹ hoàn thành công việc ở đây, Trâm đứng trước lựa chọn hoặc tiếp tục ở Áo học tập, hoặc trở về Việt Nam. "Vì muốn được sống gần bố mẹ và rất nhớ Việt Nam, em quyết định trở về", Trâm kể.

Tháng 7/2015, Trâm về Việt Nam, bắt đầu học lớp 12 tại trường THPT Kim Liên (Hà Nội). Em chọn khối D ôn thi THPT quốc gia, nhưng gần như quên hết kiến thức cơ bản. "Em từng bị cả lớp cười khi hỏi thầy giáo hằng số là gì. Khi điểm thi thử tiếng Anh không tốt, có bạn nói với em Đi học nước ngoài mà điểm chỉ có vậy thôi à?", Trâm nhớ lại.

Trong ba môn ôn thi khối D, Văn là môn khó nhất với Trâm vì đã quên nhiều tiếng Việt và lúng túng trong cách sử dụng từ ngữ. "Nhiều kiến thức các bạn học từ lớp 9-10, nhưng em không biết vì thời gian đó không ở Việt Nam. Em thấy mình bất lợi hơn rất nhiều so với các bạn", cô gái sinh năm 1998 chia sẻ.

Liên tiếp gặp khó khăn trong học tập, Trâm từng đặt câu hỏi liệu trở về Việt Nam có phải quyết định đúng đắn, mình có đủ sức tiếp tục hay không? Cuối cùng em tự động viên không phải vì mình đi nước ngoài nên mình không làm được, chỉ là mình thiếu kiến thức cơ bản và mình hoàn toàn có thể cải thiện.

Kết quả, điểm thi môn Toán và tiếng Anh của Trâm khá cao, nhưng môn Văn chỉ 5,5. "Lúc nhìn thấy điểm, em rất thất vọng. Con số 5,5 cứ nghẹn ở cổ em, cảm giác giống như tất cả nỗ lực của mình trong suốt một năm qua đều không có ý nghĩa gì", Trâm nhớ lại. Sau đó, em làm phúc khảo, được tăng 1 điểm Văn.

Vì điểm không được như kỳ vọng, ước mơ học Đại học Ngoại giao đành gác lại, Trâm đăng ký xét tuyển vào khoa Ngôn ngữ Đức, Đại học Hà Nội. Khi ấy cựu du học sinh Áo đã có chứng chỉ B2 tiếng Đức nên được học luôn năm 2 cùng khóa sinh năm 1997, hơn em một tuổi. "Em rất vui nhưng cũng thấy lo lắng, không biết mình có theo kịp và hòa nhập được hay không", Trâm chia sẻ.

Trong 3 năm học Đại học Hà Nội, Trâm trở lại Đức hai lần trong năm 2018 theo học bổng của các chương trình trao đổi ngắn hạn. Để nắm lấy cơ hội này, em đã phải viết hai bài luận bằng tiếng Đức về đề tài hình thái học và văn học Đức với dung lượng 12-16 trang. 

Hơn hai tháng tham gia khóa học, Trâm rất quan tâm đến việc sử dụng trị động từ trong tiếng Đức và lựa chọn đề tài này để viết luận. Sau khi thảo luận, thầy cô nhận xét em hoàn toàn có thể triển khai bài luận thành đề tài tốt nghiệp.

Trâm chia sẻ khó khăn lớn nhất là khối lượng khảo sát lớn, với hơn 60 bài luận của sinh viên ở các trình độ. "Vì nghiên cứu về trị động từ trong tiếng Đức nên em phải phân tích tất cả động từ có trong từng bài luận. Nhiều lúc những từ các bạn sử dụng em cũng không biết là đúng hay sai", Trâm nói. Khi đó em phải hỏi thầy cô để nghiên cứu được chính xác.

Tính cả thời gian chuẩn bị bước đầu tiên khi còn bên Đức, Trâm mất hơn nửa năm cho khóa luận tốt nghiệp. Kết quả em khi đạt điểm 10 khóa luận. 

Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hiền, Trưởng khoa tiếng Đức, Đại học Hà Nội, đã hướng dẫn và đồng hành cùng Trâm trong thời gian học tập và làm khóa luận tốt nghiệp. Cô Hiền đánh giá Trâm rất cầu thị, chăm chỉ, có nền tảng tiếng Đức tốt ngay khi thi vào trường, nhưng rất ý thức học. Em có năng lực nghiên cứu khoa học, có thể lựa chọn theo đuổi ngành dịch thuật. 

Trâm dự định sắp tới học thạc sĩ ngôn ngữ Đức tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Em sẽ tiếp tục nghiên cứu đề tài khóa luận tốt nghiệp vì cho rằng còn nhiều vấn đề chưa được đề cập, có thể khai thác nhiều hơn trong quá trình học thạc sĩ.

 

Tin liên quan
Tin khác