Sách là kho tàng kiến thức vô giá của nhân loại, tuy nhiên văn hóa đọc sách ngày càng mai một tại Việt Nam.
Một khảo sát quốc tế năm 2016 cho thấy người Việt Nam đọc sách ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực, chỉ có 30% người Việt đọc sách thường xuyên, 44% thỉnh thoảng mới đọc sách, và 26% hoàn toàn không đọc sách. Trong khi người Ấn Độ đọc gần 11 giờ/tuần, người Đài Loan đọc 5 giờ/tuần, người Nhật Bản đọc 4giờ/tuần, Hàn Quốc 3 giờ/tuần,… thì người Việt Nam trung bình đọc chưa tới 1 giờ/tuần.
Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, kể từ năm 2014, ngày 21/4 hàng năm được Chính phủ chọn là Ngày Sách Việt Nam; với mục tiêu khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Để đưa văn hóa đọc phát triển lên tầm cao mới, ngày 4/11/2021 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thay thế cho Ngày Sách Việt Nam trước đây và vẫn được diễn ra vào ngày 21/4 hằng năm.
Năm 2023, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam sẽ được tổ chức lần thứ 2, kéo dài từ ngày 15/4/2023 đến ngày 1/5/2023 với chủ đề “Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo” - “Sách cho tôi, cho bạn”.
Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu huy động mọi nguồn lực xã hội để tổ chức các hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam sao cho đa dạng, phong phú, kết hợp được truyền thống với hiện đại theo xu thế phát triển của xuất bản điện tử; đưa ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số để tạo ra giá trị mới, kết nối các hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ hai từ Trung ương với các bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể, địa phương; đa dạng hóa các hình thức phát hành để đưa sách đến với người sử dụng.
Tại thủ đô Hà Nội, nhiều hoạt động đã và đang được triển khai để hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4. Cụ thể, Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền trực quan thông qua treo pano, áp phích, băng rôn tại các thư viện, phòng đọc cơ sở trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung vào nội dung phong trào đọc sách, lan tỏa tri thức, nét đẹp văn hóa, con người Việt Nam cho nhân dân tại địa phương; khai thác triệt để nguồn lực về khoa học công nghệ, sử dụng các hình thức đa dạng trên không gian mạng để tổ chức các hoạt động quảng bá về văn hóa đọc.
Sở Văn hóa và Thể thao giao Thư viện Hà Nội là đơn vị thực hiện tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam cấp Thành phố. Các hoạt động hưởng ứng gồm: Trưng bày, triển lãm sách (từ 500 tên sách) về thành tựu đổi mới, thành tựu ứng dụng khoa học công nghệ trong đời sống xã hội; Quá trình chuyển đổi số trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; giới thiệu những tác phẩm nổi bật trong thời kỳ mới.
Bên cạnh đó, Thư viện Hà Nội cũng tổ chức nhiều hoạt động liên quan như thi vẽ tranh theo sách cho thiếu nhi, viết cảm nhận về cuốn sách yêu thích; phát động phong trào quyên góp sách, trang thiết bị đọc sách tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các phòng đọc cơ sở trên địa bàn thành phố; phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội lần thứ III,…