Y tế - Sức khỏe
Ngày Thị giác Thế giới năm 2023: Yêu đôi mắt của bạn tại nơi làm việc
D.Ngân - 13/10/2023 06:05
Ngày Thị giác Thế giới năm nay (12/10/2023) sẽ tập trung vào tầm quan trọng của việc chăm sóc mắt tại nơi làm việc.

Chủ đề Ngày Thị giác Thế giới năm 2023 là "Yêu đôi mắt của bạn tại nơi làm việc" hướng tới an toàn mắt khi lao động, cảnh báo người dân về tầm quan trọng phải bảo vệ mắt trong quá trình lao động.

Ngày Thị giác Thế giới năm nay (12/10/2023) sẽ tập trung vào tầm quan trọng của việc chăm sóc mắt tại nơi làm việc.

Tai nạn mắt thường đi kèm với giảm thị lực hoặc mù lòa. Để phòng tránh cần ưu tiên chăm sóc và bảo vệ mắt cho người lao động.

Thống kê cho thấy tai nạn nghề nghiệp gây thương tích cho mắt chiếm hơn 1/3 tổng số chấn thương. Trong đó nam giới trẻ chiếm 96,3%, trong nhóm này 89,1% các trường hợp chấn thương nhãn cầu hở xảy ra trong khi làm việc trong bối cảnh không đeo kính bảo hộ.

Hưởng ứng Ngày thị giác Thế giới năm nay, tổ chức quốc tế, các thầy thuốc nhãn khoa cảnh báo người dân về tầm quan trọng phải bảo vệ mắt trong quá trình lao động, kêu gọi người sử dụng lao động ưu tiên chăm sóc mắt cho người lao động mọi nơi, mọi lúc.

Những thói quen người lao động có được ở nơi làm việc thường xuyên không phải lúc nào cũng chuyển sang môi trường sinh hoạt hay làm việc vặt trong gia đình dễ dàng.

Chấn thương mắt cũng có thể xảy ra tại nhà. Mù lòa ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, dẫn tới nghèo đói, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, là gánh nặng xã hội.

Ngày thị giác thế giới năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo 6 cách giảm mỏi mắt khi sử dụng thiết bị điện tử:

Đeo kính: Nếu bạn được khuyên nên sử dụng kính theo toa để điều chỉnh thị lực, hãy đảm bảo bạn đeo kính theo khuyến nghị. Hãy khám mắt định kỳ và nhận tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa mắt.

Thư giãn: Hãy tuân theo quy tắc 20-20-20. Cứ sau 20 phút, hãy nhìn vào vật nào đó cách xa 20 feet (khoảng 6 mét) trong ít nhất 20 giây.

Chớp mắt: Hãy rèn luyện để chớp mắt thường xuyên hơn. Nếu cần, hãy sử dụng thuốc nhỏ mắt bôi trơn để giữ ẩm cho mắt.

Điều chỉnh khoảng cách: Màn hình máy tính nên thấp hơn mắt từ 15 đến 20 độ (khoảng 10cm hoặc 12cm) khi đo từ giữa màn hình và cách mắt từ 50 cm đến 70 cm.

Điều chỉnh màn hình hiển thị: Điều chỉnh màn hình phù hợp cho sự thoải mái của bạn như chỉnh độ sáng (giống với môi trường xung quanh bạn), độ tương phản, nhiệt độ màu và kích thước văn bản.

Ánh sáng phù hợp và giảm chói: Điều chỉnh vị trí màn hình máy tính của bạn phù hợp và thử màn hình chống chói để tránh sự khó chịu.

Tại Việt Nam, chiều 12/10, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống mù lòa, Bộ Y tế, Bệnh viện Mắt Trung ương, Hội Nhãn khoa Việt Nam phối hợp tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thị giác Thế giới.

PGS-TS.Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán, Bộ Y tế, phụ trách, quản lý, điều hành Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù lòa, 80% các nguyên nhân gây mù có thể phòng và chữa được; 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng.

Qua điều tra cho thấy, các nguyên nhân gây mù chính hiện nay thì đục thể thủy tinh vẫn là nguyên nhân chủ yếu (chiếm tới 66,1%), tiếp đó là các bệnh lý đáy mắt, glôcôm, tật khúc xạ...

Đáng chú ý, tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) đang ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên, với tỷ lệ mắc khoảng 15 đến 20% ở học sinh nông thôn và 30 đến 40% ở thành phố.

Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6 - 15 tuổi (lứa tuổi cần ưu tiên được chỉnh kính) cả nước có khoảng gần 15 triệu em, với tỷ lệ mắc các tật khúc xạ khoảng 20%, thì Việt Nam ước tính gần 3 triệu em mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính, trong đó có tới 2/3 bị cận thị.

Bên cạnh đó, công tác phòng chống mù lòa xuất hiện những thách thức mới như tỷ lệ mắc bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non, bệnh võng mạc do đái tháo đường bệnh glôcôm cũng ngày càng tăng cao.

Tin liên quan
Tin khác