Thời sự
Ngành tài chính đề ra 9 giải pháp nhằm hoàn thành nhiệm vụ năm 2025
Tùng Linh - 31/12/2024 17:01
Dự báo trong thời gian tới tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức, báo cáo đánh giá công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách đưa ra 9 giải pháp nhằm hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2025.

Chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế, thu ngân sách vượt 2 triệu tỷ đồng

Theo báo cáo đánh giá công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, căn cứ các nhiệm vụ, đề án được giao, Bộ Tài chính đã khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 và chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm. Trong đó, ngành tài chính đã tập trung thực hiện công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, các đề án, dự kiến đến hết 31/12/2024 hoàn thành 70/71 nhiệm vụ được giao. 

Tính đến ngày 27/12/2024, Bộ Tài chính đã hoàn thành 63 đề án nhiệm vụ được giao, trong đó có 38 đề án, nhiệm vụ được giao bổ sung. Dự kiến đến hết 31/12/2024, sẽ hoàn thành 70/71 nhiệm vụ được giao. Tính cả các đề án đã trình từ những năm trước chuyển sang, Chính phủ ban hành 23 Nghị định và 20 dự thảo Nghị định đang xem xét ban hành; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 02 Quyết định và 02 dự thảo Quyết định đang xem xét ban hành. Đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành 86 Thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài chính - NSNN.

Nama 2024, ngành tài chính điều hành chính sách tài khóa chủ động, mở rộng hợp lý, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; quyết liệt công tác thu, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi thường xuyên NSNN để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển Thu ngân sách nhà nước năm 2024 ước đạt khoảng 2.025,4 nghìn tỷ đồng, bằng 119,1% (tăng 324,4 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 15,5% so thực hiện năm 2023. Chi NSNN ước đến ngày 31/12/2024 đạt khoảng 1.830,8 nghìn tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán. Trong đó, chi thường xuyên ước đạt 94,5% dự toán; con chi đầu tư phát triển ước đạt 78,1% dự toán; tỷ lệ giải ngân ước đạt 77,5% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn mức cùng kỳ năm 2023 (khoảng 81,9%). Thực hiện tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên được khoảng 5.000 tỷ đồng, báo cáo Quốc hội dành cho nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Nợ công được đánh giá là một điểm sáng với chỉ tiêu dư nợ công đến cuối năm 2024 đạt khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 33-34% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so thu NSNN khoảng 20-21%. Các giải pháp tiếp tục cơ cấu lại nợ công tiếp tục được triển khai đồng bộ. Bộ Tài chính phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài; thực hiện trả đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ theo cam kết; không cấp mới bảo lãnh cho các dự án vay trong nước và nước ngoài.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ những tháng đầu năm, tiếp tục phát sinh nhiều yếu tố không thuận lợi, nhất là tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến việc điều hành nhiệm vụ NSNN năm 2024. Một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động trong công tác chuẩn bị triển khai dự toán chi NSNN và kế hoạch vốn đầu tư công được giao.

Báo cáo đánh giá công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách đã chỉ ra một số hạn chế, khó khăn trong năm 2024. Cụ thể, tiến độ một số khoản thu, sắc thuế, khu vực thu (tiền sử dụng đất, thu cổ tức lợi nhuận sau thuế, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước) đạt thấp. Việc triển khai dự toán chi thường xuyên, phân bổ chi tiết kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia ở một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn chậm. Một số nơi chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, sai phạm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, thất thoát, lãng phí tại một số cơ quan, đơn vị.

9 giải pháp nhằm hoàn thành nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2025

Dự báo trong thời gian tới tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức. Căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2025 Quốc hội đã quyết định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao, Bộ Tài chính chỉ ra 9 giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2025.

Một là, giữ vững nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Tăng cường năng lực dự báo đúng, kịp thời những biến động tình hình kinh tế thế giới và trong nước để đề xuất các giải pháp điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm xử lý tốt các vấn đề phát sinh. 

Hai là, thực hiện nghiêm pháp luật về thu, quản lý thu NSNN, tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN, tài sản công, gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững.

Bốn là, kiểm soát hiệu quả bội chi NSNN, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng.

Năm là, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập.

Sáu là, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xây dựng cơ cấu sở hữu hợp lý, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, nòng cốt cho kinh tế nhà nước.Bảy là, tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường; đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Tám là, tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Cuối cùng, chú trọng điều hành các nhiệm vụ tài chính - NSNN trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. 

Tin liên quan
Tin khác