Tiêu dùng
Nghề làm bột gạo Sa Đéc đem về giá trị hàng năm trên 400 tỷ đồng
Huy Tự - 27/04/2024 13:45
Đến TP. Sa Đéc, du khách không chỉ ngất ngây với những cánh đồng hoa trải rộng, những điểm đến homstey đặc trưng xanh mát của các khu du lịch miệt vườn, mà còn thưởng thức hương vị đậm đà món hủ tiếu trứ danh, với nguyên liệu bánh hủ tiếu từ Làng nghề bột Sa Đéc đã có hàng trăm năm nay.

Ông Nguyễn Văn Hon, Chủ tịch UBND TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cho biết, Nghề làm bột Sa Đéc đã trải qua hơn 100 năm tồn tại và phát triển, đã ăn sâu vào đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của người dân địa phương. Hiện thành phố Sa Đéc có hơn 160 hộ, cơ sở sản xuất, với hơn 1.000 lao động, sản lượng bình quân trên 30.000 tấn bột/năm; nhiều sản phẩm sản xuất sau bột như: Hủ tiếu, bánh canh, nui, phở, bún, bánh tằm, ống hút gạo...

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (bìa trái) trao Quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm bột Sa Đéc.

Ông Hon cho biết, thị trường tiêu thụ đa số trong nước và xuất khẩu ngoài nước thông qua các đơn vị như: Công ty cổ phần thực phẩm Bích Chi, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hòa Hưng, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang, Công ty cổ phần Tinh bột xanh..., góp phần cho thành phố Sa Đéc thu về trên 400 tỷ đồng/năm.

Phát biểu tại Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian “Nghề làm bột gạo Sa Đéc” xã Tân Phú Đông, phường 2 và Khai mạc Lễ hội Hòa Bình thành phố Sa Đéc lần thứ III năm 2024 tại Quảng trường TP. Sa Đéc vào tối 26/4/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đề nghị các ngành, các cấp cần phát huy hơn nữa không chỉ vì nguồn lợi kinh tế, công ăn việc làm địa phương, mà qua đó đẩy mạnh quảng bá và tôn vinh những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa Quốc gia, văn hóa bản địa của Làng nghề bột Sa Đéc, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị đó, góp phần giữ gìn và phát triển di sản văn hóa dân tộc để các giá trị này thấm sâu trong đời sống của mọi người, mọi nhà.

"Cần sớm có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề; tổ chức, kêu gọi đầu tư, hợp tác để sản xuất, kinh doanh bột ngày một vươn xa ở thị trường trong nước và quốc tế; gắn kết giữa Làng Hoa với Làng Bột, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ và du lịch để nhà vườn hoa kiểng và người làm bột không ngừng phát huy lợi thế, nâng tầm tư duy kinh tế nông nghiệp", Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho nhiều tập thể, hộ gia đình, cá nhân đã có thành tích đóng góp cho công tác giữ gìn, bảo tồn và phát triển “Nghề làm bột gạo Sa Đéc”.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tặng bằng khen cho tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp phát triển Nghề làm bột gạo Sa Đéc. Ảnh: Cổng TTĐT Đồng Tháp

Cùng với dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), UBND TP. Sa Đéc đã khai mạc Lễ hội Hoà Bình lần thứ III năm 2024 với nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao kéo dài đến 1/5/2024 để phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh khi đến với TP. Hoa Sa Đéc, bao gồm: Không gian trưng bày, triển lãm các công cụ, dụng cụ làng nghề sản xuất bột Sa Đéc kết hợp với trưng bày, giới thiệu các sản phẩm làm từ bột gạo, sản phẩm OCOP các huyện, thành phố trong tỉnh; Hội thi chế biến 49 món ăn và bánh dân gian từ các loại bột Sa Đéc; Hội thi văn nghệ quần chúng; Liên hoan các nhóm nhảy thanh niên; Triển lãm ảnh “Nghề làm bột gạo Sa Đéc xưa và nay”…

Tin liên quan
Tin khác