Có những gia đình, con người sống theo nhịp sống của thiên nhiên, nhịp sống của xã hội, hoà hợp với đất trời, với cộng đồng. Tết là mùa xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc. Con người thanh lọc tâm hồn, thanh lọc cái cũ để đón nhận chu kỳ mới của vũ trụ, trời đất mà mình là một phần trong đó. Các thành viên trong gia đình đón Tết rất giản dị, nhưng có những thói quen hoặc tự thưởng cho mình những phút giây thưởng ngoạn sở thích mà có khi cả năm phải “ngó lơ” bởi những lo toan của người đứng đầu doanh nghiệp.
Nghệ nhân nấu bia, nhà sáng lập thương hiệu C-Brewmaster - Doanh nhân Nguyễn Văn Cường là một người như thế.
“Thích nghi, thích nghi và thích nghi”
Lại một năm nữa mà bối cảnh xã hội và điều kiện kinh tế sẽ điều chỉnh lối sống của chúng ta về ngày Tết. So với lúc còn đi làm CEO thuê và lúc làm chủ thì kịch bản có ngay trong đầu ông lúc này thế nào?
So với lúc làm công ăn lương thì khi làm chủ tâm lý trách nhiệm sẽ cao hơn rất nhiều, tinh thần chủ sở hữu cũng lớn hơn. Lo lắng, áp lực sẽ giúp tôi luôn tìm giải pháp đi cùng hành động tạo kết quả. Ưu tiên số một là công ty cần phải sống sót, nhân viên có việc làm, nhận được lương. Điều này đòi hỏi cần có các phương án cho trường hợp bình thường và cho trường hợp xấu nhất như khi nhân viên dương tính, khu vực bị phong toả.
Không ai đoán biết được dịch bệnh ngày mai như thế nào. Nhưng dù khó khăn, trách nhiệm người đứng đầu vẫn phải lo cho nhân viên nhận được đầy đủ lương, thưởng Tết trước khi nghỉ.
Nỗi sợ bệnh tật và nỗi lo về tài chính trong một năm qua khiến ông hình thành bản năng chọn lọc và làm quen với những gì thực sự cần thiết cho sự tồn tại của mình?
Điều này luôn luôn đúng. Trong khủng hoảng chúng ta cần tỉnh táo tìm các hướng đi, tối ưu hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh, để làm sao doanh nghiệp sống sót. Tôi nhấn mạnh: “Thích nghi, thích nghi và thích nghi”.
Thành công nhất có lẽ là tất cả nhân viên khoẻ mạnh, hai nhà máy đang vận hành sản xuất ra các sản phẩm độc đáo, số khách hàng người Việt tăng, xuất khẩu đi Hàn Quốc nhiều hơn.
Nghệ nhân nấu bia Nguyễn Văn Cường. |
Với ông đâu là điều quan trọng lúc này?
Đó là tâm lý cởi mở hơn với những thay đổi thói quen vào những thời điểm có biến động.
Chúng tôi cần thay đổi để đảm bảo doanh nghiệp sống mỗi ngày, thay đổi để phát triển đặc biệt trong bối cảnh không có công thức chuẩn đối phó với dịch bệnh.
Thế giới cũng mày mò từng bước dựa trên nền tảng khoa học và kinh nghiệm, người ta đã đưa ra các biện pháp phòng ngừa và thích ứng. Chúng ta cần học hỏi ở các nước tân tiến họ đã đi qua, cũng như dựa vào tình hình thực tế tại Việt Nam.
Chúng tôi phấn đấu: “Mỗi sáng dậy doanh nghiệp chưa phá sản, đến công ty nhân viên có việc làm, cuối tháng có tiền trả lương”.
Việt Nam dần hình thành thói quen tối giản trong ngày thường lẫn các ngày lễ Tết. Nhiều khoản biếu xén sẽ bớt đi. Điều này sẽ tác động tới sức tiêu thụ các sản phẩm bia mà công ty ông sản xuất?
Thực ra, những điểm tiêu thụ truyền thống như nhà hàng bị giảm đi, nhưng thói quen mới tiêu dùng tại nhà lại tăng lên. Chính vì vậy lượng bia tiêu thụ qua thương mại điện tử, online, giao hàng tận nơi lại phát triển. Một thói quen mới hình thành đó là uống bia tại nhà.
Năm con Hổ, sao anh có ý tưởng tung ra dòng bia nào?
Năm nay, tôi quyết định cho ra đời 2 loại bia cháy hàng là bia Vải IPA mới và bia Bưởi Đào. Một dòng dùng vải Bắc Giang đúng mùa phong toả Covid-19. Bà con bán khó khăn, một người bạn chủ vườn đã tự chở mấy tạ vải tươi đến nhà máy. Vải IPA thơm ngon ngạc nhiên, bao nhiêu cũng không đủ bán. Còn dòng Bia bưởi đào Việt cho những bạn thích nhẹ nhàng, thơm hương bưởi tươi, ít đắng uống mượt, dịu.
Bia gấu Papa Bear năm nay có chút mới là dầy đậm hơn, dắng ngọt hơn, dành cho những bạn ghiền bia thủ công.
Ngày Tết uống trà đọc cái gì đó hay hay…
Nhiều người giữ nếp cổ trong Tết cổ truyền, gia đình ông thì sao?
Gia đình tôi có ba người sống rất đơn giản. Chỉ mua sắm những gì thật sự cần thiết. Nhà tôi vẫn thích ăn bánh chưng ngày Tết cùng gà, giò, măng, miến, nem những món ăn truyền thống của người Việt. Thói quen này vẫn được duy trì.
Có lẽ năm nay do tình hình dịch bệnh chúng tôi cũng không đi đâu. Có cậu con trai cả đang sống và làm việc ở TP.HCM ra Hà Nội, chắc xôm tụ hơn, hơn năm rồi chúng tôi chưa gặp nhau.
Tết trong ký ức ngày nhỏ của ông là những điều gì?
Hồi nhỏ tôi thích áo mới, thích món ăn ngon, thích pháo, thích được tiền mừng tuổi. Nhưng hiện nay các nhu cầu thói quen đã thay đổi khá nhiều. Có lẽ vui nhất là những buổi họp mặt xum vầy trong gia đình, chia sẻ và kể chuyện, nấu những món ăn truyền thống, gặp gỡ người thân thiết, lắng nghe và tranh luận.
Tôi và vợ thích uống trà đen và lát chanh hơn 35 năm nay. Ngày Tết uống trà đọc cái gì đó hay hay, thú vị lắm. Từ nhỏ tôi đã thích truyện kiếm hiệp, giờ vẫn thích nhưng đọc tiên hiệp, là những câu chuyện kể về quá trình tu luyện và khám phá thế giới tu sĩ thần tiên đầy bí ẩn của nhân vật chính.
Ngoài ra, tôi đọc các loại sách viết về doanh nhân. Những cuốn sách viết về Steve Jobs hay Alan Musk bạn đọc sẽ thấy kinh ngạc, những con người cực kỳ thú vị.
Theo ông Cường, gói bánh chưng cũng là cách luyện tập kỹ năng và thử thách tính kiên nhẫn. Hồi nhỏ, ông rất thích xem các cụ gói bánh và luộc bánh. Bánh dài hay vuông, mỏng hay dầy, tròn hay méo đều có ít nhiều tâm tư của người gói bánh |
Tết này, ông tự thưởng cho bản thân mình điều gì?
Nếu không có gì thay đổi thì tôi ở nhà đọc mấy cuốn sách và mấy cuốn truyện chưa kịp đọc. Hoặc cuốn 100 thương hiệu đứng đầu toàn cầu, rất nhiều những kiến thức mà tôi chưa biết, mới mẻ làm cho tôi say mê. Sách triết học, ngày trước nghĩ đến là đau đầu, giờ tôi đọc chậm, nghiền ngẫm, thông hiểu ra nhiều điều.
Lịch sử là môn tôi không thích khi là học sinh, nhưng giờ tự đọc thấy bổ ích, có lẽ Tết này tôi sẽ đọc kỹ hơn về triều Nguyễn, triều đại đã mở mang bờ cõi, thời cực thịnh Minh Mạng lãnh thổ rộng tới 1,7 lần so với bây giờ, triều Nguyễn cắm cờ xác nhận chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.
Câu chúc Tết theo ông ý nghĩa nhất với số đông năm nay là gì?
Câu chúc, có lẽ là: “Chúc các bạn sức khỏe, bình an và hạnh phúc”.