Nghệ An chưa có doanh nghiệp lớn tạo ra đột phá từ trồng đến khai thác, chế biến các loại lâm sản nói chung. |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, địa phương này có diện tích rừng lớn nhất cả nước, với trên 1,16 triệu ha rừng, hàng năm trồng mới được 15.000 - 19.000 ha, sản lượng khai thác rừng trồng hàng năm đạt hơn 1,6 triệu m3. Chế biến dăm gỗ đạt từ 700.000 đến 1 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 110 - 130 triệu USD.
Ngành lâm nghiệp Nghệ An có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng việc trồng rừng nguyên liệu, khai thác chế biến lâm sản của tỉnh Nghệ An vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Rừng nguyên liệu gỗ nhỏ chiếm phần lớn, chưa có diện tích được cấp chứng chỉ rừng FSC. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư được phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu, nhưng chậm hoặc không triển khai.
Ngoài ra, các doanh nghiệp chủ yếu khai thác xuất khẩu nguyên liệu thô (gỗ dăm), chưa có sản xuất, chế biến sâu, chưa tạo được chuỗi liên kết trong sản xuất và chế biến, thị trường chủ yếu là Trung Quốc. Việc phát triển lâm sản ngoài gỗ nói chung và dược liệu nói riêng cơ bản đang dừng lại ở quy hoạch…
Theo ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Nghệ An có diện tích tự nhiên và diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất nước. Nhưng địa phương mới có 45 doanh nghiệp chế biến gỗ; 98 doanh nghiệp lâm sản ngoài gỗ và 10.410 cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ. “Trong khi đó, cả nước là 4.500 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này. Vì sao lại có nghịch lý đó”, ông Hùng đặt câu hỏi.
Ngoài những khó khăn về địa lý, Nghệ An chưa có doanh nghiệp lớn tạo ra đột phá từ trồng đến khai thác, chế biến các loại lâm sản nói chung. Đặc biệt, các doanh nghiệp chưa tạo được liên kết chuỗi, chưa phối hợp với nhau cũng như với các hợp tác xã, hộ dân trồng rừng…
Để ngành chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phát triển tương xứng tiềm năng, Nghệ An vừa tổ chức Hội thảo “Định hướng và giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035”. Theo đó, các chuyên gia cho rằng, để phát triển nhanh bền vững ngành công nghiệp, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, Nghệ An cần phát triển sản xuất lâm nghiệp theo hướng bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kinh doanh theo chuỗi, hướng tới công nghệ hiện đại...
Cùng với đó, Nghệ An cần quy hoạch phát triển sản xuất cho lâm nghiệp, xác lập cụ thể từng loại hình, công suất của từng loại sản phẩm, đảm bảo sự cân bằng trong sản xuất ván MDF, ván dăm, ghép thanh, đồ mộc…; khuyến khích khai thác cây keo trên 15 tuổi, tạo sản phẩm tốt cho xuất khẩu và môi trường…
Ghi nhận sự góp ý của các chuyên gia, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Thái Thanh Quý cho biết, Nghệ An sẽ tiếp tục nâng cao công tác cải cách thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp đúng thời gian quy định. Bên cạnh đó, địa phương sẽ thực hiện tốt các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến gỗ đầu tư trên địa bàn; tổ chức các chương trình khảo sát thị trường, tìm kiếm nguồn nguyên liệu theo nhu cầu của doanh nghiệp, cải tiến công nghệ sản xuất.
Theo ông Quý, thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức các chương trình đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại, giới thiệu cơ hội đầu tư...