Viễn thông - Công nghệ
Nghiên cứu cách chính thức hóa cá nhân kinh doanh
Tú Ân - 10/10/2024 15:55
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, đề xuất quy định về đăng ký kinh doanh đối với cá nhân kinh doanh hoạt động thương mại điện tử, livestream bán hàng, các mô hình kinh doanh trên nền tảng số.
Xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam như thương mại điện tử, livestream, bán hàng online… Ảnh: shutterstock

Có cần 1 nghị định riêng về cá nhân kinh doanh?

Đây là câu hỏi đang được Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nêu lên Tọa đàm Quản lý đăng ký kinh doanh và mô hình kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số tổ chức mới đây.

Cơ sở của câu hỏi này là không chỉ là thực trạng thiếu thông tin của khu vực kinh doanh vô cùng đặc biệt này, mà còn là những vướng mắc pháp lý phát sinh trong hoạt động của các cá nhân kinh doanh khi mô hình kinh doanh thương mại điện tử nở rộ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2023, có 1,52 triệu cá nhân có đăng ký thuế, nhưng không đăng ký kinh doanh. Con số này xấp xỉ số hộ kinh doanh (1,92 triệu) và bằng 1,6 lần số doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, 807.000 cá nhân kinh doanh có phát sinh doanh thu, số tiền thuế mà các cá nhân kinh doanh đóng góp là 184.000 tỷ đồng.

Dù con số trên là rất lớn, song chắc chắn là chưa đủ. Theo bà Lê Thị Thúy, Trưởng phòng Tổng hợp thông tin và chính sách (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các cơ quan quản lý đang không có dữ liệu đối với trường hợp cá nhân kinh doanh không đăng kinh doanh, không đăng ký thuế. Con số này có thể lên tới hàng triệu, bao gồm cả đối tượng được miễn đăng ký kinh doanh.  

Bức tranh cá nhân kinh doanh đang trở nên phức tạp, khó nắm bắt hơn khi mô hình kinh doanh trên nền tảng Internet phát triển mạnh, tạo điều kiện cho các cá nhân dễ dàng "buôn bán", mở sạp trên các chợ điện tử. 

“Cá nhân đăng ký kinh doanh được Nhà nước ghi nhận tính hợp pháp, được bảo hộ, được hưởng các chính sách hỗ trợ, bảo vệ khi xảy ra tranh chấp. Chính vì vậy, cơ quan nhà nước rất cần có thông tin. Đặc biệt, các cơ quan cũng cần thông tin để bảo vệ người thứ ba ngay tình trong các mối quan hệ giao thương”, bà Thúy cho biết.

Xây dựng một văn bản tầm Nghị định để quy định về địa vị pháp lý và các vấn đề liên quan đến cá nhân kinh doanh là đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Mục tiêu là làm rõ địa vị pháp lý của cá nhân kinh doanh, các quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh đối với cá nhân kinh doanh; phân biệt được các loại hình doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; làm rõ tiêu chí, nguyên tắc cá nhân kinh doanh phải đăng ký, được miễn đăng ký kinh doanh phù hợp với bối cảnh mới, đảm bảo công bằng giữa quyền lợi và trách nhiệm của người kinh doanh …

Đặc biệt, các chuyên gia đang hướng tới việc khuyến khích cá nhân kinh doanh lựa chọn việc chính thức hóa để được hưởng các quyền lợi, lợi ích, như mức thuế suất, tiếp cận các chính sách hỗ trợ. 

Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người kinh doanh, lợi ích người tiêu dùng

"Chúng ta cần xây dựng một khung pháp lý để bảo về quyền lợi của người tiêu dùng, lợi ích của người kinh doanh và phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước", ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ. Hơn thế, ông Thanh cho biết, việc này có thể làm được.

Đơn cử, hành lang pháp lý để quản lý các hoạt động và thu thuế đối với cá nhân kinh doanh online đã khá hoàn thiện. TikTok Shop cũng đã cung cấp tính năng tạm nộp thuế thu nhập cá nhân của nhà bán hàng, nhà sáng tạo nội dung tiếp thị liên kết (affiliate creator), giúp họ thực hiện các nghĩa vụ với cơ quan quản lý nhà nước.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đề xuất quy định cụ thể ngưỡng doanh thu phải đăng ký, làm rõ các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi với cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ. "Chúng ta phải tuyên truyền để người kinh doanh hiểu nếu đăng ký, họ sẽ hưởng mức thuế dành cho cá nhân kinh doanh; nếu không sẽ phải thực hiện theo quy định của thuế thu nhập cá nhân, với mức thuế suất cao hơn đáng kể",  ông Minh làm rõ. 

Liên quan đến các quy định về thuế, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) khẳng định, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, không phân biệt kinh doanh truyền thống hay thương mại điện tử, đều thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân nếu có phát sinh doanh thu trên 100 triệu đồng/năm. Theo pháp luật Việt Nam, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm đối với doanh thu kinh doanh.

Thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho các cá nhân, hộ kinh doanh phát sinh hoạt động thương mại điện tử có thể thực hiện các nghĩa vụ thuế một cách thuận tiện.

“Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế tham gia hoạt động kinh doanh thương mại điện tử thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật. Cơ quan thuế đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, yêu cầu sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm khấu trừ, khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn…”, bà Lan Anh cho biết.

Số liệu từ Tổng cục Thuế (Bộ tài chính) cho thấy, thu thuế từ thương mại điện tử tăng đều qua các năm. Năm 2022 là 83.000 tỷ đồng, năm 2023 là 97.000 tỷ đồng.
Tính riêng 7 tháng đầu năm 2024, số thuế thu từ thương mại điện tử đạt hơn 78.000 tỷ đồng và có khả năng cả năm vượt mốc 100.000 tỷ đồng

Với góc nhìn của chuyên gia, ông Nguyễn Đức Chiều (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) khuyến nghị bổ sung hình thức cá nhân kinh doanh trong quy định pháp luật về các tổ chức kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời duy trì hình thức kinh doanh hộ gia đình.

Tất nhiên, các quy định về hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh đối với cá nhân kinh doanh phải đảm bảo đơn giản, phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Quy định rõ về đối tượng được thành lập cá nhân kinh doanh, đối tượng không được thành lập tổ chức dưới hình thức cá nhân kinh doanh có tính tới ngành nghề, điều kiện kinh doanh cụ thể…

Tin liên quan
Tin khác