Giải phóng mặt bằng được xem là một trong những khâu ảnh hưởng nhiều đến việc giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Đ.T |
Chuyện ngược đời: xin trả lại vốn
Hàng loạt đề xuất xin trả lại vốn đầu tư công kế hoạch 2022 đã được các bộ, ngành, địa phương gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian qua, vì không có khả năng giải ngân. Chẳng hạn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin trả lại 173,155 tỷ đồng, tương đương 26% kế hoạch được giao; Ủy ban Dân tộc đề nghị trả lại 52,7 tỷ đồng, tương đương 97,6% kế hoạch được giao; TP. Hà Nội đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch vốn 2.217,888 tỷ đồng…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, Bộ đã nhận được đề xuất của 22 bộ, cơ quan trung ương và 37 địa phương xin điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022, với tổng số vốn là 18.378,9 tỷ đồng. Trong đó, vốn trong nước 6.494,5 tỷ đồng, vốn nước ngoài 11.884,4 tỷ đồng.
“Nguyên nhân khiến các bộ, ngành, địa phương xin trả lại vốn kế hoạch là do vướng mắc giải phóng mặt bằng, quy hoạch, chưa hoàn thiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án… nên không có khả năng giải ngân”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã báo cáo Chính phủ như vậy.
Báo cáo giải trình trước ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc một số bộ, ngành, địa phương xin giảm, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ năm 2020 đến nay, đã xuất hiện tình trạng một số bộ, ngành, địa phương có văn bản đề nghị trả lại kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương, nhất là vốn ODA, do không giải ngân được và xu hướng ngày càng gia tăng.
Thẩm định báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng rất sốt ruột trước tình trạng này và đề nghị Chính phủ làm rõ. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường, thì có chuyện ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công chưa nghiêm.
“Công tác chuẩn bị dự án còn kém chất lượng, phê duyệt dự án chưa bảo đảm quy định. Một số dự án chuẩn bị đầu tư và phê duyệt mang tính hình thức để được ghi kế hoạch vốn, nhất là các dự án sử dụng vốn ODA, dẫn đến kết quả giải ngân thấp”, ông Nguyễn Phú Cường nói.
Đây cũng là thực tế đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiều lần nhấn mạnh. Ghi vốn, phân bổ vốn nhưng giải ngân không được, nên xin trả lại vốn.
Việc xin trả lại vốn, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã cho thấy những “nút thắt” trong hoạt động đầu tư công chưa được giải quyết hiệu quả, gây ra nhiều hệ lụy và tạo áp lực bố trí kế hoạch vốn cho các năm sau.
Cần có chế tài nếu xin trả lại vốn
Trên thực tế, quy định hiện hành không có khái niệm “trả lại” kế hoạch vốn. Thực chất, đây là quy trình điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm theo quy định của Luật Đầu tư công. Để thực hiện được việc điều chỉnh kế hoạch vốn thì phải đáp ứng điều kiện có nơi tăng - có nơi giảm để không làm thay đổi tổng mức vốn kế hoạch hằng năm đã được Quốc hội thông qua.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Tuy nhiên, năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mặc dù nhận được đề xuất trả lại vốn lớn như vậy, song Bộ lại không nhận được đề xuất điều chỉnh tăng kế hoạch vốn của bất kỳ bộ, ngành, địa phương nào.
“Do không có đề nghị bổ sung kế hoạch vốn, nên chưa có cơ sở để tổng hợp phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 giữa các bộ, ngành, địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Thực tế, hồi tháng 8/2022, để bảo đảm sử dụng vốn đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả, trên cơ sở đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn năm 2022 của một số bộ, ngành, địa phương, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị điều chỉnh trên 3.000 tỷ đồng vốn chưa phân bổ để điều chỉnh tăng cho các đơn vị có nhu cầu. Tuy nhiên, từ đó tới nay, do không có đề xuất điều chỉnh tăng, nên các đề xuất điều chỉnh giảm cũng chưa được xem xét.
“Nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 rất nặng nề, chỉ còn 3 tháng, trong khi khối lượng giải ngân còn lại của năm là rất lớn (còn khoảng 49% kế hoạch), do vậy, đề nghị các bộ ngành, địa phương không trả lại kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị.
Theo lý giải của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch vốn đầu tư công được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương là chỉ tiêu pháp lệnh. Do đó, việc không hoàn thành chỉ tiêu này thuộc về trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương.