Khoảng 120 đại biểu đã được nghe giới thiệu và thăm quan về Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt cùng các phòng thí nghiệm, tham quan khu dân cư sinh sống quanh khu vực lò phản ứng hạt nhân
Ông Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt cho hay, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã vận hành trên 50 năm.
| ||
Một góc khu vực bên trong Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt |
Đây là lò phản ứng TRIGA Mark II do hãng General Atomic của Hoa Kỳ chế tạo, bắt đầu hoạt động vào tháng 3 năm 1963. Mục tiêu chính của lò khi mới vận hành là nghiên cứu, huấn luyện và sản xuất đồng vị.
Sau năm 1975, được sự giúp đỡ của Liên Xô và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), lò phản ứng IVV-9 của Viện Nghiên cứu Hạt nhân bắt đầu vận hành trở lại vào ngày 20/3/1984.
Vẫn theo ông Điền, để chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, từ 10 năm nay, việc lấy mẫu để phân tích mức độ phóng xạ trong môi trường ở khu vực này đã được thực hiện theo quy định quốc tế, với thời gian 3 tháng/lần.
Hoạt động này nhằm thu thập các thông số so sánh về ảnh hưởng và môi trường ở các thời điểm trước và sau khi nhà máy điện hạt nhân đi vào hoạt động.
Cho đến nay, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã đón khoảng 15 đoàn là cán bộ, nhân dân, học sinh sinh sống tại Ninh Thuận tới thăm quan, nhằm giúp người dân nơi sẽ đặt các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam có thêm kiến thức về hoạt động của lò phản ứng hạt nhân và những tác động tới môi trường xung quanh.
Việc truyền thông tới người dân về các thông tin liên quan đến điện hạt nhân và tác động tới môi trường xung quanh nhà máy điện hạt nhân cũng là một hợp phần quan trọng trong Dự án tổng thể xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Hoàng Nam