Điểm nóng
Người dân TP.HCM cần phối hợp với lực lượng chức năng để dập dịch
Việt Dũng - 14/06/2021 20:31
Trong bối cảnh thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội 2 tuần theo chỉ thị 15, lãnh đạo ngành Y tế TP.HCM yêu cầu người dân phối hợp với lực lượng chức năng để dập dịch.

Chiều ngày 14/6, trong bối cảnh TP.HCM liên tục ghi nhận số lượng ca mắc mới. Đặc biệt, dịch đã xâm nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM và Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.

Thông tin tại buổi họp, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong thời gian 2 tuần giãn cách vừa qua, TP.HCM cơ bản đã khống chế được các chuỗi lây nhiễm, đặc biệt là chuỗi lây nhiễm liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng. 

Tuy nhiên gần đây xuất hiện một số chuỗi lây nhiễm chưa biết được nguồn lây. Do vậy, việc giãn cách 2 tuần tiếp theo là cần thiết để các lực lượng chức năng có thể khoanh vùng, truy vết, giải quyết căn cơ được các chuỗi lây nhiễm.

Người dân TP.HCM cần phối hợp với lực lượng chức năng trong 2 tuần tới để dập dịch

Lãnh đạo ngành y tế đề nghị người dân Thành phố cần tuân thủ để hợp tác với ngành y tế, chính quyền địa phương quyết tâm dập dịch trong 2 tuần tiếp theo này. Trong đó, cần tiếp tục thực hiện biện pháp 5K, đặc biệt mang khẩu trang, khử khuẩn tay và vệ sinh cá nhân.

Khi xuất hiện địa điểm bị phong tỏa hoặc xuất hiện ca F0, ngành y tế đều thông tin nhanh nên mong người dân cập nhật nhanh thông tin dịch bệnh, nếu có liên quan đến các ca bệnh thì liên hệ ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn.

Ông Hưng cũng khuyến cáo trong thời gian này, người dân mắc bệnh nếu chưa cần thiết thì nên hạn chế đến các cơ sở y tế. Các công ty, xí nghiệp quản lý chặt nhân viên của mình. Đối với những công ty sản xuất trong môi trường kín hết sức chú ý đến việc đảm bảo phòng chống dịch nghiêm ngặt. Đặc biệt phải có các phương án dự phòng xử lý khi có ca nghi nhiễm, F0 trong đơn vị của mình.

Thông tin về vấn đề lây nhiễm trong cơ sở y tế, vị lãnh đạo này khẳng định ngay từ đầu, ngành y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám sàng lọc, phân luồng và đưa người nghi ngờ vào phòng cách ly tạm thời để test nhanh và xét nghiệm khẳng định để phát hiện sớm.

Trong thời gian qua, các cơ sở y tế làm rất tốt điều này. Tuy nhiên, sự việc xảy ra ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là bài học sâu sắc, từ nhân viên ở bệnh viện lây nhiễm cộng đồng và xâm nhập vào cơ sở y tế, sau đó lây nhiễm cho đồng nghiệp. Ngành y tế cũng rút kinh nghiệm sâu sắc qua các bài học này.

“Qua số liệu ban đầu, các nhân viên dương tính của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tập trung ở khối hành chính, hậu cầu chưa có sự lây nhiễm trong khu điều trị, nguồn lây nhiễm từ bên ngoài. Bộ Y tế sẽ đánh giá và kết luận điều này để người dân yên tâm”, ông Hưng chia sẻ.

ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ tại buổi họp

Khi được phóng viên đặt hỏi: Liệu 02 tuần nữa có dập triệt để dịch hay không? Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC)  cho biết, không một chuyên gia nào có thể khẳng định 2 tuần hay bao lâu sẽ dập được triệt để dịch. Tuy nhiên, 2 tuần giãn cách tiếp theo là vô cùng cần thiết. Bởi dù đảm bảo biện pháp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế thì việc dỡ bỏ giãn cách sẽ làm gia tăng mật độ tiếp xúc trong sinh hoạt, làm việc, vui chơi... của người dân. Khi đó chắc chắn mầm bệnh sẽ lây lan, có điều kiện bùng phát.

“Lý do TP.HCM chọn giãn cách thêm 2 tuần vì đây là thời gian ủ bệnh của virus SARS-CoV-2 mà trên thế giới quy định”, ông Dũng nói và cho biết thêm, mặc dù TP.HCM quyết định giãn cách thêm 2 tuần, tuy nhiên sau một tuần Thành phố sẽ đánh giá lại tình hình dịch bệnh để quyết định tăng cấp, giữ cấp hay giảm cấp ở một số khu vực.

Theo HCDC, đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng vi rút Delta gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc (đặc biệt là các tòa nhà văn phòng). Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm dịch lan tỏa rất nhanh và rộng tại TP.HCM. 

Các ổ dịch cộng đồng lớn tại TP.HCM ghi nhận chủ yếu tại các khu nhà trọ, cụm dân cư tại các quận huyện vùng ven và khu vực nông thôn đô thị hóa. Đã ghi nhận các bệnh nhân làm việc trong các khu công nghiệp, bệnh nhân là nhân viên y tế, nhân viên văn phòng.

Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch đối với các ổ dịch đang có dấu hiệu lây lan. Kiểm soát chặt các khu vực phong tỏa và các khu cách ly. Tăng cường kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện và phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung. Triển khai tầm soát đối với các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 không chỉ tại bệnh viện mà còn ở cộng đồng.

Thông tin từ HCDC cho biết, tính từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 14/6, Thành phố ghi nhận thêm 26 trường hợp nghi nhiễm lây nhiễm trong cộng đồng (đang chờ Bộ Y tế công bố).

Tính từ 18 giờ ngày 13/6 đến 18 giờ ngày 14/6, Thành phố ghi nhận 82 trường hợp nhiễm mới trong đó Bộ Y tế đã công bố 56 trường hợp (BN10583, BN10588-BN10616 và BN10705 -BN10730), còn 26 trường hợp đang chờ công bố.

82 trường hợp nhiễm mới bao gồm: 08 trường hợp liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng đã cách ly hoặc nằm trong khu phong tỏa; 11 trường hợp liên quan đến chuỗi lây nhiễm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới; 53 là tiếp xúc gần của các bệnh nhân đã được công bố trước đó; 10 trường hợp đang điều tra dịch tễ.

Tin liên quan
Tin khác