Thời sự
TP.HCM tăng cường phòng chống dịch trong Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao
Việt Dũng - 11/06/2021 22:42
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu phải tăng cường công tác phòng, chống dịch, tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm tầm soát có trọng tâm tại các Khu công nghiệp - Khu chế xuất - Khu công nghệ cao

Ngày 11/6, phát biểu chỉ đạo tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đặc biệt nhấn mạnh đến việc phòng chống dịch bệnh trong Khu công nghiệp - Khu chế xuất - Khu Công nghệ cao (KCN - KCX - KCNC). Phải tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, mở rộng lấy mẫu xét nghiệm tại các cơ sở sản xuất. 

Theo ông Phong, mặc dù thời gian qua có 4 ca là người lao động trong KCN mắc Covid-19 nhưng đến nay chưa ghi nhận sự lây lan trong khu vực này. Phải tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm tầm soát có trọng tâm tại các KCN-KCX-KCNC trên địa bàn TP.HCM. Trước hết là nơi có môi trường dễ lây lan, thông khí kém, đặc biệt là các công ty trong KCN có người mắc, nghi mắc Covid-19 thì triển khai xét nghiệm toàn bộ công nhân, người lao động và mở rộng xét nghiệm các công ty trong khu công nghiệp.

“Phải thực hiện có trọng điểm theo mức độ đối với những đơn vị nào có trường hợp lây nhiễm, phải tập trung vào đó. Thực hiện xét nghiệm cuốn chiếu các công ty, KCN nhằm đảm bảo toàn bộ các công nhân trong các KCN được xét nghiệm và tiến hành liên tục theo kế hoạch. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong tình hình hiện nay, lãnh đạo các đơn vị cần có sự quyết tâm và quyết liệt trong công việc này”, ông Phong nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM


Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương để quản lý chặt chẽ hoạt động trong KCN. Người lao động khai báo y tế đầy đủ, theo dõi sức khỏe và nắm bắt thông tin kịp thời, kiểm soát nghiêm ngặt người ra vào KCN, nắm rõ thông tin người lao động để cung cấp cho công tác điều tra truy vết khi cần.

Đối với công ty có công nhân đông, doanh nghiệp có nhiều công nhân càng phải khoa học, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào quản lý. Bởi nếu chẳng may có tình huống gì xảy ra phải ngừng sản xuất, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký kết là rất lớn. Các doanh nghiệp triển khai hướng dẫn của Bộ Y tế về phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc Covid-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh; chuẩn bị phương án cách ly tập trung bên trong doanh nghiệp nếu để xảy ra trường hợp có ca bệnh và đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất. Có thể cách ly tại chỗ, sản xuất tại chỗ hoặc có các phương án tổ chức diễn tập.

Đối với các tòa nhà văn phòng, công ty, trung tâm thương mại được phong tỏa để xử lý phòng, chống dịch, các đơn vị tổ chức quản lý tòa nhà, quản lý doanh nghiệp cam kết cung cấp đầy đủ danh sách người làm việc, người đến giao dịch tại tòa nhà cho cơ quan y tế để giám sát theo dõi y tế.

Thông báo, yêu cầu người làm việc hợp tác với ngành y tế và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Phối hợp cơ quan chức năng để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Tòa nhà đã được xử lý phòng, chống dịch đầy đủ, người làm việc có nguy cơ lây nhiễm đã được giám sát thì phải giải tỏa phong tỏa. Tuy nhiên, chỉ được hoạt động trở lại với nhân viên không thuộc diện phải giám sát y tế. Nhân viên đã cách ly đủ 14 ngày thì tổ chức xét nghiệm giám sát và có kết quả âm tính thì mới được đi làm lại.

Trong thời gian tới, cần phải tiếp tục truy vết khoanh vùng dập dịch khẩn trương và triệt để tại các khu vực phát hiện ca mắc Covid-19, khoanh vùng xử lý, xét nghiệm tầm soát các địa điểm có ca bệnh và khu vực lân cận; đồng thời xét nghiệm mở rộng trong cộng đồng. Riêng đối với các chung cư, tòa nhà văn phòng, căn hộ có ca bệnh phải tổ chức xét nghiệm toàn bộ người cư trú, người làm việc tại các địa điểm này.

“Chúng ta phải có công thức xét nghiệm trong điều kiện hiện nay, phải có thứ tự ưu tiên, xét nghiệm chỗ nào trước (tại các nơi phát hiện có ca mắc Covid-19; song song với tổ chức xét nghiệm mở rộng thì thực hiện xét nghiệm kiểm tra theo chuỗi tiếp xúc gần có nguy cơ cao lây nhiễm, vì đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh qua tiếp xúc gần ở vòng thứ 2, thứ 3 trong cùng gia đình và cùng nơi làm việc. Bên cạnh đó, thông báo vận động những người đến các địa điểm chuỗi lây nhiễm khẩn trương khai báo cho y tế địa phương để giám sát y tế kịp thời, ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong lưu ý.

Toàn cảnh cuộc họp ngày 11/6


Yêu cầu Sở Y tế mở rộng thêm năng lực xét nghiệm tại các bệnh viện và trung tâm kiểm soát bệnh tật. Các bệnh viện khẩn trương rà soát và kiện toàn năng lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, sinh phẩm để triển khai xét nghiệm đúng theo quy định. Sẵn sàng năng lực điều trị cho người bệnh; chủ động xây dựng phương án để chống dịch với 5.000 ca mắc; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất theo phương châm 5 tại chỗ; sẵn sàng cơ sở điều trị để tiếp nhận số lượng lớn các trường hợp mắc bệnh.

Phân công 7 bệnh viện của TP.HCM chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 với 2.000 giường (trong đó, 1.000 giường hồi sức, 1.000 máy thở) và chuẩn bị triển khai thêm các bệnh viện dã chiến với tổng số 3.000 giường.

Thông tin về việc vaccine, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết, TPHCM hiện đang thành lập 1 tổ mua và tiêm vaccine do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức và một số các chuyên gia trong ngành y tế trong việc đàm phán, tham mưu và tiêm vaccine. Tuy nguồn cung ứng vaccine không cung ứng cùng một lúc, nhưng giúp chúng ta giải quyết được mục tiêu đặt ra (2/3 dân số của TP.HCM được tiêm trong năm nay) cần phải có lộ trình đối tượng nào ưu tiên trước. 

“Mặc dù, có rất nhiều đối tượng cần tiêm vaccine, nhưng trong điều kiện lượng vaccine cung ứng có hạn nên phải có lộ trình, ưu tiên như thế nào,… mục tiêu của chúng ta cố gắng tiêm vaccine đầy đủ cho người dân Thành phố bên cạnh chương trình tiêm vaccine của cả nước”, ông Phong thông tin.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!
Tin liên quan
Tin khác