Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. |
Đại biểu Quốc hội lo quy định tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam vẫn quá rộng, Bộ trưởng khẳng định sẽ không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách nhà ở khác của Nhà nước.
Tiếp tục Kỳ họp thứ năm, sáng 19/6 Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) nói, theo Điều 19, Điều 20 và Điều 22, dự thảo luật quy định tổ chức, cá nhân người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm cả nhà ở riêng lẻ kèm theo một số quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện, thời hạn sở hữu và quyền sở hữu.
Mặc dù dự thảo luật không quy định rõ việc tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất hay không. Tuy nhiên, có thể thấy nội dung này chưa được làm rõ và có thể chưa phù hợp với Điều 5 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về người sử dụng đất nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân người nước ngoài và khoản 1 Điều 14 của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định "trường hợp cá nhân người nước ngoài mua nhà ở của chủ đầu tư dự án bất động sản theo quy định của Luật Nhà ở, tổ chức, cá nhân nước ngoài mua công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản thì các nội dung liên quan về quyền sử dụng đất gắn với nhà ở, công trình xây dựng thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở", ông Cường nhận xét.
Bên cạnh đó, ông Cường cho rằng, quy định: “cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam” là quá rộng, cần phải được nghiên cứu, cân nhắc.
Đặc biệt, ông Cường đặt vấn đề việc người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam nhưng với mục đích đi du lịch thì có quyền được sở hữu nhà ở hay không, có xung đột với các quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, lưu trú của người nước ngoài tại Việt Nam hay không.
Bởi vì, theo quy định hiện nay và dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh quá cảnh và lưu trú của người nước ngoài đang trình Quốc hội thì thời gian thị thực được cấp cho khách nước ngoài vào Việt Nam tối đa là 90 ngày, trừ một số trường hợp khác như lao động, đầu tư, nhưng thời gian nhiều nhất cũng là 5 năm đối với nhà đầu tư.
Nếu được sở hữu nhà ở thì những người được cấp thị thực có thời hạn ngắn dưới 1 năm có quyền tiếp tục ở lại Việt Nam sau khi hết thời hạn thị thực hay không. Vấn đề này cần phải được xem xét, nghiên cứu quy định kỹ lưỡng, tránh việc có thể dẫn đến khiếu kiện và tranh chấp pháp lý quốc tế.
Cùng quan tâm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh, quy định cá nhân người nước ngoài được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là vấn đề rất nhạy cảm, hệ trọng, do đó nên có cân nhắc cụ thể. Ngoài ra, ông Hòa cho rằng quy định cá nhân người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua nhà đất là chưa rõ ràng. “Vì người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hàng năm số lượng rất nhiều, không lẽ họ muốn mua nhà là được, đề nghị nên có cân nhắc thận trọng”, ông Hòa nêu quan điểm.
Nên chăng, chỉ tổ chức, cá nhân có vốn đầu tư vào Việt Nam của người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam được sở hữu nhà đất ở Việt Nam. Thời gian qua, dư luận rất bất bình cho việc không ít người nước ngoài núp bóng cá nhân, tổ chức người Việt Nam thâu tóm nhiều đất đai ở một số nơi, nhất là các thành phố có giá trị đắt đỏ, thành phố du lịch. Nếu như có quy định trong luật thì cũng cần nên có giới hạn về thời hạn sử dụng, ông Hòa đề nghị.
Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định chính sách về tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã được quy định từ năm 2008 và được luật hóa tại Luật Nhà ở năm 2014 nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài yên tâm sinh sống, làm việc tại Việt Nam, góp phần khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) kế thừa các quy định của Luật Nhà ở năm 2014, trong đó có quy định điều kiện được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam của người nước ngoài. Thống kê cho thấy từ khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực đến nay, số lượng nhà ở người nước ngoài mua và sở hữu tại Việt Nam không lớn. Bên cạnh đó, Luật Nhà ở năm 2014 và nay là dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng đã quy định chặt chẽ về loại nhà, khu vực được mua, số lượng nhà ở được phép mua và sở hữu.
Do đó, quy định này sẽ không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách nhà ở khác của Nhà nước như chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, ông Nghị hồi âm băn khoăn của đại biểu.