Người dân Tây Nguyên hồi sinh cà phê già cỗi từ vốn vay của Agribank |
Thu tiền tỷ từ cà phê tái canh
Ông Nguyễn Văn Huynh, 61 tuổi, thôn 3, xã Eadar, huyện Eaka, Đắk Lắk là một trong rất nhiều hộ thành công việc mạnh dạn vay vốn Agribank để tái canh cà phê. Cho đến nay, 1 héc ta đất tái canh cà phê gây trồng từ tháng 8/2015 với nguồn vốn vay 70 triệu đồng từ Agribank chi nhánh Đắk Lắk đã bắt đầu thu bói vụ đầu tiên. Khả quan với vườn cà phê tái canh đầu tiên, ông đang lên kế hoạch tái canh nốt 1,6ha cà phê đang nhận khoán.
“Không chỉ bói hơn, hạt cà phê vối giống mới này to hơn cả quả cà phê giống cũ”- ông Huynh phấn khởi khoe.
Không chỉ các hộ dân nhỏ lẻ, tại Đắk Lắk, nhiều doanh nghiệp cũng mạnh dạn vay vốn để tái canh cà phê từ lâu. Công ty TNHH MTV Cà phê 52 có tới 72 ha cà phê tái canh đã bước sang tháng tuổi thứ 7 nhờ vốn vay của Agribank chi nhánh Đắk Lắk. Trong năm 2017, Công ty sẽ tiếp tục trồng tái canh 130 ha, và như vậy chỉ sang đến đầu năm 2018, dự án tái canh 230 ha cà phê của công ty sẽ hoàn thành. Cùng lúc đó, 72 ha cà phê tái canh sẽ cho vụ thu bói đầu tiên với triển vọng năng suất rất cao.
Hay như Công ty TNHH MTV Cà Phê Phước An có trụ sở đóng tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắ cũng đang thu tiền tỷ từ cà phê, với sự trợ lực nguồn vốn từ Agribank. Đến nay, doanh thu hàng năm của công ty là hơn 300 tỷ đồng và 95% sản phẩm của công ty xuất khẩu ra thị trường thế giới có chỗ đứng tại những thị trường khó tính tại EU, Singapore, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản. Có được thành quả này là nhờ Agribank luôn luôn sát cánh cùng doanh nghiệp, ngay cả những lúc giá cà phê rớt xuống chỉ còn 4.000 đồng/kg.
Có thể thấy rõ, với sự đồng hành tích cực của Agribank, nhiều mô hình sản xuất như gia đình ông Huynh, như doanh nghiệp cà phê Phước An, Cà phê 52 đang góp phần làm khởi sắc “bức tranh” kinh tế hộ tại Tây Nguyên, đưa cây cà phê thực sự hồi sinh, từng bước nâng cao giá trị của cà phê Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
6.000 khách hàng được vay vốn tái canh cà phê từ Agribank
Gần 02 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cho vay tái canh cây cà phê, với sự chỉ đạo sát sao của Thống đốc NHNN, sự vào cuộc tích cực của Agribank, chính sách cho vay tái canh cà phê đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, giúp các hộ dân tái canh cây cà phê, đảm bảo sinh kế lâu bền.
Với thị phần chiếm 1/3 nguồn vốn của ngành ngân hàng đầu tư cho khu vực Tây Nguyên, 87% nguồn vốn tại khu vực này được Agribank dành đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, riêng tín dụng đối với ngành cà phê, đến 31/12/2016, dư nợ cho vay đối với ngành cà phê tại Tây Nguyên của Agribank đạt 13.397 tỷ đồng, chiếm 30% tổng dư nợ cho vay ngành cà phê của các TCTD trên địa bàn Tây Nguyên.
Trong đó: Cho vay trồng, chăm sóc cây cà phê đạt: 8.942 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 67% tổng dư nợ cho vay cà phê. Cho vay thu mua chế biến đạt: 3.531 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 26% tổng dư nợ cho vay cà phê. Cho vay xuất khẩu đạt: 178 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1.3% tổng dư nợ cho vay cà phê.
Riêng cho vay tái canh cà phê, đến 31/12/2016, Agribank đã cho vay tái canh cà phê tại khu vực TâyNguyên 746 tỷ đồng, tăng 1,18% so với cuối năm 2015. Diện tích tái canh 10.436 ha (tăng 1.928 ha so với cuối năm 2015). 5.716 khách hàng (12 tổ chức và 5.704 cá nhân) đã được tiếp cận nguồn vốn lãi suất ưu đãi để thực hiện tái canh.
Để chương trình tái canh cà phê thực sự hiệu quả, Agribank tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay tái canh cà phê. Nhất là với các hộ dân, việc giải ngân được Agribank thực hiện chỉ trong ngày.
Theo Quyết định Phê duyệt Đề án tái canh cà phê các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 – 2020 số 4521/QĐ-BNN-TT của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, giai đoạn 2014-2020 trồng và ghép cải tạo khoảng 120.000 ha cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, trong đó trồng tái canh khoảng 90.000 ha, ghép cải tạo khoảng 30.000 ha.
Để thực hiện tái canh cho diện tích cà phê nêu trên cần một lượng vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng, ước khoảng 13 nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu từ nguồn vốn tín dụng của Agribank.