Kể từ năm 2009, ngày độc thân 11/11 trở thành ngày hội “siêu sale” tại Trung Quốc, nơi các thương hiệu đồng loạt tung ra nhiều chương trình giảm giá lớn để thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, năm nay, theo một cuộc khảo sát của Bain & Company, người tiêu dùng Trung Quốc có dự định duy trì, thậm chí là cắt giảm chi tiêu trong ngày 11/11. Cuộc khảo sát được thực hiện với 3.000 người tiêu dùng đến từ nhiều thành phố khác nhau của Trung Quốc.
Khảo sát cho thấy 77% người tiêu dùng đang có kế hoạch chi tiêu ngang bằng, thậm chí ít hơn so với ngày độc thân của năm ngoái. Ngoài ra, 48% nói rằng sẽ chuyển sang mua sắm các nhãn hiệu rẻ hơn; 35% chờ đợi các chương trình giảm giá sâu hơn nữa.
James Yang, chuyên gia của Bain & Company, đánh giá: “Mức độ thận trọng của khách hàng Trung Quốc trong năm nay cũng tương đương với năm ngoái, khi 76% người được khảo sát đề cập đến việc duy trì hoặc cắt giảm bớt chi tiêu vào ngày độc thân”.
“Cuộc khảo sát năm nay còn tìm hiểu sâu hơn về ý định chi tiêu trong giai đoạn sau ngày độc thân, và có tới 71% người được khảo sát tiết lộ họ sẽ giữ nguyên hoặc cắt giảm các khoản tiêu dùng cho đến hết năm 2023”.
Thực tế, triển vọng kinh tế ảm đạm đã khiến người tiêu dùng Trung Quốc cẩn trọng hơn trong hoạt động mua sắm, cũng như ý thức hơn về mặt giá trị của sản phẩm. Họ hướng đến những mặt hàng thiết yếu như khăn giấy, nước rửa tay, mì ăn liền, thức ăn cho vật nuôi,… đồng thời giảm bớt chi phí cho các món hàng có giá trị lớn như đồ gia dụng, đồ nội thất hoặc các món đồ mua sắm tùy hứng. Tuy nhiên, theo Bain & Company, người Trung Quốc vẫn dành một khoản chi cho những thú vui như đi ăn hàng hay du lịch.
Được biết, không chỉ tại Trung Quốc mà xu hướng thận trọng trong chi tiêu cũng đang diễn ra tại khu vực Đông Nam Á. Một khảo sát do Bain & Company thực hiện vào giữa năm 2023 với 9.000 người tiêu dùng trong khu vực Đông Nam Á đã tiết lộ, 72% số người được hỏi (chủ yếu là những hộ gia đình trẻ tuổi, thu nhập thấp) nói rằng họ sẽ duy trì, hoặc cắt giảm mức chi tiêu trong năm 2023. Người tiêu dùng Đông Nam Á cũng hướng tới đẩy mạnh mua hàng khuyến mãi, chuyển sang mua hàng từ thương hiệu rẻ hơn, mua với số lượng lớn để được giá rẻ,...
Tuy nhiên, trong khi du lịch là hạng mục bị cắt giảm nặng nề trong danh sách chi tiêu của người Đông Nam Á thì ngược lại, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn đang tìm kiếm niềm vui thông qua các chuyến du lịch.
Ngoài ra, Bain & Company tiết lộ khách hàng Trung Quốc cũng sẵn sàng dành sự chú ý cho các nền tảng thương mại điện tử có phát trực tiếp/video ngắn, nơi ranh giới giữa bán lẻ và giải trí đang bị xóa bị mờ. Vào ngày 11/11/2022, tổng gía trị hàng hóa giao dịch (GMV) qua hình thức video ngắn/phát livestream đã gấp đôi thời điểm 2021, khi các nhà bán lẻ sẵn sàng tìm nhiều cách hơn để tiếp cận công nghệ mua sắm tương tác trong thời gian thực.