TIN LIÊN QUAN | |
Bình Dương đầu tư 2.300 tỷ xây bệnh viện 1.500 giường | |
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam "bốc thuốc" cho ngành y tế | |
Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư bệnh viện mắt tại Hà Nội |
Bệnh viện công quá tải, thái độ phục vụ thì hách dịch, nạn phong bì nhũng nhiễu bệnh nhân, trong khi bệnh viện tư chưa có nhiều, đa phần quy mô nhỏ, năng lực khám chữa bệnh chưa thực sự tốt. Đó là lý do mà nhiều nhà giàu ở Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, riêng năm ngoái, khoảng 40.000 người Việt đã chi 2 tỷ USD cho việc đi khám chữa bệnh ở nước ngoài.
Bệnh viện công chen chúc, quá tải khiến nhiều người Việt ra nước ngoài khám chữa bệnh |
Một bệnh nhân vừa đi chữa bệnh ở Singapore về tâm sự: Bên đó đắt nhưng mà “xắt ra miếng”, phòng bệnh sạch sẽ, vô trùng, chế độ ăn uống có sự chỉ định của bác sỹ chuyên khoa dinh dưỡng. Người nhà không phải thăm nuôi, hớt hải lo bữa ăn cho người bệnh. Lúc nào thích thì đến thăm, mọi việc có bệnh viện lo hết, vào đấy là không phải nghĩ gì nữa. Nhất là không có cảnh một người đi viện, người nhà nhếch nhác lên chăm sóc, bỏ cả công ăn việc làm, nằm vạ vật hành lang vỉa hè.
Chưa kể tiêu chuẩn phòng bệnh bên đó hiện đại tiện nghi. Việc đi khám, xét nghiệm có y tá đến tận phòng đưa đi, chứ không như bên ta, người nhà “chạy hùng hục” mang bệnh nhân hết khoa nọ tới khoa kia để làm xét nghiệm. Mà cái dễ chịu nhất là không phải chuẩn bị phong bì dúi tay bác sỹ để “mua” sự tử tế. Thà rằng chi phí một cục, nhưng được phục vụ tận tình chu đáo, hiệu quả, chất lượng, còn hơn là cứ phải tiền nong lắt nhắt như thế. Mất đồng tiền mà vẫn phải nịnh nọt hèn hèn.
Tình trạng ở các bệnh viện tư của Việt Nam hiện nay tuy có đỡ hơn nhưng cũng bị rất nhiều bệnh nhân phàn nàn. Mà cái phàn nàn nhất vẫn là y đức. Một người quen của tôi đi khám bệnh ở một Trung tâm y tế chất lượng cao trên đường Điện Biên Phủ kể: Chị bị rối loạn tiền đình, vào đến nơi họ bắt đi xét nghiệm nào điện tâm đồ, điện não đồ, xét nghiệm máu, lại cả nước tiểu, chiếu chụp lung tung… riêng tiền chiếu chụp mất 3-4 triệu bạc. Rồi họ kê cho một lô thuốc, mua ngay trong bệnh viện, đem ra mấy hiệu thuốc bên ngoài thì thuốc ở đây đắt hơn từ 15-30%. Thắc mắc thì họ giải thích là thuốc của họ xịn, thuốc bên ngoài là thuốc nhái. Mất tiền mà tức như bò đá.
Đó là lý do nhiều người có điều kiện sẵn sàng chi tiền ra nước ngoài chữa bệnh chứ nhất quyết không thèm chữa trong nước. Một khoản ngoại tệ khá lớn chui vào túi người nước ngoài mà không thấy ngành y tế Việt Nam có giải pháp gì.
Nắm bắt được nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao của người Việt, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã “để mắt” đến thị trường khám chữa bệnh của Việt Nam và đang xúc tiến đầu tư những dự án bệnh viện lớn. Các nhà đầu tư ngay trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng đã tiến hành nghiên cứu thị trường này của Việt Nam. Hiện Bệnh viện Bumrungrad từ Thái Lan, Tập đoàn Lippo từ Indonesia, Tập đoàn IHH Healthcare của Malaysia đang đi khảo sát mặt bằng ở Hà Nội.
"Chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam, nơi rất có tiềm năng", một đại diện của Tập đoàn chăm sóc sức khỏe KPJ Healthcare của Malaysia nói. Công ty này đang muốn mở dịch vụ tư vấn và quản lý trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam. "Nếu chúng ta ước tính 10% dân số có khả năng chi trả cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân, ở Việt Nam con số này tương đương 9 triệu người", vị đại diện này tính toán.
Theo báo cáo của nhà tư vấn Knight Frank, Việt Nam nằm trong nhóm có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu lớn nhất. Cách đây 10 năm, cả nước có 110 người nắm giữ tài sản trị giá 30 triệu USD trở lên. Còn hiện nay con số này là 293 người. Dự kiến đến năm 2020, số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu sẽ nhiều gấp 5 lần hiện nay. Đây là thị trường màu mỡ cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe. |
Duy Hữu