Cung cầu hàng hóa thiết yếu trong ngày 30 Tết Giáp Thìn diễn ra bình thường, không có diễn biến bất thường về giá. |
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) vừa có báo cáo nhanh về thị trường hàng hóa ngày 30 Tết Giáp Thìn 2024.
Theo báo cáo, trong ngày cuối cùng của năm âm lịch 2023, hoạt động mua bán nhộn nhịp, nguồn cung hàng hoá dồi dào, sức mua giảm nhẹ so với những ngày trước đó.
"Người dân có xu hướng tập trung mua sắm muộn hơn những năm trước, lượng mua tăng dần đều vào tuần sau ngày 23 tháng Chạp do phải cân đối kế hoạch mua sắm với lương và thưởng cuối năm", Vụ Thị trường trong nước cho hay.
Theo đó, nguồn cung các mặt hàng phục vụ Tết tại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích phong phú, đa dạng kết hợp với một số chương trình khuyến mại, giảm giá sâu vào những ngày sát Tết nên giá cả hàng hoá ổn định so với ngày thường.
Với chất lượng hàng hóa đảm bảo, thuận tiện cho mua sắm nhiều loại, giá cả ổn định, nhiều mặt hàng giá thấp hơn ở chợ truyền thống, có giao hàng tận nhà nên loại hình phân phối hiện đại ngày càng thu hút người dân đến mua hàng.
Tại các chợ truyền thống, nguồn cung cũng được tăng cường và khá dồi dào nhưng nhu cầu mua sắm thấp hơn so với năm trước và chủ yếu tập trung vào các loại thực phẩm tươi sống, trái cây và rau, củ, quả với giá cả có xu hướng tăng so với ngày thường nhưng không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tăng giá bất hợp lý
Giá hầu hết các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết không tăng đột biến, giá thịt lợn ổn định so với ngày 29 và tương đương so với năm trước; giá tôm sú loại to tăng khoảng 5% hoặc tương đương so với những ngày trước.
Đối với các mặt hàng lương thực, giá cả các loại gạo tẻ chất lượng cao và gạo nếp ngon phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán có xu hướng tăng nhẹ, khoảng 5-10% (tùy thời điểm và khu vực) so với ngày thường. Nhìn chung so với cùng kỳ năm trước, giá các loại gạo ở mức cao hơn từ 5-15%.
Thị trường thực phẩm tươi sống tương đối sôi động trong ngày 30 Tết. Như thường lệ, giá thịt lợn có xu hướng tăng nhẹ trong những ngày gần Tết do nhu cầu tiêu thụ cao nhưng nguồn cung vẫn được bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Giá thịt bò, gà tăng từ 5 - 15% so với ngày thường.
Giá thịt lợn phổ biến ở mức: mông sấn 90.000-100.000đ/kg, giá thịt lợn thăn, ba chỉ 110.000 - 140.000 đồng/kg; thịt bò thăn loại I từ 250.000-270.000đ/kg; giá gà ta lông 120.000-150.000đ/kg; giá tôm lớt (loại 26 - 30 con/kg): 300.000-400.000 đồng/kg (ổn định so với năm trước)...
Do thời tiết thuận lợi nên nguồn cung rau củ quả dồi dào, đa dạng, giá cả ổn định. So với ngày 29 Tết, giá các loại rau, củ ổn định, một số loại rau xanh tại chợ tăng nhẹ tại phía Bắc do mưa, rét dịp sát Tết.
Giá một số loại rau củ hiện phổ biến như sau: bắp cải: 10.000-15.000 đồng/kg, su hào: 5.000 đồng/củ, xà lách: 15.000-30.000 đồng/kg, cà chua: 14.000 - 20.000 đồng/kg (tùy địa phương), khoai tây: 20.000-30.000 đồng/kg, súp lơ: 10.000-15.000 đồng/cây...
Sức mua các loại hoa, cây cảnh có xu hướng tăng so với những ngày trước nhưng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, do thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của hoa, cây cảnh nên nguồn cung dồi dào cộng thêm việc sức mua yếu nên giá cũng có xu hướng giảm so với năm trước.
Giá một số loại hoa phổ biến như sau: Hoa ly từ 200.000 - 300.000 đồng/chục cành; Layơn từ 80.000 - 120.000 đồng/chục; cúc đại đóa khoảng 50.000 - 70.000 đồng/chục; hoa hồng 50.000 - 100.000 đồng/chục (loại hồng có cành lộc giá cao hơn và ở mức khoảng 120.000 - 150.000 đồng/chục)...
Như vậy, trong ngày 30 Tết, nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn trong việc mua sắm vào dịp Tết.
Bên cạnh đó, việc các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích mở cửa phục vụ người dân tới cuối ngày 30 Tết và mở cửa trở lại phục vụ sau Tết sớm góp phần hạn chế tâm lý mua trữ hàng của người dân, do vậy giá cả hàng hóa trên thị trường nhìn chung sẽ không biến động nhiều.