Y tế - Sức khỏe
Nguy cơ giảm thị lực do học online kéo dài
Dương Ngân - 26/01/2022 18:24
Học online kéo dài, tiếp xúc với thiết bị điện tử nhiều, ít hoạt động vui chơi, khoảng cách với màn hình gần... gây suy giảm thị lực, gia tăng bệnh mắt ở học sinh.
Ảnh minh họa

Cận thị gia tăng

Thống kê của Bộ Y tế chỉ ra tật khúc xạ ở học sinh các bậc học ngày càng tăng. Cụ thể, nghiên cứu được tiến hành về thực trạng trẻ bị cận thị tại 4 tỉnh, thành phố như Hà Nội, Yên Bái, Hà Tĩnh và Cần Thơ cho thấy, tỷ lệ trẻ bị cận thị là 32,8%, viễn thị 0,1% và loạn thị 0,7%. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ bị cận thị ở thành phố cao gần gấp đôi so với trẻ em sống ở khu vực nông thôn.

Còn theo một thống kê sơ bộ của Bệnh viện Mắt Trung ương, hiện tật khúc xạ chiếm tỷ lệ 20-30%, tập trung ở đô thị. Tật khúc xạ về mắt gồm: cận thị, viễn thị và loạn thị, trong đó cận thị chiếm đa số.

Tình trạng này còn trở nên trầm trọng hơn sau 2 năm qua, khi dịch Covid-19 hoành hành và trẻ phải tiến hành học trực tuyến liên tục. Theo bác sỹ Nguyễn Đăng Dũng, Giám đốc hệ thống Bệnh viện Mắt quốc tế DND, thời gian qua, số lượng học sinh phải đến khám vì giảm thị lực tăng nhanh. Nhiều trường hợp trước đó thị lực hoàn toàn bình thường, nhưng sau khi học online kéo dài, thị lực giảm đáng kể.

Để hạn chế những tác hại gây ra khi trẻ phải học trực tuyến quá nhiều theo các chuyên gia y tế, điều quan trọng để bảo vệ mắt là thiết lập lịch trình thời gian biểu hợp lý.

“Có em bé mới chỉ học lớp 2, nhưng đã cận 3 độ. Cũng có trường hợp trẻ đeo kính cận 2 độ, nhưng sau nhiều tháng ở nhà thì nhìn mọi vật xung quanh không rõ nét, đi đo mắt lại và phải đeo kính cận 3,5 độ, tăng 1,5 độ so với trước”, bác sỹ Dũng cho biết thêm.

Về nguyên nhân của tình trạng trên, theo bác sỹ Nguyễn Đăng Dũng, tỷ lệ cận thị học đường ở thành thị thường gia tăng liên quan đến không gian sống chật hẹp, trẻ bị hạn chế hoạt động vui chơi bên ngoài và thường xuyên phải nhìn gần với các thiết bị điện tử.

Trong môi trường sống ấy, trẻ có thể gặp những biểu hiện như Hội chứng thị giác máy tính. Hội chứng này liên quan đến việc sử dụng máy tính, thiết bị điện tử thường xuyên từ 2h trở lên mỗi ngày, do không có biện pháp giảm trừ bảo vệ, tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh có bước sóng ngắn. Biểu hiện rõ nhất là mờ mắt, đau đầu, mỏi mắt, khô mắt, đau cơ vai gáy dẫn đến rối loại điều tiết, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Bên cạnh đó, mắt sẽ dễ mắc các tật khúc xạ như cận thị, loạn thị, viễn thị.

Bên cạnh đó, khi sử dụng các thiết bị điện tử, trẻ thường tập trung để nhìn trong thời gian dài gây mỏi điều tiết, thể thủy tinh phồng lên, cấu trúc nhãn cầu dài ra, độ cong giác mạc tăng. Một bệnh liên quan đến mắt nữa là bệnh võng mạc, nguyên nhân là do tiếp xúc ánh sáng xanh nhiều dễ gây thoái hóa hoàng điểm.

Đặc biệt, đối với trẻ đã có tật khúc xạ từ trước (cận thị, viễn thị, loạn thị) thì tình trạng sẽ nặng hơn. Đối với việc học trực tuyến bằng điện thoại di động, mức độ tác hại có thể sẽ nhiều hơn vì kích thước màn hình nhỏ.

Còn theo bác sỹ Đinh Phương Thủy, Giám đốc điều hành Bệnh viện Đông Đô, ngoài việc tiếp xúc ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử, gây hại cho mắt thì khi trẻ ở lâu trong nhà, nhất là với những căn nhà ống, thiếu ánh sáng tự nhiên cũng khiến thị lực bị giảm. “Về nguyên tắc, khi nhìn ở khoảng cách trên 6 m, mắt sẽ không phải điều tiết nhiều. Ngược lại, khi không đạt khoảng cách này, mắt buộc phải điều tiết nhiều hơn, kéo theo nguy cơ gây ra tật khúc xạ”, bác sỹ Thủy phân tích.

Chuyên gia khuyến cáo

Để hạn chế những tác hại gây ra khi trẻ phải học trực tuyến quá nhiều, theo các chuyên gia y tế, điều quan trọng để bảo vệ mắt là thiết lập lịch trình thời gian biểu hợp lý.

Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt trung ương khuyến cáo, trẻ không nên xem màn hình liên tục quá 30 phút. Các video bài giảng nên gói gọn trong khoảng thời gian tương ứng hoặc cho trẻ nghỉ giải lao giữa giờ, khuyến khích trẻ có hoạt động giải trí khác không nhìn vào màn hình.

Sau mỗi 20 phút sử dụng màn hình, trẻ nên nghỉ mắt 20 giây và tập trung mắt vào một thứ cách đó khoảng 6 mét (quy tắc 20-20-20). Phương pháp này sẽ làm giảm căng thẳng và tăng cường khả năng tập trung cho mắt sau đó.

Các bậc phụ huynh cũng nên hướng dẫn trẻ tập luyện mắt bằng cách nhìn ra từ cửa sổ, ban công, đặc biệt nhìn ra các khoảng xanh, nhìn ra xa sẽ làm giảm nguy cơ cận thị tăng độ.

Về góc học tập, phụ huynh cần bố trí bàn học của trẻ một cách hợp lý và khoa học. Nên cho trẻ học trên các thiết bị có màn hình lớn để trẻ dễ nhìn; các thiết bị học trực tuyến cần đặt xa mắt 50 cm và dưới tầm mắt của trẻ, tuyệt đối không được đặt ngang và trên tầm mắt, bàn phím cần đặt ngang thắt lưng.

Còn theo bác sỹ Nguyễn Đăng Dũng, phụ huynh cũng giúp con cân chỉnh cỡ chữ và độ sáng của màn hình phù hợp để tạo cho mắt trẻ cảm giác dễ chịu. Khu vực học tập của trẻ cũng cần đảm bảo đủ ánh sáng tự nhiên, không được quá tối sẽ ảnh hưởng đến thị lực.

Ngoài ra, phụ huynh cho trẻ đi khám mắt định kỳ 3-6 tháng một lần, cho trẻ rời xa máy tính, tivi hoặc điện thoại 30 phút hoặc một tiếng mỗi ngày. Trẻ nên hoạt động thể chất ngay tại chỗ như nhảy cao, chuyền bóng, tập thể dục...

“Cha mẹ cũng nên nâng cao thể lực của mắt bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bữa ăn gồm thực phẩm giàu vitamin A, C, Omega3”, bác sỹ Dũng khuyến cáo.

Tin liên quan
Tin khác