Y tế - Sức khỏe
Nguy cơ quá tải hệ thống y tế do F0 tăng cao
Mộc An - 16/12/2021 15:16
Một số cơ sở y tế đang có dấu hiệu quá tải do số ca nhiễm Covid-19 (F0) tăng cao, đòi hỏi phải chủ động có giải pháp ứng phó.
Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, lượng F0 tại nhiều địa phương tăng cao

Áp lực do điều trị bệnh nhân nhẹ

Những ngày gần đây, Hà Nội liên tiếp ghi nhận 700 đến 900 ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày, trong đó, phần lớn là các ca cộng đồng. Lượng bệnh nhân Covid-19 nhập viện điều trị khá lớn do nhiều người sau khi test nhanh phát hiện dương tính với Covid-19 đã tới thẳng các bệnh viện tầng 2, tầng 3 để điều trị.

Bác sĩ Hoàng Bùi Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 (thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, Bệnh viện thuộc tầng 3 trong mô hình điều trị 3 tầng (điều trị F0 mức độ nặng, nguy kịch, bệnh nhân có bệnh lý nền theo chuyên khoa, bệnh lý cần cấp cứu), nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch, số ca nhiễm tăng nhanh, đã phải tiếp nhận cả những trường hợp nhẹ. Nếu tiếp tục đổ dồn F0 nhẹ về tuyến cuối sẽ gây quá tải và lãng phí nguồn lực, năng lực của Bệnh viện cũng không đủ đáp ứng khi số ca tăng.

Thời điểm hiện tại, Bệnh viện Thanh Nhàn đang điều trị cho 120 bệnh nhân Covid-19, trong đó có khoảng 20 - 30 bệnh nhân nặng, cá biệt có giai đoạn lên đến 40 bệnh nhân ở tầng 3.

Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay, khu vực điều trị tầng 2 của Bệnh viện đang quá tải do bệnh nhân nhập viện sau khi test nhanh tại nhà. “Bệnh viện Thanh Nhàn là cơ sở điều trị tầng cao. Nếu nhận nhiều bệnh nhân tầng 1, thì các bệnh nhân tầng 3 sẽ mất đi cơ hội điều trị”, bác sĩ Hương phân tích.

Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cơ sở được Sở Y tế TP. Hà Nội phân công điều trị F0 nặng cũng phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhẹ. Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho hay, điều đáng ngại nhất là với đà tăng số ca nhiễm hiện nay, F0 dồn hết vào bệnh viện thì không hệ thống y tế nào gánh được.

Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cơ sở y tế tuyến đầu tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng trên toàn khu vực phía Bắc, đang có tổng cộng 510 F0, trong đó có hơn 100 bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, số lượng bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng và nguy kịch đang tăng cao hơn giai đoạn trước. Trung bình mỗi ngày, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân diễn biến nặng.

Tại Cần Thơ, hệ thống y tế của địa phương này cũng đang chịu sức ép do lượng F0 mắc mới tăng quá nhanh. Toàn Thành phố có 13.319 F0 điều trị tại nhà. Các cơ sở y tế thuộc tầng 2 (điều trị F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà hoặc có diễn biến vượt chuyên môn của y tế địa phương) có công suất 2.710 giường, đang điều trị khoảng 2.431 bệnh nhân. Đáng chú ý, các cơ sở y tế thuộc tầng 3 có công suất 330 giường, nhưng có đến 453 ca nặng đang được điều trị.

TP.HCM cũng ghi nhận tình trạng F0 nặng tăng, đặc biệt ở nhóm cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền và chuyển nặng do chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin. Theo các bác sĩ Bệnh viện Hồi sức Covid-19, với tình hình bệnh nhân nặng tăng nhanh trở lại, đơn vị đang gặp khó khăn lớn về nhân sự khi không còn y, bác sĩ chi viện. Hiện lực lượng nòng cốt tại bệnh viện tầng 3 này vẫn là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Trưng Vương.

Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cho biết, sắp tới, Bệnh viện có thể cần nâng cấp lên 300 giường, tiến tới 500 giường để dự trù tình hình. Tuy nhiên, nhân lực y tế luân phiên tăng cường sẽ là vấn đề khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Dũng Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau cũng bày tỏ lo lắng, vì thiết bị y tế và thuốc điều trị Covid-19 của địa phương này hiện chỉ còn đáp ứng cho 2.700 ca. Với tình hình dịch kéo dài như hiện tại, khả năng Cà Mau rơi vào tình trạng quá tải rất cao.

Không “đẩy” F0 nhẹ lên tuyến trên

Để khắc phục tình trạng quá tải, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã có sự chuẩn bị nhằm giảm tỷ lệ F0 chuyển nặng, tử vong. Bác sĩ Nguyễn Văn Thường cho biết, về nhân lực tham gia điều trị, Bệnh viện có 300 người, trong đó hơn 100 y, bác sĩ được đào tạo về hồi sức để hỗ trợ, điều trị bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng ở tầng 3. Về trang thiết bị, Bệnh viện có 3 xe cấp cứu và đã chuẩn bị nguồn ô-xy; máy thở, trang thiết bị kèm theo và thuốc men cũng được đảm bảo.

Trước tình trạng người dân tự ý đến các cơ sở y tế tầng 2, tầng 3 để điều trị, theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội, quy trình xử trí, tiếp nhận điều trị là do cơ sở y tế tuyến dưới phân loại và điều chuyển. Tuy nhiên, di chuyển bệnh nhân vào lúc nào, đến cơ sở nào phụ thuộc vào quy định phân luồng, số giường còn trống, tình trạng người bệnh và năng lực đáp ứng của hệ thống y tế tại thời điểm đó. Tất cả quy trình cần thực hiện phải chính xác, cẩn thận, với nguyên tắc không để dịch bùng phát.

Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Đinh Tiến Dũng cũng đã đề nghị các đơn vị y tế “không đẩy F0 nhẹ lên tuyến trên”, gây quá tải cho các tầng điều trị bệnh nhân nặng hơn, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch chung của Thành phố. UBND các quận, huyện, thị xã phải có trách nhiệm tập trung phân loại nhanh F0, cập nhật ngay dữ liệu lên hệ thống và phối hợp thường xuyên để phân tầng điều trị bảo đảm chính xác, kịp thời. Ngành y tế nâng cao năng lực điều trị tại các tầng, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong.

Về phía Bộ Y tế, nhằm ứng phó với tình trạng quá tải bệnh nhân Covid-19 tại một số tỉnh phía Nam, mới đây, Bộ đã điều động, tăng cường nhân lực từ các bệnh viện: Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức, E và Nội tiết Trung ương để chi viện cho các tỉnh: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Sóc Trăng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo các bệnh viện này cử chuyên gia hồi sức có kinh nghiệm đến các tỉnh để hỗ trợ điều trị, đồng thời chú trọng triển khai tập huấn, nâng cao năng lực điều trị cho y bác sĩ tại chỗ.

Tin liên quan
Tin khác