Không phải ngẫu nhiên, Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán chuyên đề việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 của Kiểm toán Nhà nước được xem là bức tranh khá hoàn chỉnh về quá trình tái cơ cấu các “ông lớn” doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Và cũng không phải ngẫu nhiên, trong báo cáo, Kiểm toán Nhà nước lại nhấn khá sâu việc giá trị lợi thế quyền thuê đất nhà nước đã không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa hoặc thoái vốn như là một trong những hạn chế lớn nhất trong tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước hiện nay.
Trên thực tế, quyền thuê đất Nhà nước đều có giá trị lợi thế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có quỹ đất lớn, vị trí đắc địa, có lợi thế kinh doanh, phát triển dự án bất động sản…
. |
Tuy nhiên, trừ trường hợp của Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông, hầu hết tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn lại đều không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất nhà nước vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa hoặc vào giá khởi điểm khi thoái vốn.
Việc không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất nhà nước đã làm cho giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa hoặc giá khởi điểm khi thoái vốn không phản ánh đầy đủ giá trị lợi thế, không phản ánh sát giá giao dịch thị trường, tạo kẽ hở để có thể lợi dụng gây thất thoát vốn nhà nước.
Một thực tế rất đáng lo ngại khác là tình trạng một số DNNN có quỹ đất lớn, vị trí lợi thế cho kinh doanh, nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc trong diện phải di dời đã không thực hiện trả lại đất cho Nhà nước, mà kêu gọi nhà đầu tư cùng liên doanh, hợp tác đầu tư bằng cách góp giá trị lợi thế quyền thuê đất để khai thác quỹ đất hiện có, sau đó thực hiện thoái toàn bộ vốn góp.
Hiện tượng ngày một phổ biến này, thực chất là một chiêu thức lách luật để chuyển nhượng đất cho nhà đầu tư. Việc thành lập công ty liên doanh, hợp tác đầu tư đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ đích danh là “hình thức và không minh bạch trong phương pháp xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất khi góp vốn”. Đây cũng là lý do mà nhiều chuyên gia cho là kẽ hở khi cổ phần hóa các công ty quốc doanh nắm trong tay hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn mét vuông “đất vàng” tại các thành phố lớn.
Lo lắng đó không phải là thiếu cơ sở nếu nhìn vào thực tế hàng chục nhà máy, xí nghiệp ở Hà Nội sau vài năm cổ phần hóa đã nhường chỗ cho các dự án chung cư cao tầng mọc lên, theo đó các ông chủ mới chính là những công ty hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản.
Cần phải nói thêm rằng, tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng tổ chức vào giữa tháng 7/2016, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã đặc biệt lưu ý tình trạng tham nhũng đất đai trong cổ phần hóa DNNN.
Phải thừa nhận một thực tế là, do chưa có văn bản quy định về các biện pháp hay chế tài, nên một số nhà đầu tư trước khi mua thì “hứa rất nhiều, rất hay”, nhưng thâu tóm xong sẵn sàng “xé bỏ” cam kết. Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp có lợi thế về đất đã bị nhà đầu tư thâu tóm, thực chất chỉ để lấy đất, triển khai dự án bất động sản, không thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp như cam kết.
Chính vì vậy, làm thế nào đưa được lợi thế so sánh trong kinh doanh của các DNNN có nhiều “đất vàng” vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa là vấn đề cấp bách, cần được quan tâm giải quyết rốt ráo. Việc này vừa hạn chế tình trạng thất thoát tài sản nhà nước, vừa giúp phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, góp phần đảm báo giúp quá trình tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước không bị biến dạng so với những mục tiêu, ý nghĩa đề ra ban đầu.