Mới đây, tại thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai), sau khi truyền dịch tại nhà, người phụ nữ 62 tuổi có dấu hiệu sốc phản vệ, được đưa vào viện cấp cứu nhưng tử vong. Theo đó, ngày 12/7/2024, đại diện UBND thành phố Lào Cai cho biết, chiều 8/7, bệnh nhân thấy trong người mệt mỏi nên gọi điện nhờ người quen đến truyền dịch tại nhà.
Truyền dịch tại nhà tiềm ẩn nguy hiểm, đã có nhiều ca tử vong do vậy người dân cần thận trọng, không nên lạm dụng việc này. |
Sau khi truyền, bà có biểu hiện sốc phản vệ, được tiêm thuốc chống sốc, sau đó đưa vào Bệnh viện Đa khoa thành phố Lào Cai cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhân qua đời lúc 21h cùng ngày.
Trước đó, một phụ nữ 42 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội sau khi sử dụng dịch vụ tiêm truyền vitamin C tại nhà do một cơ sở y tế tư nhân cung cấp, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng ngứa ngáy, khó thở, da tái nhợt và sau đó rơi vào trạng thái sốc.
Gia đình lập tức đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng và phải tiến hành hồi sức tích cực. Rất may, sau 48 giờ điều trị, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Cũng về hậu quả khi tự ý truyền dịch, ngày 2/3 tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, cụ bà 71 tuổi tử vong sau khi truyền dịch tại một phòng khám tư nhân trên địa bàn.
Năm 2022, một nữ bệnh nhân 28 tuổi mệt, sốt, vào một phòng khám tại quận Bình Tân, TP.HCM được chẩn đoán sốt xuất huyết ngày thứ nhất, cho truyền dịch nhưng bất ngờ ngưng tim, ngưng thở.
Ngày 4/7/2024, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã xử lý hành chính một đơn vị quảng cáo cung cấp dịch vụ truyền nước biển tại nhà. Theo đó, sau khi phát hiện Công ty TNHH Y tế Toàn Phúc (Phường 1, Quận 11) quảng cáo cung cấp dịch vụ truyền nước biển tại nhà, Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra.
Qua tìm hiểu được biết, Công ty TNHH Y tế Toàn Phúc do ông H.Q.D làm giám đốc. Cơ sở này được Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngành nghề kinh doanh buôn bán vật tư, vật phẩm vệ sinh.
Thời điểm kiểm tra ghi nhận, tại khu vực tầng trệt của công ty có chứa các thuốc như Ringer Lactate 500ml, Glucose 5%, Polymina Kabi 250ml và những dụng cụ, trang thiết bị y tế như bông gòn, gạc, băng keo... cùng các sổ ghi thông tin có liên quan đến việc thực hiện các dịch vụ tiêm truyền, kinh doanh các sản phẩm thuốc.
Ông H.Q.D chưa cung cấp được hóa đơn, chứng từ nguồn gốc đối với toàn bộ số thuốc đang lưu trữ; đồng thời cũng không cung cấp được hồ sơ pháp lý về việc thực hiện kinh doanh những loại thuốc này.
Thanh tra Sở Y tế yêu cầu Công ty TNHH Y tế Toàn Phúc ngưng ngay các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; hoạt động kinh doanh thuốc tại cơ sở và tháo gỡ ngay các nội dung quảng cáo trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định.
Trước sự gia tăng của dịch vụ tiêm truyền tại nhà, các bác sỹ và chuyên gia y tế đã liên tục đưa ra cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn. Việc tự ý tiêm truyền tại nhà mà không có sự giám sát của bác sỹ, có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Các bác sỹ cũng khuyến cáo rằng, trước khi quyết định sử dụng dịch vụ này, người dân cần cân nhắc kỹ lưỡng và nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế. Đồng thời, cần chọn những cơ sở y tế có giấy phép và đội ngũ nhân viên y tế được đào tạo bài bản để thực hiện dịch vụ tiêm truyền.
Những bệnh nhân này đã được cấp cứu, xử trí chống sốc và truyền dịch. Sau xử trí, các bệnh nhân ổn định sức khỏe và đã ra viện.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, tình trạng người dân tự truyền dịch tại nhà để cắt cảm cúm, sốt rất phổ biến. Tuy nhiên, không phải ai truyền dịch tại nhà cũng cải thiện sức khỏe và cắt sốt.
PGS-TS.Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết truyền dịch là đưa vào cơ thể một lượng nước, các chất điện giải, chất dinh dưỡng như glucose, đạm, chất béo, vitamin.
Tuy nhiên, dịch truyền có nhiều loại, mỗi loại lại có các thành phần, nồng độ khác nhau và phải được tiến hành ở những cơ sở y tế có đủ điều kiện, khả năng để xử trí tai biến trong khi truyền.
Trước khi truyền, bệnh nhân cần làm các xét nghiệm máu, khám tim, phổi, mạch, huyết áp để quyết định có cần truyền dịch hay không và liều lượng bao nhiêu.
Ví dụ người bệnh bị mất điện giải mà truyền đường sẽ làm bệnh nặng hơn; hoặc truyền đường trong khi cơ thể thiếu natri sẽ làm máu loãng, gây phù não. Người già, thận yếu, truyền dịch không đúng còn có thể gây phù não, tai biến.
Bên cạnh đó, khi truyền dịch tại nhà, người bệnh dễ bị sốc do tốc độc truyền nhanh và nguy cơ nhiễm khuẩn do không đảm bảo sát khuẩn dụng cụ hoặc lấy ven sai, phải lấy lại nhiều lần.
Theo khuyến cáo Bộ Y tế, các cơ sở y tế, bác sỹ, điều dưỡng cần chỉ định dùng thuốc phù hợp, chỉ tiêm khi không sử dụng được đường dùng khác.
Tùy theo thể trạng, bác sỹ tư vấn truyền loại dịch phù hợp. Song, không phải bệnh nhân nào ốm sốt cũng phải truyền và có thể truyền vào bất cứ thời điểm nào.
Khi tự ý truyền dịch mà chưa có kết quả kiểm tra, chưa đánh giá được mức độ tổn thương và tình trạng bệnh nền, người dân dễ bị biến chứng hơn.
Một số chuyên gia khác cũng cũng nhấn mạnh thực tế, nhiều người cho rằng tiêm truyền bù dịch giúp cơ thể khỏe lên nên không đi khám, trong khi bệnh đang âm thầm tiến triển.
Việc tự ý truyền nước có thể khiến bệnh nặng lên, nguy cơ tai biến do bỏ lỡ thời gian vàng. Ngoài ra, khi truyền dịch tại nhà, điều kiện cấp cứu không thể tốt và đầy đủ như ở các cơ sở y tế, người bệnh không được xử trí kịp thời, nguy cơ tử vong cao hơn.
Các bác sỹ khuyến cáo chỉ nên truyền dịch khi sốt quá cao, nôn quá nhiều gây mất nước, hoặc bệnh nhân bị tiêu chảy, tụt huyết áp..., không thể ăn uống.
Trước truyền, bệnh nhân cần xét nghiệm cẩn thận. Những người mắc bệnh nhẹ chỉ bổ sung nước bằng đường uống, dinh dưỡng, tập luyện để tăng đề kháng.
Nếu cơ thể có biểu hiện bất thường như rét run, khó thở, phù chỗ tiêm... khi truyền dịch, người bệnh phải báo ngay nhân viên y tế để kịp thời xử trí.
Tuyệt đối không tự ý mua thuốc hoặc mời người về nhà truyền dịch khi chưa được khám, xét nghiệm và chỉ định từ bác sỹ.
Sau ca tử vong do truyền dịch trên địa bàn, Sở Y tế Lào Cai đã khuyến cáo truyền dịch là biện pháp cấp cứu, tuy nhiên kỹ thuật tiêm truyền phải do nhân viên y tế đã qua đào tạo thực hiện.
Loại dịch truyền, tốc độ truyền phải do bác sỹ chỉ định, tùy vào tình trạng của bệnh nhân. Quá trình tiêm truyền cần được thực hiện tại các cơ sở y tế, có đầy đủ phương tiện cấp cứu đề phòng sốc phản vệ.
Việc tiêm truyền dịch tại nhà là vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Tai biến nặng nhất là có thể tử vong do sốc phản vệ, nhẹ thì nhiễm trùng máu quá tải dịch gây phù phổi, suy hô hấp, suy tim.
Ngoài ra, không phải bệnh nhân nào ốm sốt cũng phải truyền và có thể truyền vào bất cứ thời điểm nào. Khi tự ý truyền dịch mà chưa có kết quả kiểm tra, chưa đánh giá được mức độ tổn thương và tình trạng bệnh nền, người dân dễ bị biến chứng hơn.