Điểm nóng
Nguy hiểm việc trẻ vị thành niên tự ý điều khiển xe gắn máy
D.Ngân - 04/07/2022 21:15
Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một số trường hợp trẻ vị thành niên, học sinh bị đa chấn thương nghiêm trọng do tai nạn khi tự điều khiển xe máy tham gia giao thông.

Mới đây nhất là bé trai 15 tuổi (Vĩnh Phúc) được người nhà đưa đi cấp cứu tại Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng hết sức nguy kịch do tai nạn giao thông. 

Các bác sĩ cảnh báo tình trạng chấn thương do học sinh chưa đủ tuổi nhưng đã sử dụng xe gắn máy

Trước đó, bé trai điều khiển xe máy, chở bạn ngồi phía sau tham gia giao thông. Vì cả hai không đội mũ bảo hiểm, không làm chủ tốc độ, khi gặp xe máy đi ngược chiều không kịp xử lý nên đã xảy ra tai nạn. Ngay sau tai nạn trẻ bất tỉnh còn bạn ngồi phía sau may mắn chỉ bị thương nhẹ. 

TS. Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, không có nhịp tự thở, đồng tử 2 bên giãn, không có phản xạ ánh sáng. 

Ngay sau khi nhập viện, trẻ được các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu và tiến hành làm các xét nghiệm cận lâm sàng, kết quả chụp CT sọ não của trẻ cho thấy phù não lan toả 2 bán cầu hai bên. 

Trẻ được chẩn đoán hôn mê sâu/chấn thương sọ não sau tai nạn giao thông. Mặc dù được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng trẻ tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong rất cao.

Theo các bác sĩ, tai nạn giao thông gây ra cho nạn nhân và gia đình những hậu quả vô cùng đáng tiếc, có thể mất đi mạng sống hoặc để lại di chứng nặng nề đến sức khoẻ, phải nằm viện điều trị trong thời gian dài hoặc trải qua nhiều cuộc phẫu thuật đau đớn…

Tại Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi năm, đặc biệt vào dịp hè, Khoa tiếp nhận một số trường hợp trẻ vị thành niên, học sinh nhập viện do tại nạn giao thông với các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, đa phần những trẻ nhập viện thường bị thương nặng, nguy kịch, đa chấn thương, phải điều trị lâu dài. 

Mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã quy định cấm người chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe máy, thế nhưng hiện nay, tình trạng học sinh, trẻ vị thành niên điều khiển loại phương tiện này khi đến trường, tham gia giao thông đang diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. 

Ở lứa tuổi này, việc điều khiển xe máy hoàn toàn không phù hợp và không an toàn vì các em chưa phát triển đầy đủ về thể chất nên chưa phù hợp với việc điều khiển phương tiện là xe gắn máy. 

Bên cạnh đó, vì chưa được đào tạo, sát hạch để được cấp Giấy phép lái xe nên các kỹ năng lái xe an toàn cũng như hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ ở học sinh và trẻ vị thành niên hầu như không có; cộng với tâm lý muốn thể hiện nên thường vi phạm luật giao thông. 

Tình trạng học sinh đi xe máy khi chưa đủ tuổi xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng trên hết vẫn là sự buông lỏng quản lý từ phía gia đình và nhận thức chưa cao của các em. 

Các bác sĩ khuyến cáo, các bậc cha mẹ cần phải hết sức quan tâm đến con trẻ đang ở lứa tuổi vị thành niên, nhất là đến tâm lý cũng như cảm xúc của trẻ, kiểm soát việc đi xe máy cũng như giáo dục cho trẻ hiểu được mức độ nguy hiểm của tai nạn giao thông tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra đối với trẻ.

Theo Luật Giao thông đường bộ 2008, người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ theo quy định và có giấy phép lái xe phù hợp. Cụ thể, Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định độ tuổi của người lái xe như sau:
Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3.
Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi.
Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2).
Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC).
Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD).

Tin liên quan
Tin khác