Nguyễn Trung Nhật, sáng lập, Giám đốc Maximus Accessories. |
Cuộc gọi bất ngờ
“Làm nhanh đi, ở đây cần lắm”, Nguyễn Trung Nhật kể lại về cuộc điện thoại đặt hàng mặt nạ bảo hộ Mika đầu tiên.
Thời điểm đó, Maximus Accessories (Maximus) đang “ngủ đông” vì doanh thu sụt giảm đến hơn 90%, Trung Nhật đã phải cho nhân viên tạm nghỉ, đóng cửa xưởng sản xuất, chờ đại dịch Covid-19 đi qua.
Theo dõi diễn biến dịch bệnh, thông qua một số người bạn là các y, bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện, Trung Nhật biết rằng, thiết bị bảo hộ y tế (PPE) đang rất khan hiếm. Để phòng tránh virus, các y bác sĩ tự tạo mặt nạ bảo hộ bằng cách gắn bìa nhựa (lấy ở bìa kẹp hồ sơ) vào miếng xốp rồi ghim dây đeo tạm. Các sản phẩm làm thủ công, nên có nhiều hạn chế như bìa nhựa không trong suốt làm giảm tầm nhìn, dây đeo dễ bung…
Nhận thấy việc sản xuất mặt nạ bảo vệ không quá phức tạp, Maximus có thể vận dụng kinh nghiệm sản xuất các sản phẩm da, nội thất trong nhiều năm qua, Trung Nhật quyết định sản xuất sản phẩm này để giúp các bác sĩ phòng tránh virus trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Anh mạnh dạn nhắn tin chia sẻ với những người bạn đang công tác tại các bệnh viện và ngay lập tức được đặt hàng.
Trung Nhật quyết định gửi tặng 1.000 sản phẩm đầu tiên cho các y, bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Anh nhanh chóng tập hợp các thành viên của Công ty và chỉ trong 2 ngày đã đưa ra mẫu sản phẩm đầu tiên. 3 ngày sau, 500 sản phẩm được hoàn thành để gửi tới đội ngũ y, bác sĩ.
“Chúng tôi chưa bao giờ làm việc khẩn trương như vậy. Các bác sĩ nhận được sản phẩm, góp ý cho chúng tôi những điểm cần cải thiện ngay trong tối hôm đó”, Trung Nhật hào hứng kể.
Vài ngày sau, Maximus hoàn thành thêm 500 sản phẩm để gửi tặng khách hàng. Được sự phản hồi tốt của các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Trung Nhật cùng đội ngũ tiếp tục sản xuất đợt hàng tiếp theo với số lượng lớn hơn. Nhiều “Mạnh Thường quân” ở TP.HCM đã đặt hàng sản phẩm mặt nạ Mika để tặng đội ngũ y bác sĩ ở các bệnh viện khác.
Mặt nạ Mika có giá chỉ bằng… một chai nước ngọt, 10.000 đồng/chiếc. Nhà sáng lập Maximus chia sẻ, chi phí vật tư chiếm hơn một nửa giá thành, phần còn lại, Công ty chi trả cho công nhân để cùng họ vượt khó trong mùa dịch.
“Maximus sản xuất mặt nạ bảo hộ không vì mục đích lợi nhuận, mà muốn chung tay giữ an toàn cho cộng đồng. Chúng tôi xem đó là khoản đầu tư cho tương lai, vì chỉ khi dịch bệnh kết thúc, thì các hoạt động khác mới có thể trở lại trạng thái bình thường”, Trung Nhật nói.
Mở ra cơ hội
Maximus thành lập năm 2012, chuyên sản xuất đồ nội thất, phụ kiện da như bao da cho máy đọc sách, máy tính bảng và điện thoại thông minh. 8 năm trong ngành, Maximus đã tạo dựng được vị trí nhất định, đảm bảo cuộc sống cho đội ngũ nhân viên.
Đại dịch Covid-19 đã thổi bay thành quả của nhiều công ty và Maximus cũng không ngoại lệ. Việc sản xuất mặt nạ bảo vệ không chỉ giúp Maximus có cơ hội chung tay cùng cộng đồng chống dịch, mà còn mở ra cơ hội trở thành nhà sản xuất thiết bị bảo hộ cơ bản.
Thời điểm chia sẻ câu chuyện với chúng tôi, Maximus đã hoàn thành đơn hàng 5.000 chiếc mặt nạ Mika và chuẩn bị cho những đơn hàng tiếp theo.
Dù chỉ là sản phẩm bảo hộ cơ bản, nhưng Trung Nhật vẫn gửi mẫu đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 để kiểm tra độ an toàn của vật liệu và đang xin chứng nhận FDA Approval của Bộ Y tế Hoa Kỳ để bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng cao nhất.
Trung Nhật đang tính đến bài toán đường dài, bởi dại dịch qua đi, thì người dân vẫn có nhu cầu bảo vệ sức khỏe, hơn nữa, mặt nạ bảo vệ cũng có thể sử dụng khi tham gia giao thông để tránh bụi.
- Nguyễn Trung Nhật, Giám đốc Maximus
Ngoài mặt nạ bảo hộ, Maximus đang phát triển một dòng sản phẩm khác là Aerosol Box (hộp bảo vệ bác sĩ khi đặt nội khí quản). Thiết bị này được thiết kế để đặt ống trợ thở cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 bị suy hô hấp nặng, là một hộp nhựa trong suốt, có cạnh trống úp lên trên bệnh nhân (trong tư thế nằm), phía đối diện có hai lỗ nhỏ để bác sĩ đưa tay vào đặt ống trợ thở.
Aerosol Box được phát minh bởi bác sĩ Lai Hsien-yung (người Đài Loan). Bản gốc của Aerosol Box chỉ chừa hai lỗ rất nhỏ, vừa khít cánh tay bác sĩ, trong khi đó, ở Việt Nam cần phải thiết kế rộng hơn để khuỷu tay bác sĩ thao tác không bị vướng. Việc mở rộng đòi hỏi phải thêm chi tiết cánh tay bằng nhựa dẻo đính kèm để giảm thiểu khả năng lây nhiễm.
Các bác sĩ ở Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM còn đề nghị Maximus làm một phiên bản có tới 6 cánh tay để phù hợp với môi trường đặc thù của Khoa. Maximus đặt tên vui cho phiên bản này là “Hộp 3D6T” (ba đầu sáu tay) vì dành cho ba người thao tác. Đây là những phiên bản khác biệt so với bản gốc.
Cũng theo yêu cầu của bác sĩ, Maximus còn thiết kế hộp nhỏ hơn dành cho bệnh nhi.
Trung Nhật cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, anh đã phát triển được 6 phiên bản khác nhau của hộp Aerosol Box và đang chờ phản hồi từ các bác sĩ chuyên ngành.
Đặc biệt, khi thử nghiệm thành công, Trung Nhật sẽ công bố cách chế tạo công cụ này lên mạng miễn phí. Anh bảo, khó khăn là lúc mọi người yêu thương, quan tâm nhau nhiều hơn. Nhiều “Mạnh Thường quân” ngỏ ý mua mặt nạ với giá cao hơn vì sợ Công ty không đủ chi phí; các đối tác cung cấp nguyên liệu cho Maximus khi nghe mục đích sản xuất cũng hỗ trợ một phần; nhân viên Công ty thì làm việc hết mình...
“Tôi muốn góp một chút công sức, chung tay cùng cộng đồng chống dịch”, vị giám đốc sinh năm 1991 nói trong nụ cười viên mãn.