Thời sự
Nhà báo Trương Anh Ngọc: Thành quả của bóng đá Việt Nam đâu phải điều gì kỳ diệu
Huy Hào - 09/02/2019 09:21
“Không phải điều gì kỳ diệu cả, đó là trái ngọt từ những năm tháng mải miết gieo trồng, chăm bẵm; là mồ hôi, nước mắt, sự hy sinh của mỗi cầu thủ và gia đình họ; là từ sự tin yêu của những người hâm mộ chân chính”, nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ về những thành quả ngọt hào và rất đỗi tự hào của bóng đá Việt Nam vừa qua.
Nhà báo Trương Anh Ngọc: “Bóng đá, cầu thủ làm cho khán giả tin thì họ sẽ yêu, sẽ gắn bó”.

Thưa nhà báo Trương Anh Ngọc, chúng ta vừa trải qua một năm 2018 đầy cảm xúc với bóng đá Việt Nam và nối dài những xúc cảm tuyệt vời đó ngay đầu Xuân mới Kỷ Hợi với thành tích ấn tượng tại kỳ Asian Cup 2019. Khi thu hoạch mùa vàng, chúng ta hẳn không thể quên những tháng ngày vất vả gieo trồng, chăm bẵm?

Không nghi ngờ gì nữa, năm 2018 là “mùa vàng” của bóng đá Việt Nam. HLV Park Hang Seo và các cầu thủ đã có một năm bội thu: bội thu về thành tích và quý giá hơn cả là bội thu về niềm tin yêu từ người hâm mộ.

Đó là thành quả của những hạt giống đã được gieo trồng, chăm bẵm trước đó nhiều năm, đã đến thời điểm đơm hoa, kết trái, lại gặp được một “kỹ sư” giỏi - HLV Park, người biết cách chăm chút để kết tinh công sức trước đó thành quả ngọt. Còn nhớ, khi làm việc ở Việt Nam, HLV Alfred Riedl có câu nói nổi tiếng và cũng rất đúng, rằng “bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”. Với những gì bóng đá Việt Nam làm được trong năm qua, điều đó đã được khắc phục, chúng ta đã có nền tảng và đi từ nền tảng đến thành công.

Nền tảng đó chính là công tác đào tạo trẻ bền bỉ của các trung tâm như PVF, Hoàng Anh Gia Lai, Viettel, Hà Nội…, với dấu ấn của những ông bầu tâm huyết với bóng đá và có nguồn lực; đó là việc các CLB ở V-League đã trọng dụng cầu thủ trẻ nhiều hơn.

Nói như vậy để thấy rằng, việc bóng đá Việt Nam lên ngôi vương ở AFF Cup 2018 không phải là điều gì thần kỳ, kỳ diệu. Nếu để ý một chút, không khó để nhận ra rằng, người hâm mộ rất vui mừng với chức vô địch AFF Cup 2018, nhưng sự hân hoan, háo hức, lâng lâng… thì không như khi chúng ta giành ngôi Á quân U23 châu Á hay vào tứ kết Asiad… Hoàn toàn không phải người hâm mộ coi trọng cái này hay cái kia hơn, mà đơn giản, người ta thấy đó là kết quả tất yếu, là thành quả từ quá trình vun trồng, chăm bẵm, là hành trình của mồ hôi, nước mắt, sự hy sinh của mỗi cầu thủ và gia đình họ. Do đó, niềm hân hoan, vui mừng đó cũng đằm hơn, ngấm hơn.

Nhà báo Anh Ngọc và Nguyễn Quang Hải - một trong những cầu thủ xuất sắc của Đội tuyển Quốc gia và bóng đá Việt Nam.

Trong thành công đó, không thể không nhắc tới vai trò của HLV Park. Nhà báo ấn tượng nhất với HLV Park ở điểm gì?

Một HLV giỏi không chỉ là người giỏi về chuyên môn mà còn phải giỏi quản trị con người. Ông Park Hang Seo đã làm rất tốt điều này. Ông Park rất độc lập, không chịu bất cứ sức ép nào, áp lực nào từ ban lãnh đạo, các CLB hay người hâm mộ về việc phải sử dụng ai, dùng ai nhiều, ai ít. Đây là điều mà các HLV nội thường gặp phải, vì nhiều lý do khác nhau. Ông còn có cách sử dụng cầu thủ rất linh hoạt, mới mẻ, hầu như không ai đoán định chính xác được ý đồ, cách dùng của ông qua từng trận đấu.

Nhưng điều đặc biệt là ông rất biết cách khích lệ cầu thủ, phát huy tiềm năng của các cầu thủ một cách tốt nhất. HLV Park đã khiến các cầu thủ hiểu và tin tưởng rằng, họ là một phần rất quan trọng của tập thể, dù ra sân đá chính, hay dự bị… Đó chính là điều đã đánh thức, khơi dậy tâm huyết, trách nhiệm trong mỗi cầu thủ, để những cầu thủ tưởng như không còn cơ hội đóng góp sức mình cho đội tuyển như Anh Đức, Văn Lâm... lại quyết tâm luyện tập, cống hiến cho thành công chung của đội tuyển.

Một điểm thú vị là, qua các clip nội bộ, chúng ta được thấy một HLV Park rất gần gũi, vừa là người thầy, vừa là người cha của các cầu thủ trẻ. Điều đó tạo nên một không khí đoàn kết, gắn bó trong đội tuyển mà hiếm khi chúng ta gặp trong một môi trường có sự cạnh tranh quyết liệt như vậy.

Nó cũng lan tới các tuyển thủ, giúp họ ứng xử với nhau rất nhân văn. Nhiều người đã rất xúc động khi ở AFF vừa qua, các cầu thủ sau khi ghi bàn đã tập trung ăn mừng với chiếc áo của Văn Toàn - do cầu thủ này không thể góp mặt do chấn thương. Sau đó, Công Phượng đã vào cõng Văn Toàn ra chia vui cùng đồng đội… Cầu thủ dành cho nhau những sự quan tâm, với cảm xúc của những người đồng đội cùng một chiến tuyến. Nó khiến mỗi chúng ta thực sự cảm động, cay cay nơi sống mũi vì sự chân tình, xúc cảm, xuất phát từ con người họ chứ không phải là sự màu mè hay “diễn” với truyền thông.

Quả thực, thế hệ cầu thủ trẻ trung hiện nay được yêu mến không chỉ bởi những thành quả đã gặt hái được, mà còn bởi phong thái, cách ứng xử, đạo đức, cả trình độ văn hóa... Bình luận của nhà báo về ý kiến này?

Đến lúc này, có thể nói rằng, đây là một lứa cầu thủ “sạch”, sẵn sàng làm hết mình vì bóng đá, vì khán giả.

Các em được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp, từ chuyên môn đến kỷ luật và phong cách sống, kể cả việc tiếp xúc với truyền thông và môi trường mạng xã hội vốn không thiếu những rủi ro, cạm bẫy.

Bóng đá Việt Nam đã quá đủ những bài học về tài năng có thừa, nhưng thiếu kỷ luật, thiếu rèn luyện, thiếu bản lĩnh khi va chạm với xã hội, để rồi mất tất cả.

Có lẽ lứa cầu thủ này đã rút ra được bài học cho mình. Họ có hiểu biết và được rèn luyện năng lực để lựa chọn đi con đường sáng, có một cuộc sống tốt về kinh tế, lâu bền về nghề nghiệp. Đó là điều đáng mừng. Hy vọng các em sẽ duy trì, giữ vững được điều đó.

Sau kỳ tích U23 châu Á, một lứa cầu thủ tài năng và được yêu mến đã tạo hiệu ứng tốt cho giải bóng đá trong nước, kéo khán giả đến sân nhiều hơn vào mỗi cuối tuần. Đó có phải là điều chúng ta có thể kỳ vọng gì về việc Việt Nam dần xây dựng được nền bóng đá chuyên nghiệp? Các ông bầu, các CLB có thể từng bước kinh doanh bóng đá, sống được bằng bóng đá đúng nghĩa như các nước phát triển?

Bóng đá chuyên nghiệp như là việc bán hàng. Hàng chất lượng tốt, thái độ phục vụ tốt thì không có lý gì khách hàng không tin tưởng tìm đến và bỏ tiền để mua. Cầu thủ chính là những người bán hàng. Họ làm cho khán giả vui, cười hay khóc vì sung sướng; làm cho khán giả tin thì họ sẽ yêu, sẽ gắn bó. Ngược lại, làm họ nghi ngờ thì họ sẽ quay lưng.

Hành trình của lứa cầu thủ biết sống và chơi bóng đá đúng nghĩa hiện nay gợi ra cho chúng ta những bài học, những suy nghĩ về cách đầu tư bài bản cho bóng đá.

Rõ ràng, chúng ta phải đầu tư không ngừng cho đào tạo trẻ. Đó là công thức chung cho mọi nền bóng đá phát triển. Đồng thời, phải chăm chút sân chơi quốc nội V-League để tạo sân chơi rèn giũa thường xuyên, liên tục cho cầu thủ.

Nhưng V-League đến nay vẫn lúng túng, quẩn quanh trong nỗ lực nâng cao chất lượng, sự chuyên nghiệp, tính minh bạch, những câu chuyện nội bộ, thưa nhà báo?

Đó là điều đáng tiếc nhất của bóng đá Việt Nam. Người hâm mộ chưa đặt niềm tin ở tổ chức này, họ vẫn chờ những chuyển biến thực sự, minh bạch, chuyên nghiệp trong cách làm việc, cách ứng xử với người hâm mộ, cách xử lý những câu chuyện nội bộ…

Nếu chúng ta không có giải pháp dứt khoát, mạnh mẽ để chấm dứt những câu chuyện buồn đó thì CLB và cầu thủ bị ảnh hưởng, nhà tài trợ  và người hâm mộ sẽ quay lưng, sân chơi V-League sẽ khó phát triển, không thể trở thành vườn ươm nuôi dưỡng những tài năng; bóng đá Việt Nam sẽ không có sự bền vững, sẽ chỉ là hiện tượng ở một hai mùa giải nào đó rồi lại trở về vùng trũng.

Năm 2019 là một năm rất quan trọng với bóng đá Việt Nam, song theo tôi, cần thực tế với các mục tiêu. Chuẩn bị cho những mục tiêu cao hơn nhưng trước hết phải khẳng định vị trí một cách vững chắc ở khu vực Đông Nam Á. Đó là nhiệm vụ chinh phục chiếc HCV SeaGames - điều chúng ta chưa từng làm được; đó là đạt mục tiêu dự Vòng chung kết U23 châu Á 2020 tại Thái Lan và sau đó, thi đấu tốt nhất ở giải trẻ này để có thể góp mặt tại Thế vận hội 2020 ở Tokyo.

Dù sao thì chúng ta cũng đang có bước chạy đà tốt, có lực, có thế, có niềm tin, chúng ta cần thêm sự nỗ lực và nỗ lực hơn nữa.

Chúc cho bóng đá Việt Nam tiếp tục gặt hái những thành quả xứng đáng trong năm mới Kỷ Hợi 2019!

Tin liên quan
Tin khác