Đầu tư
Nhà đầu tư đau đầu, lúng túng tìm cách triển khai nhanh các dự án điện mới
Thanh Hương - 07/04/2024 08:10
Có thời hạn áp dụng từ năm 2021, nhưng tới tháng 5/2023, Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) mới được phê duyệt và tới tháng 4/2024, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII mới được ban hành.

Bỏ qua sự thận trọng trong quá trình xây dựng Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, điều mà những người quan tâm chờ mong nhất hiện nay chính là làm thế nào để triển khai nhanh các dự án điện mới vì đã có cả Quy hoạch lẫn Kế hoạch thực hiện. Song tại Hội nghị Triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII vừa diễn ra, vẫn còn rất nhiều trăn trở về các chính sách, cơ chế cụ thể cần sớm được ban hành.

Giữ vai trò chính trong đảm bảo cung cấp điện ổn định, nhưng ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị Bộ Công thương sớm trình Chính phủ ban hành cơ chế phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó ưu tiên thúc đẩy phát triển điện tại khu vực miền Bắc, đồng thời sớm ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu.

EVN cũng mong muốn được giao triển khai các thủ tục đầu tư dự án lắp đặt thiết bị lưu trữ tại khu vực miền Bắc, hay có sự phối hợp giữa các bộ, ngành, kiến nghị với Thủ tướng về giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện gió ngoài khơi… EVN còn kiến nghị Thủ tướng về các cơ chế giao EVN và doanh nghiệp nhà nước làm chủ đầu tư các dự án nguồn điện, lưới điện trọng điểm trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII. Bên cạnh đó là kiến nghị các địa phương sớm tổ chức lựa chọn chủ đầu tư các dự án nguồn điện, sớm đưa vào vận hành đúng tiến độ theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, nhất là với nguồn điện lớn.

Đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thì kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm ban hành quy định về hợp đồng mua bán khí sang mua bán điện.

Về phát triển điện gió ngoài khơi, theo nhận xét của Petrovietnam, việc triển khai một dự án sẽ liên quan khoảng 20 luật, trong khi quy định hiện hành lại chưa đầy đủ, thậm chí còn thiếu một số nội dung rất cơ bản.

EVN, Petrovietnam đều là những tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, là những “quả đấm thép” trong lĩnh vực năng lượng mà còn lúng túng, mong được hướng dẫn cụ thể, thì các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước chắc hẳn cũng không dễ tham gia phát triển nguồn điện.

Có thể thấy điều này qua việc hàng loạt dự án điện lớn sử dụng khí gas hóa lỏng đã giao cho nhà đầu tư tư nhân làm chủ đầu tư từ năm 2020, nhưng tới nay vẫn bất động do vướng hàng loạt vấn đề trong đàm phán Hợp đồng mua bán điện, hoặc chưa thoả mãn được các điều kiện mà nhà đầu tư mong muốn.

Khối các dự án năng lượng tái tạo mới hiện đối mặt với việc không còn chính sách giá mua điện cố định (FIT) hấp dẫn như giai đoạn 2018 - 2021, trong khi vẫn chưa có chính sách giá mới.

Không chỉ dự án nguồn điện thấy khó, các dự án truyền tải được kỳ vọng xã hội hóa cũng chưa được nhà đầu tư tư nhân hào hứng đón nhận.

Đó không chỉ do Luật Điện lực (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/3/2022, nhưng 2 năm qua vẫn chưa có nghị định, hay hướng dẫn thực thi nào được ban hành, mà còn bởi không thấy dự án điện nào mang lại hiệu quả, nên nhà đầu tư tư nhân không mặn mà làm cả nhà máy lẫn đường dây truyền tải như trước đây.

Thực tế cho thấy, mong muốn mua được điện nước ngoài dù có lợi thế là không mất công xây dựng, nhưng bị phụ thuộc vào người bán và không phải lúc nào cũng song hành với sự chủ động cũng như an ninh năng lượng quốc gia cũng là điều cần có giải pháp ứng phó phù hợp.

Một điểm đáng nói khác là trong số giải pháp được đưa ra tại Quy hoạch Điện VIII lẫn Kế hoạch thực hiện Quy hoạch, câu chuyện giá điện theo thị trường hiện chưa được đề cập rõ.

Hồi đầu năm nay, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp từng nhận xét, không tăng giá điện thì không giải quyết được lỗ lũy kế, mà không giải quyết được lỗ lũy kế thì không giải quyết được gì hết. Năm 2023 cũng là năm thứ 2 liên tiếp, EVN tiếp tục thua lỗ. Đã lỗ thì không có tiền trả mua điện để cấp cho nền kinh tế về lâu dài. 

Với tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2030, sự tham gia của nguồn vốn tư nhân nhằm thực hiện thành công các mục tiêu tại Quy hoạch Điện VIII là rất cần thiết. Nhưng nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước sẽ không bao giờ xuống tiền triển khai dự án nếu không tính được hiệu quả kinh tế, không nhìn thấy lợi nhuận trong bối cảnh cơ chế về giá điện vẫn mù mờ như hiện nay.

Tin liên quan
Tin khác