Thương hiệu Come Home của Tập đoàn Central Retail (Thái Lan) khai trương cửa hàng nội thất tại TP.HCM |
Doanh nghiệp Thái tăng tốc
Gã khổng lồ bán lẻ tới từ Thái Lan Central Retail đã chính thức ra mắt thương hiệu Come Home - một sáng kiến kinh doanh mới trong lĩnh vực nội thất, tại Trung tâm thương mại SC VivoCity vào ngày 27/7 vừa qua.
Come Home dự kiến trở thành điểm nhấn trong chiến lược đầu tư 1 tỷ USD của Central Retail vào ngành kinh doanh phi thực phẩm tại Việt Nam. Thương hiệu này vận hành theo mô hình "One Stop Shopping" - một lựa chọn toàn diện cho khách hàng với nhiều sản phẩm đa dạng về nội thất và trang trí nhà cửa.
Đại diện Central Retail cho biết, lý do ra mắt Come Home tại thời điểm này là do thị trường nội thất Việt Nam đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ. Theo dữ liệu của Central Retail, doanh thu của thị trường này vào năm 2022 đạt gần 1,25 tỷ USD, năm 2023 dự kiến vượt qua mốc 1,4 tỷ USD.
Bên cạnh đó, thị trường vẫn đang trên đà phát triển với tốc độ tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2027. Trong đó, nội thất phòng khách là phần lớn mảng tăng trưởng, dự báo doanh thu năm nay sẽ đạt 523 triệu USD. Nội thất phòng ngủ và các mặt hàng trang trí khác cũng đang có sự phát triển đáng kể.
Tổng quan, theo Central Retail, mặc dù tình hình kinh tế toàn cầu đang suy thoái và sức mua giảm sút, thị trường nội thất Việt Nam lại thể hiện nhu cầu mạnh mẽ do xu hướng thích ứng với phong cách hiện đại và cá nhân hóa.
"Chúng tôi đã dành 2 năm để chuẩn bị cho việc ra mắt, với mục tiêu đặt ra là trở thành nhà cung cấp hàng đầu trong lĩnh vực trang trí nội thất tại Việt Nam", đại diện Central Retail khẳng định.
Câu hỏi đặt ra là, khi nào Central Retail có thể thực hiện được mục tiêu này trong bối cảnh thị trường đầy đối thủ? Theo nhận định từ phía công ty, điều này còn tùy thuộc vào tình hình kinh tế. Tuy nhiên, Central Retail cũng thể hiện hy vọng rằng, vào năm 2025, mục tiêu này sẽ được thực hiện.
Với tiềm năng đầy hấp dẫn, một số doanh nghiệp ngoại khác cũng có những bước đi chiến lược khác nhau nhằm chinh phục thị trường nội thất Việt Nam.
Cuối tháng 6/2023, cửa hàng JYSK The Loop IPH, chi nhánh mới nhất của JYSK, chuỗi cửa hàng bán lẻ quốc tế đến từ Đan Mạch, chuyên cung cấp giải pháp trang trí và nội thất theo phong cách Bắc Âu - Scandinavian đã khai trương.
Gia nhập vào thị trường Việt Nam từ cuối năm 2015, JYSK mong muốn mang phong cách Bắc Âu đến gần hơn với người tiêu dùng Việt Nam qua đa dạng sản phẩm trải rộng trên các ngành hàng nội thất, trang trí, gia dụng, chăn ga gối đệm và ngoại thất ban công, sân vườn, được thiết kế theo phong cách tối giản, thẩm mỹ, công năng và tiện dụng.
Đại diện JYSK cho biết, hiện tại, hệ thống của Hãng gồm 12 cửa hàng tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương và hệ thống bán hàng online nhằm đem lại trải nghiệm mua sắm vượt trội cho khách hàng.
Index Living Home, một doanh nghiệp nội thất khác của Thái Lan cũng có màn lội ngược dòng đáng chú ý. “Tái hòa nhập” thị trường Việt Nam từ cuối năm 2019 sau hơn 1 năm vắng bóng, Index Living Home là một trong những chuỗi chuyên đồ nội thất phủ sóng khá mạnh mẽ tại TP.HCM.
Nhắm đến phân khúc tầm trung
Sự hồi sinh này cho thấy tiềm năng to lớn và sức hấp dẫn của mảng trang trí nội thất Việt Nam, thu hút nhiều tay chơi trong nước và quốc tế muốn nhắm tới tầng lớp trung lưu đang gia tăng.
Trước đây, nội thất Hòa Phát được định vị ở phân khúc tầm trung, nhưng sau cuộc tái định vị thương hiệu đầu năm 2022, chuỗi The One (tên mới của Nội thất Hòa Phát) dần tiếp cận khách hàng ở mảng trung - cao cấp với các sản phẩm nội thất văn phòng ra mắt hồi tháng 4/2023.
Bà Trang Lê, một chuyên viên tư vấn nội thất tới từ TP.HCM chia sẻ: “Một số thương hiệu nội thất hàng đầu có độ nhận diện cao thuộc phân khúc trung - cao cấp như A Concept, Baya, MOHO, JYSK, Nhà Xinh, Index Living Mall, Chilai, BoConcept - Premium Furniture và Sonder Living. Điểm chính là nhiều khách hàng Việt Nam cũng ưa chuộng phong cách trang trí nội thất được du nhập bởi quốc tế, ví dụ phong cách Bắc Âu - Scandinavian, phong cách Wabi Sabi từ Nhật, phong cách nội thất tân cổ điển…”.
Theo báo cáo mới đây của Mordor Intelligence, quy mô thị trường đồ nội thất Việt Nam dự kiến tăng từ 1,4 tỷ USD năm 2023 lên 1,82 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép) là 5,33%/năm trong giai đoạn 2023-2028.
Theo nhận định của tổ chức này, thị trường nội thất Việt Nam đang tăng trưởng đều đặn trong những năm gần đây.
Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam ngày càng tăng và dự kiến vượt nhiều nền kinh tế trên thế giới. Các yếu tố như thuế quan thấp hơn, môi trường thương mại dễ dàng, hậu cần vận chuyển thuận tiện và nhiều loại nguyên liệu để sản xuất đồ nội thất khiến Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất đồ nội thất trong tương lai. Đồ nội thất của Việt Nam hiện được xuất khẩu tới hơn 120 quốc gia trên thế giới, trong đó các thị trường chính là Mỹ, Anh, Canada, Australia và Nhật Bản.
Người tiêu dùng Việt Nam sử dụng đa dạng các sản phẩm nội thất, trong đó đồ nội thất bằng gỗ là phổ biến nhất. Ngành đồ nội thất trong nhà và ngoài trời của Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ và sẽ tiếp tục quỹ đạo này trong những năm tới.
Còn theo tính toán của Statista, doanh thu thị trường nội thất Việt Nam lên tới 1,34 tỷ USD vào năm 2023. Thị trường dự kiến tăng trưởng hàng năm với tốc độ CAGR là 9,06% trong giai đoạn 2023-2028. Phân khúc lớn nhất của thị trường là phân khúc nội thất phòng khách với khối lượng thị trường là 0,46 tỷ USD vào năm 2023.