Đầu tư
Nhà đầu tư Nhật săn dự án cao tốc của VEC
Anh Minh - 06/12/2018 13:29
Quyền khai thác tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) nắm giữ đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư Nhật Bản.

1 tỷ USD cho 30 năm

Sau hơn 1 năm nghiên cứu, giữa tuần trước, Công ty tư vấn Index Consulting (Nhật Bản) cùng các đối tác Deloitte - Nishimura & Asahi - Padeco đã có buổi báo cáo Lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) kết quả nghiên cứu về khả năng nhượng quyền tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây của VEC.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây do VEC đầu tư và quản lý đã được đưa vào khai thác hơn 3 năm

Đây là dự án nghiên cứu mô hình nhượng quyền khai thác tuyến đường cao tốc đầu tiên tại Việt Nam được triển khai từ tháng 6/2017 với sự bảo trợ bởi Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT VEC cho biết, kết quả nghiên cứu này sẽ giúp các nhà đầu tư Nhật Bản làm rõ cơ hội đầu tư vào tuyến cao tốc huyết mạch của khu vực Đông Nam bộ dài 55 km này.

“Kết quả nghiên cứu của Index Consulting về khả năng chuyển nhượng quyền khai thác tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây của chúng tôi là rất tích cực”, ông Mai Tuấn Anh cho biết.

Cụ thể, tại báo cáo của mình, với cùng thời gian 30 năm, Index Consulting đưa ra 2 phương án nhượng quyền tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Theo đó, nếu giữ nguyên quy mô 4 làn xe hiện hữu, giá trị nhượng quyền tuyến cao tốc này là 796 triệu USD. Nếu VEC cho phép nhà đầu tư mở rộng tuyến cao tốc này lên 6 làn xe vào năm 2020 với chi phí khoảng 406 triệu USD, giá trị nhượng quyền tuyến đường sẽ lên tới hơn 1 tỷ USD.

Đại diện VEC cho biết, đơn vị tư vấn Nhật Bản đang nghiêng về phương án chuyển nhượng kết hợp mở rộng, do tổng doanh thu khai thác tuyến đường này sẽ cao hơn đáng kể so với phương án 4 làn (5,3 tỷ USD/3,81 tỷ USD). Đây cũng là phương án mà đơn vị đang vận hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây mong muốn, bởi tính toán sơ bộ cho thấy, với tốc độ tăng trưởng phương tiện như hiện nay, tuyến đường này sẽ mãn tải trong 5 - 7 năm tới.

Tại kết quả nghiên cứu gửi VEC vào tháng 7/2018, đơn vị tư vấn khẳng định, với phương án chuyển nhượng kết hợp mở rộng từ 4 lên 6 làn xe, VEC hoàn toàn có khả năng hoàn trả vốn vay theo kế hoạch trả nợ với JICA và ADB, việc trả nợ với các nhà tài trợ vốn đầu tư xây dựng công trình sẽ kết thúc vào năm 2032.

VEC được lợi gì?

Theo ông Mori Masafumi, Thứ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, nhiều nhà đầu tư hạ tầng và tài chính lớn tại nước này đang rất quan tâm đến việc nhượng quyền tuyến đường cao tốc này. Chính phủ Nhật Bản và Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ để Dự án được triển khai thành công, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng đường bộ tại Việt Nam.

VEC được giao làm chủ đầu tư 5 dự án đường cao tốc với chiều dài 550 km. Hiện Tổng công ty đã hoàn thành, đưa vào khai thác 415 km, chiếm 57% tổng chiều dài đường cao tốc cả nước; phục vụ an toàn 124,5 triệu lượt xe, tổng doanh thu phí đạt 9.731,3 tỷ đồng.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có tổng mức đầu tư giai đoạn I là 20.630 tỷ đồng, được thực hiện bằng vốn vay của ADB và JICA. Chỉ sau hơn 3 năm đưa vào khai thác, đã có hơn 45 triệu lượt phương tiện qua lại tuyến cao tốc huyết mạch này.

Không khó để chỉ ra lợi ích lớn nhất mà VEC nhận được nếu thương vụ nhượng quyền tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được hoàn tất.

Ngoài việc có ngay 1 tỷ USD để đầu tư vào các dự án đường cao tốc khác mà trọng tâm là tuyến cao tốc Bắc Nam, trong đó VEC được kỳ vọng là đơn vị đầu tàu, đây còn là cú hích đáng kể để các nhà đầu tư khác quan tâm vào các tuyến cao tốc do VEC đầu tư như: Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài - Lào Cai và Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Trước đó, vào năm 2016, VEC và Vinci Concessions từng ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác nghiên cứu, xây dựng và đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam phương thức để VEC có thể thực hiện việc chuyển nhượng quyền khai thác các dự án đường cao tốc do VEC quản lý. Mục tiêu trước mắt của VEC và Vinci Concessions chính là thỏa thuận xem xét chuyển nhượng quyền khai thác dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Đây được xem là hướng đi mới, hiệu quả của VEC nói riêng và ngành giao thông nói chung nhằm huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đầu tư các dự án phát triển hạ tầng đường bộ, giảm áp lực tăng nợ công của Chính phủ. Việc áp dụng chính sách nhượng quyền khai thác có thời hạn cho khu vực tư nhân tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng đường bộ không chỉ nhằm sớm thu hồi vốn đầu tư ban đầu, mà còn nâng cao hiệu quả khai thác vận hành do được chuyển giao và áp dụng các công nghệ tiên tiến. 

“Vì vậy, việc nhượng quyền có thời hạn quyền vận hành khai thác các dự án đường cao tốc VEC quản lý được coi là hướng đi phù hợp và cần thiết. VEC mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư cho tất cả các đối tác trong và ngoài nước”, ông Mai Tuấn Anh nói.

Liên quan đến kết quả nghiên cứu của đơn vị tư vấn Nhật Bản, lãnh đạo VEC cho biết, ngoài thời gian cần thiết để đánh giá, việc chuyển nhượng vẫn cần phải nhận được sự phê chuẩn của Chính phủ, Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, do Đề án Tái cơ cấu tài chính 5 dự án đường cao tốc của VEC đang trong quá trình xin ý kiến, nên tính pháp lý của việc nhượng quyền tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chỉ được xác lập sau thời điểm này.

“Đây cũng là một trong những vấn đề mà các nhà đầu tư xin nhận chuyển nhượng đang cấn cá”, đại diện VEC cho biết.

Tin liên quan
Tin khác