Cổ phiếu TPB của TPBank xuống 35.000 đồng/cổ phiếu, đóng cửa cuối phiên ngày 8/6. Tính chung một tuần qua, giá cổ phiếu TPB đã giảm trên 7%.
Cổ phiếu SHB của Ngân hàng SHB trên sàn Hà Nội (HNX) cũng còn 29.000 đồng/cổ phiếu so với mức 30.400 đồng/cổ phiếu cuối tháng 5/2021. Thậm chí, có lúc giá cổ phiếu SHB xuống sàn tại 27.000 đồng.
Kể cả khi có thông tin con trai "bầu" Hiển - Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB là ông Đỗ Quang Vinh, Phó giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ SHB, kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên SHB Finance - công ty con của SHB, đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu SHB theo hình thức khớp lệnh và thỏa thuận cũng không cứu được đà đi xuống của cổ phiếu này.
Trong đó, các mã STB của Sacombank, LPB của LienVietPostBank, MSB của Hàng Hải giảm sàn. Kết thúc phiên chiều 8/6, giá cổ phiếu STB giảm xuống 28.600 đồng/cổ phiếu từ mức đỉnh 33.800 đồng/cổ phiếu trong ngày 31/5.
LPB cũng giảm về 29.250 đồng/cổ phiếu chốt phiên ngày 8/6, cho dù hôm nay anh em "bầu" Thụy bắt đầu mua vào tổng cộng hơn 33,5 triệu cổ phiếu LPB trong giai đoạn từ 8/6 đến 8/7/2021.
Áp lực chốt lời đè nặng lên giá cổ phiếu "vua". Đến cuối phiên giao dịch chiều 8/6, cổ phiếu LPB và STB vẫn còn dư bán hơn 4 triệu đơn vị ở mức giá sàn.
Cổ phiếu OCB cũng OCB cũng mất mốc trên 30.000 đồng/cổ phiếu, giảm xuống 29.600 đồng/cổ phiếu cuối ngày 8/6 từ mức đỉnh 32.300 đồng/cổ phiếu đạt được trong ngày 4/6.
Nhiều mã khác của cổ phiếu ngân hàng trong phiên đạt được trạng thái tăng nhưng sau đó vẫn không thể trụ lại được áp lực chốt lời và giảm rất mạnh. Tâm lý bán tháo khiến hầu hết cổ phiếu ngân hàng bất kể là đầu tư hay đầu cơ đều bị giảm sâu.
Đáng chú ý, giá cổ phiếu của những ngân hàng quy mô nhỏ đang giao dịch trên sàn UPCoM cũng kho tránh được xu hướng giảm sau một thời gian tăng nóng.
Cụ thể, BVB của Ngân hàng Bản Việt giảm xuống 22.000 đồng/cổ phiếu từ mức cao nhất 26.000 đồng/cổ phiếu lập được đầu tháng 6/2021.
Tương tự, PGB của PGBank trên sàn UpCom cũng giảm 11,2%, xuống 22.800 đồng/cổ phiếu. Thậm chí, mã SGB của Saigonbank xuống còn 18.800 đồng/cổ phei16u, giảm 10%; VBB của VietBank giảm 9,7%; ABB của ABBank giảm 8,4%; NAB - Nam A Bank cũng giảm 7,4%...
Sắc đỏ của cổ phiếu "vua" bao trùm thị trường, cùng với xu hướng đi xuống của các mã chứng khoán khác, với 321 mã giảm, kết phiên ngày 8/6, VN-Index giảm 38,9 điểm (tương đương giảm 2,86%) xuống 1.319,88 điểm.
HNX-Index giảm 12,25 điểm (tương đương mức giảm 3,84%) trong phiên ngày 8/6 xuống 306,39 điểm và UpCoM-Index giảm 2,67 điểm (tương đương giảm 2,99%) xuống 86,4 điểm.
Trước đó, giá cổ phiếu ngân hàng ghi nhận sự bùng nổ trong vài tháng trở lại. Điều này khiến không ít nhà đầu tư đang đặt câu hỏi về việc giá của nhóm cổ phiếu này có đang quá cao hay không.
Trong báo cáo cập nhật về ngành mới đây của Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) đã nâng định giá cho hàng loạt mã cổ phiếu nhóm này với mức tăng trưởng hai chữ số.
Mức kỳ vọng lớn nhất là dành cho BIDV với định giá 67.000 đồng, tăng khoảng 43% so với mức giá cuối ngày 8/6 (46.700 đồng/cổ phiếu).
Nhiều cổ phiếu khác như MBB, VCB, CTG, TCB, ACB, VPB được kỳ vọng có dư địa tăng giá trên 30%. Các cổ phiếu ngân hàng quy mô thấp hơn như STB, SHB, LPB, OCB được nâng giá mục tiêu trên 30.000 đồng/cổ phiếu.
Mặc dù vậy, chỉ trong vòng một tháng, giá thực tế của nhóm cổ phiếu "vua" đã tăng khá nóng, vượt qua mức kỳ vọng của nhà đầu tư cũng như mức dự báo của nhóm phân tích nên khó tránh đảo chiều.
Trong một báo cáo gần đây, Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) đã khuyến nghị nhà đầu tư cần cẩn trọng hơn đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng do triển vọng tích cực từ việc tăng vốn, xử lý nợ xấu... đã phần nào phản ánh vào giá.
Tuy vậy, SSI Research cũng có chung quan điểm về một số cổ phiếu vẫn có thể có triển vọng, trong đó có cổ phiếu của những nhà băng có thể có tác động tích cực từ việc tăng vốn, có lợi nhuận phục hồi sau khi xử lý hết nợ xấu.