Các doanh nghiệp Trung Quốc đang có xu hướng gia tăng đầu tư tại một số địa phương phía Nam. |
Gia tăng đầu tư
Dự án Khu công nghiệp VSIP III (Bình Dương) dù chưa hoàn thành đầu tư hạ tầng, song đã có nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc đăng ký đầu tư.
Theo tìm hiểu, hơn 20 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau như linh kiện điện tử, đồ nội thất, cơ khí chính xác, công nghiệp hỗ trợ, dệt may, vật liệu xây dựng... đang chờ thực hiện các thủ tục thuê đất chuẩn bị đầu tư. Trong đó, số lượng doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký thuê đất nhiều hơn so với doanh nghiệp đến từ các nước khác.
Bà Anna Ho, CEO của Công ty Silstar Machinery, một nhà cung cấp máy móc thiết bị lớn cho các nhà sản xuất bao bì nhựa cho biết, gần đây đã có 3 doanh nghiệp lớn của Trung Quốc thông qua công ty của bà đến tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam, trong đó có những khu vực lân cận TP.HCM.
“Đây đều là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhựa. Doanh nghiệp Trung Quốc muốn đầu tư ở Việt Nam để hưởng xuất xứ hàng hóa, bởi Mỹ có khả năng nâng mức thuế nhập khẩu nhóm mặt hàng này từ thị trường Trung Quốc lên 25% trong thời gian tới, trong khi Việt Nam và một số nước khác trong khu vực vẫn đang được áp mức thuế 0%”, bà Anna Ho nhận định.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cũng cho biết, các doanh nghiệp của Trung Quốc hoạt động trong ngành gỗ có xu hướng gia tăng đầu tư vào Việt Nam để tận dụng các cơ hội khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do.
Cụ thể, theo thống kê của Hawa, trong năm 2018, có 65 doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong ngành gỗ đã đầu tư vào Việt Nam, trong đó có 23 doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, gia tăng mạnh so với thời gian trước.
Có nên lo ngại?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, trong thời gian gần đây có khá nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và cũng đã có những đề xuất dự án cụ thể.
Mới đây, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thép không gỉ đề xuất đầu tư nhà máy sản xuất có công suất khoảng 300.000 tấn/năm. Trước đó, cũng chính doanh nghiệp này đã đề xuất đầu tư nhưng chưa được địa phương chấp thuận vì lo ngại dự án sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường do sử dụng công nghệ lạc hậu. Nếu được chấp thuận đầu tư thì đây sẽ là dự án có năng lực sản xuất thép không gỉ lớn nhất tại Đồng Nai.
Một nhà đầu tư cũng đến từ Trung Quốc đề xuất muốn có một khu đất rộng hàng chục ngàn ha để đầu tư khu công nghiệp. Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai đã từ chối vì hiện nay quỹ đất dành để phát triển công nghiệp của địa phương này không còn nhiều.
Một địa phương phía Nam khác là Long An cũng nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc. Theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày... đã đến các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An để tìm hiểu.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nhìn nhận, thời gian gần đây, Trung Quốc tiến hành tái cấu trúc ngành công nghiệp thép theo hướng cắt giảm sản lượng sản xuất, đóng cửa cơ sở nhỏ lẻ, lạc hậu và không đảm bảo môi trường… Vì vậy, các doanh nghiệp thép của Trung Quốc có chiều hướng đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Việt Nam.
Đánh giá về xu hướng này, ông Huỳnh Văn Hạnh cho rằng, sự chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam của doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tạo ra những áp lực không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước.
“Ngoài lợi thế là nước tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, Việt Nam cũng ngày càng có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, kể cả với những ngành mà Trung Quốc chiếm ưu thế như may mặc, sản xuất linh kiện điện thoại di động… Do đó, các doanh nghiệp của Trung Quốc muốn gia tăng đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam, nhất là những lĩnh vực họ có nhiều lợi thế như dệt may, da giày, đồ gỗ. Doanh nghiệp nội sẽ phải cạnh tranh gay gắt với họ”, ông Hạnh nói.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, nhiều chuyên gia cho rằng, không nên quá lo ngại về việc dòng vốn đầu tư của Trung Quốc gia tăng sẽ gây những ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp của Việt Nam. Nếu biết lựa chọn, phân biệt dự án đang cần để thu hút đầu tư, thì đây sẽ là cơ hội để kinh tế phát triển.
Cùng với đó, các cơ quan quản lý cần chủ động theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ một số nước, trong đó có vốn đầu tư từ Trung Quốc để lựa chọn thu hút các dự án phù hợp. Theo đó, thu hút đầu tư phải đảm bảo điều kiện về công nghệ và gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế, phát triển ngành, nghề mới, tạo thêm việc làm...
Làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc
Theo kết quả khảo sát gần đây do Phòng thương mại Mỹ (AmCham) tại Trung Quốc thực hiện, khoảng 30% doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc đang tìm mua linh kiện hoặc sản xuất bên ngoài Mỹ và Trung Quốc để tránh thuế quan. Phần lớn các doanh nghiệp này sẽ chuyển đến Đông Nam Á hoặc Ấn Độ, trong khi chỉ có 6% cho biết sẽ cân nhắc quay về Mỹ.
Nhiều công ty châu Á khác cũng cho biết, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến họ phải nhanh chóng rút khỏi Trung Quốc, đặc biệt trong các ngành cung cấp hàng may mặc và tiêu dùng.