Một góc trung tâm dự trữ dầu thô Cushing, bang Oklahoma, Mỹ. Ảnh: AFP |
Mức tăng tồn kho dầu thô của Mỹ gấp 5 lần dự báo
Lượng dầu thô tồn kho của Mỹ bất ngờ tăng 10,9 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 4/10, bỏ xa mức dự báo tăng 1,95 triệu thùng của giới phân tích, theo số liệu mới nhất từ Viện Dầu khí Mỹ (API).
Một tuần trước đó, Viện Dầu khí Mỹ cho biết lượng dầu thô tồn kho của nước này giảm 1,5 triệu thùng. Còn tính từ đầu năm đến nay, lượng dầu thô tồn kho của Mỹ chỉ giảm 5 triệu thùng.
Theo công bố ngày 8/10 của Bộ Năng lượng Mỹ, lượng dầu thô trong Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) của nước này đã tăng 0,3 triệu thùng tính đến ngày 4/10. Lượng dầu thô tồn trong kho SPR hiện ở mức 382,9 triệu thùng, cao hơn 35 triệu thùng so với mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ vào mùa hè năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn mức 252 triệu thùng so với thời điểm Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào đầu năm 2021.
Với tốc độ tích trữ hiện tại, tồn kho dầu thô của Mỹ sẽ mất hơn 5 năm để trở lại mức tồn của tháng 1/2020.
Giá dầu đã "phớt lờ" những rủi ro ngày càng lớn khi thị trường đối mặt với nguy cơ xảy ra một cú sốc nguồn cung do xung đột liên tục leo thang ở Trung Đông. Bằng chứng là cả dầu thô WTI của Mỹ và dầu thô Brent đều đã giảm mạnh trước khi Viện Dầu khí Mỹ công bố số liệu tồn kho dầu khô.
Vào lúc 3:39 chiều ngày 8/10 (múi giờ miền Đông Bắc Mỹ), dầu thô Brent đã trượt giá 3,46 USD (tương đương 4,28%) xuống còn 77,47 USD/thùng, nhưng vẫn cao hơn gần 4 USD so với cùng thời điểm tuần trước. Tương tự, dầu WTI cũng trượt giá cùng biên độ trong ngày với mức giảm 3,29 USD (tương đương 4,26%) về mức 73,85 USD/thùng, cao hơn 3,70 USD so với cùng thời điểm tuần trước.
Lượng xăng dự trữ của Mỹ đã giảm 557.000 thùng trong tuần này, trái ngược với mức tăng 900.000 thùng của tuần trước. Tính đến cuối tuần trước, lượng xăng dự trữ của Mỹ đã giảm 1% so với mức trung bình vào thời điểm này trong năm, theo dữ liệu mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Lượng hàng tồn kho sản phẩm chưng cất dầu mỏ tiếp tục giảm 2,59 triệu thùng, sau mức giảm 2,7 triệu thùng của tuần trước.
Dữ liệu mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cũng cho thấy lượng hàng tồn kho sản phẩm chưng cất dầu mỏ đã giảm khoảng 8% so với mức trung bình năm năm tính đến tuần kết thúc vào ngày 27/9.
Lượng hàng tồn kho tại trung tâm dự trữ và giao hàng dầu thô Cushing (bang Oklahoma) đã tăng 1,359 triệu thùng, sau khi tăng 700.000 thùng trong tuần trước, theo dữ liệu của Viện Dầu khí Mỹ. Lượng hàng tồn kho tại Cushing hiện ở mức dưới 24 triệu thùng.
Libya tăng sản lượng lên 1,13 triệu thùng/ngày
Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) cho biết sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ của nước này đã đạt 1.133.133 thùng/ngày, vài ngày sau khi hoạt động sản xuất của thành viên OPEC này được khôi phục lại.
Trong 24 giờ qua, Libya cũng đã sản xuất 206.666 thùng khí đốt tương đương sau khi kết thúc tình trạng bế tắc chính trị đã khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ trong hơn một tháng.
Libya dự kiến sẽ đạt được mức sản lượng dầu và khí đốt như trước khi bị phong tỏa trong vài ngày tới, theo Tổng công ty Dầu khí Quốc gia (NOC).
Libya, nơi đã bơm khoảng 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày trước chứng kiến cuộc khủng hoảng chính trị vào tháng 8 do tranh cãi về ban lãnh đạo ngân hàng trung ương, nơi lưu giữ doanh thu dầu mỏ duy nhất được quốc tế công nhận của Libya.
Lần đầu tiên kể từ cuối tháng 8, sản lượng dầu của Libya đã vượt mốc 1 triệu thùng/ngày vào ngày 6/10, sau khi các phe phái đối địch đạt được thỏa thuận về cách bầu ban lãnh đạo mới của ngân hàng trung ương.
Cuộc khủng hoảng của Libya kết thúc sẽ đưa vài trăm nghìn thùng dầu thô trở lại thị trường mỗi ngày, trong bối cảnh xuất hiện lo ngại cú sốc nguồn cung khi Trung Đông đang bên bờ vực của một cuộc chiến toàn diện.
Bán tháo để chốt lời
Giao tranh ở Trung Đông trở nên dữ dội hơn sau khi lực lượng Hezbollah được Iran hậu thuẫn, đã bắn tên lửa vào Haifa - thành phố lớn thứ ba của Israel, và Israel có vẻ như đã sẵn sàng mở rộng cuộc tấn công vào Lebanon, một năm sau cuộc tấn công của lực lượng Hamas vào Israel đã châm ngòi cho cuộc chiến hiện nay ở Dải Gaza, theo Reuters.
Tính đến hết phiên giao dịch ngày 8/10 (giờ Mỹ), giá dầu thô đã tăng hơn 7% kể từ khi Iran bắn khoảng 180 tên lửa đạn đạo vào Israel tuần trước, làm dấy lên lo ngại rằng Israel có thể trả đũa bằng cách tấn công ngành công nghiệp dầu thô của Iran.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden đã công khai ngăn cản Israel tấn công cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran. Các quan chức bình luận trên New York Times rằng Israel có khả năng sẽ tấn công các cơ sở quân sự và tình báo ở Iran trước. Trong khi đó, tờ Jerusalem Post cũng đưa tin rằng Israel dự kiến sẽ tập trung vào các cơ sở quân sự và tình báo.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant dự kiến sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin tại Lầu Năm Góc vào ngày 9/10 "để thảo luận thêm về các diễn biến an ninh đang diễn ra ở Trung Đông", thư ký báo chí Thiếu tướng Pat Ryder cho biết báo giới.
Thị trường đang nín đợi xem Israel phản công ra sao, liệu cơ sở hạ tầng năng lượng của Iran có trở thành mục tiêu tấn công thực sự.
Ông Tamas Varga, nhà phân tích tại công ty môi giới dầu mỏ PVM, dự đoán: "Giá dầu chỉ có thể tiếp tục tăng trong một thời gian nhất định, hoàn toàn dựa trên nhận thức chứ không phải sự gián đoạn nguồn cung thực tế".
Trong khi đó, ông Manish Raj, Giám đốc điều hành Công ty khai thác và sản xuất năng lượng Velandera Energy Partners, nói với đài CNBC rằng: "Các nhà đầu tư dầu mỏ dày dạn kinh nghiệm đã từng trải qua các biến động thị trường tương tự và họ bán ra khi có tin đồn về chiến tranh và mua vào khi giá cả trở lại bình thường".
Thị trường dầu mỏ cũng tỏ ra thất vọng sau khi các quan chức Trung Quốc không công bố bất kỳ kế hoạch kích thích kinh tế mới nào tại cuộc họp báo ngày 8/10.
Trước khi tình hình Trung Đông leo thang gần đây, thị trường đã bị cuốn theo tâm lý bi quan về nhu cầu dầu mỏ yếu ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới; đồng thời lo ngại nguồn cung dầu sẽ vượt quá nhu cầu vào năm 2025. Đầu tháng 9/2024, giá dầu đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021.
"Những lo ngại liên tục về nhu cầu của Trung Quốc vẫn tiếp diễn do thiếu các biện pháp kích thích kinh tế, trong khi xung đột ở Trung Đông không dẫn đến bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào", bà Svetlana Tretyakova, nhà phân tích cấp cao tại công ty năng lượng Rystad Energy, nhận xét.
"Ngoài ra, giá giảm có thể phản ánh hoạt động chốt lời sau hai tuần tăng, chứ không hoàn toàn là do yếu tố cơ bản", bà Tretyakova nói thêm.