Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Đức Thanh |
Chủ động một phần
Hiện Việt Nam có Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), cùng các nhà máy chế biến condensate (khí ngưng tụ) đã đi vào vận hành với tổng công suất 14 triệu tấn xăng dầu/năm.
Theo Bộ Công thương, con số này đáp ứng khoảng 70% nhu cầu hiện tại trong nước, phần thiếu hụt còn lại được nhập khẩu thông qua các thương nhân đầu mối xuất nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp và Mở rộng NMLD Dung Quất lên 7,5 triệu tấn/năm. Còn Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa có kế hoạch đầu tư mở rộng công suất.
Như vậy, năng lực sản xuất xăng dầu và sản phẩm hóa dầu hiện tại và thời gian trước mắt chưa đáp ứng hoàn toàn nhu cầu trong nước. Theo Bộ Công thương, ước tính tới năm 2045, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 12 triệu tấn xăng dầu/năm và 3,5 triệu tấn sản phẩm hóa dầu/năm.
Con số thiếu hụt này theo tính toán của Petrovietnam còn lớn hơn, lên tới gần 12 triệu tấn xăng dầu ngay trong năm 2025 và tăng lên tới gần 20 triệu tấn vào năm 2030.
Bởi vậy, Petrovietnam đã đề xuất xây dựng Dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, Dự án Lọc hóa dầu giai đoạn I với công suất 12-13 triệu tấn dầu thô/năm; 660.000 tấn condensate, LPG, Ethane/năm. Sản phẩm của nhà máy sẽ là 7-9 triệu tấn xăng dầu và 2-3 triệu tấn hóa dầu/năm.
Giai đoạn II của Dự án sẽ đầu tư bổ sung, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng sản phẩm hóa dầu lên thêm 3-5 triệu tấn xăng dầu và 5,5-7,5 triệu tấn hóa dầu/năm.
Cùng với Dự án kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu sẽ có quy mô 1 triệu tấn dầu thô và 500.000 m3 sản phẩm xăng dầu/năm, Petrovietnam đã khái toán quy mô vốn đầu tư của cả Tổ hợp trong giai đoạn I là 12,5 - 13,5 tỷ USD và giai đoạn II là 4,5 - 4,8 tỷ USD.
Đề xuất này của Petrovietnam được Bộ Công thương cho là có cơ sở. “Trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, nguy cơ đứt gãy nguồn cung năng lượng, giá năng lượng tăng cao, thì việc đảm bảo an ninh năng lượng, trong đó có nguồn cung xăng dầu, nâng năng lực dự trữ dầu thô và xăng dầu quốc gia là hết sức cần thiết”, Bộ Công thương cho biết, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo Petrovietnam tiếp tục triển khai nghiên cứu dự án, bổ sung các nội dung được các bộ, ngành góp ý kiến.
Chờ đầu tư
Dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu và Kho dự trữ dầu thô quốc gia còn cần thêm không ít thời gian để chuẩn bị các vấn đề liên quan đến quá trình đầu tư, nên ở thời điểm này, việc gia tăng năng lực sản xuất xăng dầu trong nước có thể trông chờ nhất là ở Dự án Nâng cấp và Mở rộng NMLD Dung Quất.
Báo cáo với Đoàn công tác của Chính phủ ngày 1/1/2023, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý NMLD Dung Quất cho hay, Nhà máy có tổng mức đầu tư khoảng 3 tỷ USD, công suất 6,5 triệu tấn/năm và đã vào hoạt động từ năm 2010.
Trong những tháng gần đây, khi thị trường xăng dầu quốc tế có nhiều biến động, Nhà máy đã có những lúc nâng công suất vận hành lên mức 112%, vượt 9% công suất so với kế hoạch vận hành trung bình năm là 103%.
Petrovietnam đang đề xuất Dự án Nâng cấp và Mở rộng NMLD Dung Quất với tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó có Đề án Mở rộng và xây dựng trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia Dung Quất.
Mong muốn đầu tư mở rộng NMLD Dung Quất không phải tới gần đây mới xuất hiện. Theo Quyết định 9016/QĐ-DKVN ngày 22/12/2014 của Petrovietnam, Dự án Dự án Nâng cấp và Mở rộng NMLD Dung Quất có tổng tiến độ thực hiện là 78 tháng tính từ ngày phát hành hồ sơ mở thầu lựa chọn nhà thầu thiết kế tổng thể (FEED) là ngày 27/4/2015, với kỳ vọng hoàn tất vào tháng 10/2021.
Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 6/2018, Dự án không thuộc diện được cấp bảo lãnh Chính phủ, bởi vậy, chủ đầu tư phải xây dựng các phương án tài chính và tiếp xúc với các tổ chức tín dụng để thu xếp nguồn vốn. Dự án có quy mô đầu tư được phê duyệt trước đây là 1,8 tỷ USD, với cơ cấu 30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay cũng được đề xuất 3 kịch bản là thu xếp từ các khoản vay nước ngoài, trong nước, đảm bảo bằng bảo lãnh vay vốn của Petrovietnam và khoản vay thứ cấp trực tiếp từ cổ đông Petrovietnam.
Thậm chí, BRS đã đề nghị Petrovietnam - nơi đang thay mặt Nhà nước sở hữu 92,12% vốn tại BSR, chấp thuận chủ trương cấp bảo lãnh vay vốn cho BSR để đầu tư Dự án, bao gồm cả bảo lãnh vay vốn trong nước và nước ngoài. BRS cũng đề nghị PVN chấp thuận chủ trương cho BSR vay theo hình thức sub-loan (khoản vay phụ) để đầu tư Dự án.
Tới đầu năm 2020, công tác thu xếp vốn cho Dự án vẫn chưa có gì sáng sủa.
Tháng 6/2022, Petrovietnam và BSR đã đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh quy mô Dự án từ 192.000 thùng/ngày trong phương án được phê duyệt hồi năm 2014, xuống còn 171.000 thùng/ngày. Tổng mức đầu tư thay vì lên tới 1,8 tỷ USD, thì chỉ còn khoảng 1,2 tỷ USD.
Nhu cầu vốn này được tìm kiếm từ nguồn vốn chủ sở hữu được khấu hao dồn tích, lợi nhuận sau thuế hàng năm và vốn vay dưới hình thức tín dụng xuất khẩu, từ ngân hàng thương mại. Dự kiến, Dự án triển khai trong 37 tháng và sẽ hoàn thành vào quý IV/2025, vận hành thương mại quý I/2026.
Tới thời điểm hiện nay, công tác thẩm định Dự án chưa xong, nên chưa có câu trả lời rõ ràng về tương lai này.
Hồi cuối tháng 7/2022, báo cáo với Đoàn công tác của Quốc hội, BSR cũng cho biết, lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2022 bằng 50% lợi nhuận sau thuế của cả giai đoạn 2009 - 2020.
Còn theo Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ được BSR công bố ngày 25/7/2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ở thời điểm kết thúc quý II/2022 đạt 12.177 tỷ đồng.