Do điều chỉnh cơ chế giá, nên biên độ dao động giữa giá xăng dầu trong nước với giá thế giới thời gian gần đây không lớn. Ảnh: Đức Thanh |
Nhà nước giữ Quỹ
Các chuyên gia cho rằng, việc chuyển Quỹ Bình ổn giá xăng dầu về một đầu mối do Nhà nước quản lý sẽ tránh bị lạm dụng như để tại doanh nghiệp như hiện nay.
Suốt thời gian qua, việc Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để tại doanh nghiệp đã dẫn đến một số bất cập trong quản lý, sử dụng. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra kết luận, doanh nghiệp sử dụng Quỹ sai mục đích, không kết chuyển tiền về quỹ..., việc trích lập, chi Quỹ thực hiện thường xuyên, liên tục, không có thời hạn cụ thể, chưa phù hợp với quy định tại Luật Giá.
Cụ thể, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, cuối 2023, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu liên tục bị các thương nhân đầu mối chiếm dụng và sử dụng sai mục đích, với 7/15 đầu mối xăng dầu sử dụng sai mục đích, không kết chuyển tiền về tài khoản quỹ, mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp, với tổng số tiền gần 8.000 tỷ đồng.
- Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa)
Do đó, khi sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương đề xuất chuyển quỹ này về ngân sách nhà nước, thay vì để tại doanh nghiệp.
Để thực hiện quy định, Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính xác định số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, hướng dẫn thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chuyển, nộp số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước.
Đề xuất bỏ Quỹ liên tiếp được nhiều doanh nghiệp như Petrolimex, PV Oil… đưa ra, với lập luận rằng, việc duy trì Quỹ không còn phù hợp, bởi thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần, giá xăng dầu trong nước đã bám sát giá thế giới, mức độ biến động giá giữa các lần điều chỉnh giá cơ bản không còn lớn. Thực tế thời gian qua, quỹ này không trích/chi nhiều kỳ, nhưng thị trường vẫn ổn định.
Cùng với đó, nhiều chuyên gia cho rằng, Quỹ Bình ổn xăng dầu không còn thể hiện được chức năng bình ổn giá, nên có thể bỏ quỹ này để dần thực hiện cơ chế thị trường với xăng dầu.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nêu quan điểm: "Về nguyên tắc là đồng tình để trong tương lai xem xét bỏ Quỹ để bảo đảm tính thị trường. Nhưng, tại dự thảo mới về kinh doanh xăng dầu mà Bộ đã trình Chính phủ xem xét để quyết định trong những ngày tới, thì trong ngắn hạn, vẫn phải giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu”.
Lý giải việc duy trì Quỹ được ông Diên nhấn mạnh: “Nhà nước cũng cần phải có chế tài, có cơ chế để điều chỉnh bình ổn mặt hàng chiến lược này, nhưng phải thực hiện nghiêm theo Luật Giá 2023".
Theo đó, chỉ điều chỉnh khi có biến động lớn về giá. Khi đó, liên bộ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Hoặc khi cấp có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, thì mới được áp dụng quỹ này.
Như vậy, quản lý sẽ chặt hơn và việc sử dụng Quỹ Bình ổn cũng hiệu quả hơn.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) đánh giá, hướng đề xuất trên là hợp lý. "Quan điểm của Hiệp hội là nên để vào một quỹ tập trung như Kho bạc hoặc một tài khoản riêng do Chính phủ hay Bộ Tài chính quản lý. Đồng thời, Nhà nước cũng nên tập trung tăng nguồn lực dự trữ xăng dầu quốc gia, để khi cần bình ổn có thể bán hàng dự trữ ra thị trường”, ông Bảo nói.
Nhiều tháng không chi Quỹ
Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, do các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trích lập, chi sử dụng theo điều hành giá của Liên bộ Công thương - Tài chính và đặt tại tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp.
Toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước.
Số liệu được Bộ Tài chính công bố lần gần nhất (ngày 31/12/2023) cho thấy, số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn gần 6.700 tỷ đồng. Đáng nói là, trong các kỳ điều hành suốt từ đầu năm 2024 đến nay, Liên bộ Công thương - Tài chính không chi sử dụng Quỹ, một số kỳ có thực hiện trích lập Quỹ đối với một số mặt hàng dầu.
Cụ thể, trong 7 tháng năm 2024, trích lập Quỹ 14/30 kỳ điều hành đối với mặt hàng dầu mazut và hoàn toàn không chi sử dụng Quỹ.
Bộ Công thương lý giải, sở dĩ ít khi phải trích lập Quỹ và hoàn hoàn không phải chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để bình ổn giá xăng dầu là do tác động của điều chỉnh giá bán xăng dầu lên tình hình kinh tế - xã hội không lớn.
Việc điều chỉnh và điều hành xăng dầu trong thời gian qua ổn định do đã điều chỉnh cơ chế giá, điều chỉnh từ 10 ngày xuống còn 7 ngày, nên biên độ dao động giữa giá trong nước với giá thế giới không lớn.
Từ đầu năm đến kỳ điều hành ngày 25/7/2024, giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 30 kỳ điều chỉnh giá. Trong đó, mặt hàng xăng RON 95 có 16 lần tăng và 14 lần giảm, mặt hàng dầu diesel có 14 lần tăng, 16 lần giảm và dầu mazut có 18 lần tăng và 12 lần giảm.