Thị trường sản xuất găng tay đang bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt |
Các “ông lớn” Malaysia tăng độ phủ
Thông tin Top Glove, nhà sản xuất găng tay cao su lớn nhất thế giới đến từ Malaysia sẽ đầu tư 24,5 triệu USD để xây dựng nhà máy mới tại Việt Nam khiến thị trường này nổi sóng. Nhà máy này sẽ bắt đầu sản xuất găng tay PVC từ giữa năm 2020, sản lượng khoảng 4 tỷ chiếc/năm.
Trong bối cảnh các tiêu chuẩn về y tế toàn cầu được nâng cao, thị trường găng tay y tế và phòng thí nghiệm mở rộng, động thái của Top Glove nhằm đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu về găng tay vệ sinh tăng mạnh. Dự kiến, nhu cầu găng tay toàn cầu tăng khoảng 10%/năm, trong đó, những quốc gia mới nổi như Việt Nam, nơi tỷ lệ sử dụng găng tay còn thấp, nhưng đang tăng mạnh sẽ được Top Glove tập trung khai thác.
Ông Lim Wee Chai, Giám đốc điều hành, kiêm nhà sáng lập Top Glove tiết lộ với giới truyền thông, bên cạnh đầu tư nhà máy mới tại Việt Nam, Công ty đang tìm kiếm các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A), hoàn tất xây nhà máy mới ở Malaysia và Thái Lan.
Top Glove phân bổ gần 100 triệu USD mỗi năm để mở rộng và nâng cấp tự động hóa các nhà máy. Đến tháng 12/2020, Công ty kỳ vọng sẽ nâng số lượng dây chuyền sản xuất từ 648 trong năm nay lên 872, tổng sản lượng hàng năm sẽ đạt 83,3 tỷ găng tay. Sản lượng của Top Glove trong hai năm 2017 và 2018 lần lượt là 49 tỷ chiếc và 63 tỷ chiếc.
Hơn một thập kỷ trước, Tập đoàn APL Industries Bhd (APLI) của Malaysia cũng có kế hoạch xây dựng 9 nhà máy sản xuất găng tay tại Việt Nam trong 10 năm, mức đầu tư mỗi nhà máy hơn 10 triệu USD. Nhà máy sản xuất găng tay đầu tiên của APLI rộng 45 ha tại Khu công nghiệp Gò Đậu (tỉnh Đồng Nai) với công suất 1,73 tỷ chiếc/năm. Các nhà máy này sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 20 tỷ chiếc găng tay các loại mỗi năm. APLI có các nhà phân phối tại Hoa Kỳ, Canada, Brazil, Australia và Bỉ với hơn 2.000 đại lý.
Hiện Malaysia là quốc gia thống trị thị trường găng tay cao su toàn cầu với thị phần 70%, bất chấp cạnh tranh ngày càng mạnh. Nguyên nhân chính là nhờ ngành găng tay cao su nội địa nước này được hỗ trợ bởi một hệ thống sinh thái toàn diện. Các nhà sản xuất găng tay, các cơ quan chính phủ và các chuyên gia kỹ thuật, những nhà cung cấp nguyên liệu thô, tất cả đều hoạt động tại nội địa Malaysia.
Để duy trì lợi thế này, các nhà sản xuất găng tay của Malaysia không chỉ cơ giới hóa quá trình sản xuất, mà rất quan tâm tới ứng dụng các công nghệ hiện đại, sử dụng tự động hóa và kết nối dữ liệu để phát triển các hệ thống sản xuất và kinh doanh phức hợp tinh vi.
Hiện các nhà sản xuất găng tay cao su đều sử dụng những công nghệ tiên tiến do Viện Nghiên cứu cao su Malaysia phát minh để giảm tối đa khả năng người sử dụng bị dị ứng với găng tay cao su.
Được biết, Chính phủ Malaysia sẽ tiếp tục hỗ trợ để thúc đẩy và tăng xuất khẩu găng tay cao su.
Nằm trong vùng nguyên liệu nhưng vẫn lo
Top Glove hiện diện ở Việt Nam khiến các doanh nghiệp nội hoạt động trong ngành này đứng ngồi không yên, bởi đây là một nhà sản xuất găng tay lớn, có giá trị vốn hóa thị trường hơn 3 tỷ USD, doanh thu 1 tỷ USD và báo lãi 105,7 triệu USD trong năm 2018. Công ty này hiện có 40 nhà máy ở châu Á, trong đó có một nhà máy ở Trung Quốc, xuất khẩu sang 195 thị trường trên thế giới.
Theo giới chuyên môn, Top Glove chọn Việt Nam làm điểm đến, ngoài độ tiềm năng của thị trường, còn do nhiều lợi thế lớn trong lĩnh vực này.
90% nguyên liệu làm ra găng tay là cao su thiên nhiên. Việt Nam là quốc gia có sản lượng cao su lớn, thuận lợi về nguồn nguyên liệu.
Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam với dân số hơn 96 triệu dân được cho là rất tiềm năng để các hãng gia tăng lợi nhuận.
Giới chuyên môn cho rằng, hiện thị trường găng tay chính là cuộc so găng về mở rộng nhà máy và gia tăng khối lượng sản xuất. Điều hiển nhiên là càng ở gần nguồn nguyên liệu thì càng thuận lợi, giảm được chi phí vận chuyển. Hiện vùng nguyên liệu cao su ở Đông Nam bộ là đại bản doanh của nhiều công ty sản xuất sản phẩm liên quan đến cao su của Việt Nam.
Tuy có lợi thế đó, nhưng trước sự xuất hiện của Top Glove, các doanh nghiệp sản xuất găng tay của Việt Nam cũng phải e ngại, bởi mức lợi nhuận của từng chiếc găng tay không cao, nên trong ngành này sản lượng tiêu thụ là yếu tố quyết định. Các công ty cần sản xuất với khối lượng lớn để có chi phí hợp lý và cạnh tranh. “Ông lớn” Malaysia với sản lượng rất lớn, chắc chắn sẽ giúp hạ giá thành, là đối thủ đáng gờm của các nhà sản xuất găng tay nội.