Tín hiệu suy thoái đang "nhấp nháy"
Đó là quan điểm của nhà kinh tế học Claudia Sahm - "mẹ đẻ" của "quy tắc Sahm" (Sahm Rule) - một chỉ dấu nhận diện suy thoái kinh tế theo thời gian thực.
Bà Sahm, hiện là nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn đầu tư New Century Advisors (Mỹ), cho rằng khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong 3 tháng cao hơn nửa điểm phần trăm so với mức thấp nhất của 12 tháng, thì nền kinh tế đó đang trong suy thoái.
Khi tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng lên trong những tháng gần đây, "quy tắc Sahm" đã khiến Phố Wall tranh luận rằng thị trường lao động Mỹ mạnh mẽ đang bộc lộ những rạn nứt và hé lộ những rắc rối tiềm ẩn phía trước. Chính điều đó đã dẫn đến những suy đoán về thời điểm cuối cùng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất.
Nhà kinh tế học Claudia Sahm cảnh báo rằng điều tồi tệ nhất có thể xảy ra ở thời điểm này, Fed sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái không cần thiết. |
Bà Sahm cho biết Fed đang gặp rủi ro lớn khi không thực hiện cắt giảm dần dần ngay từ bây giờ. Bằng việc không cắt giảm lãi suất ngay, Fed có nguy cơ gặp rủi ro theo quy tắc Sahm và kéo theo đó là một cuộc suy thoái có khả năng buộc họ phải hành động quyết liệt hơn.
Cho rằng nền kinh tế Mỹ chưa rơi vào suy thoái, nhưng bà Sahm lưu ý rằng: "Nhưng đó là một rủi ro thực sự và tôi không hiểu tại sao Fed lại gây ra rủi ro đó. Tôi không chắc họ đang chờ đợi điều gì".
"Kết quả tồi tệ nhất có thể xảy ra vào thời điểm này là Fed dẫn đến một cuộc suy thoái không cần thiết", nhà kinh tế trưởng của New Century Advisors cảnh báo.
Dưới dạng số, chỉ số Sahm đứng ở mức 0,37 điểm phần trăm sau báo cáo việc làm tháng 5 của Cơ quan Thống kê Lao động Mỹ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4%, lần đầu tiên kể từ tháng 1/2022. Đây là mức cao nhất mà chỉ số Sahm có chiều hướng tăng dần kể từ những ngày đầu của đại dịch Covid-19.
Về cơ bản, chỉ số Sahm biểu thị chênh lệch điểm phần trăm so với tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong 3 tháng so với mức thấp nhất trong 12 tháng và trong trường hợp này là 3,5%.
Quy tắc Sahm đã được áp dụng cho mọi cuộc suy thoái kể từ ít nhất là năm 1948 và do đó nó được xem là một dấu hiệu cảnh báo hiệu quả khi chỉ số bắt đầu tăng.
Ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, các quan chức Fed vẫn tỏ ra ít quan ngại về thị trường lao động. Sau cuộc họp chính sách vào tuần trước, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan ấn định chính sách tiền tệ của Fed - vẫn đánh giá thị trường việc làm Mỹ là "mạnh mẽ" và Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng khẳng định rằng các điều kiện thị trường "đã quay trở lại mức trước đại dịch Covid-19, tương đối chặt chẽ nhưng không quá nóng".
Trong khi đó, nhiều quan chức Fed đã mạnh tay hạ dự báo cá nhân của họ về việc cắt giảm lãi suất trong năm nay, từ 3 đợt cắt giảm dự kiến tại cuộc họp chính sách tháng 3 xuống còn 1 lần ở thời điểm này.
Động thái của Fed đã gây ngạc nhiên cho các thị trường bởi họ vốn dĩ vẫn kỳ vọng Fed tiến hành 2 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Bà Sahm cho rằng: "Từ góc độ quản lý rủi ro, tôi khó hiểu được việc Fed không sẵn lòng cắt giảm cũng như những tuyên bố cứng rắn không ngừng của họ về lạm phát".
"Đùa với lửa"
Bà Sahm cho biết Chủ tịch Fed và các đồng nghiệp của ông "đang đùa với lửa" và họ cần chú ý đến tốc độ thay đổi trên thị trường lao động như một điềm báo tiềm ẩn về mối nguy hiểm phía trước. Bà Sahm nói thêm rằng việc chờ đợi sức tăng trưởng việc làm "yếu đi" như Chủ tịch Fed đã đề cập vào tuần trước là rất nguy hiểm.
"Chỉ báo suy thoái (chỉ số Sahm) dựa trên những thay đổi là có lý do. Chúng ta đã từng ở thời kỳ suy thoái với đủ mọi mức độ thất nghiệp khác nhau", bà Sahm dẫn chứng. "Những động lực này tự nuôi dưỡng chính chúng. Nếu mọi người mất việc, họ ngừng chi tiêu, [và] nhiều người sẽ mất việc hơn".
Thế nhưng, dường như Fed đang ở ngã ba đường.
Để đánh giá một cuộc suy thoái khi tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu ở mức thấp, cần phải nhìn lại thời kỳ cuối năm 1969 đến năm 1970. Hơn nữa, Fed hiếm khi cắt giảm lãi suất với tỷ lệ thất nghiệp như hiện nay. Các quan chức Fed trong những ngày gần đây cho biết họ thấy lạm phát đang đi đúng hướng nhưng họ chưa đủ tự tin để bắt đầu hạ lãi suất.
Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, đã tăng 2,7% trong tháng 4 và thậm chí lên tới 2,8% khi loại trừ giá năng lượng thực phẩm. Trong khi đó, Fed vẫn đặt mục tiêu lạm phát trung hạn ở mức 2%.
"Lạm phát đã giảm rất nhiều. Đó không phải là nơi bạn muốn, nhưng nó đang đi đúng hướng. Còn thất nghiệp đang đi sai hướng", bà Sahm nhận định. Nhà kinh tế trưởng của New Century Advisors cho rằng: "Cân bằng cả hai điều này, ta ngày càng tiến gần hơn đến vùng nguy hiểm trên thị trường lao động và ngày càng tránh xa nó về phía lạm phát. Cho nên việc Fed cần làm là khá rõ ràng".