Nợ đọng lớn đang khiến nhiều nhà thầu có nguy cơ chậm tiến độ dự án, thậm chí phá sản. |
Tiến thoái lưỡng nan, nguy cơ phá sản vì nợ đọng
Tính đến hết tháng 3/2022, số nợ phải thu của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là 1.539 tỷ đồng, cao gấp gần 2 lần vốn điều lệ (khoảng 800 tỷ đồng).
Có vốn điều lệ tương đương Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, nhưng số nợ đọng của Tổng công ty Lilama đến nay đã lên tới hơn 1.900 tỷ đồng. Tương tự, một doanh nghiệp khác trong ngành là Tổng công ty 319 cũng đang bị nợ gần 2.000 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết: “100% doanh nghiệp xây dựng đều có nợ đọng, tùy quy mô, ít thì 30 - 50 tỷ đồng, rất nhiều doanh nghiệp bị nợ trên 1.000 tỷ đồng”.
Theo cách phân loại của VACC, nợ đọng của doanh nghiệp xây dựng gồm 2 loại: nợ công trình vốn đầu tư công (chủ yếu từ các công trình đã kết thúc 2 - 3 năm trước, nhưng chưa quyết toán, chưa thanh toán được do phát sinh hoặc hồ sơ thanh toán chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt) và nợ ngoài ngân sách.
Kết quả khảo sát hơn 2.000 doanh nghiệp xây dựng trên cả nước của VACC cho thấy, có tới 90% doanh nghiệp có quy mô dưới 100 tỷ đồng. Nợ đọng không thanh toán được khá phổ biến ở tất cả doanh nghiệp xây dựng, từ vài trăm tỷ đồng đến vài ngàn tỷ đồng. Vốn eo hẹp, phải vay ngân hàng để trang trải thi công, lại phải “gánh” nợ đọng lớn, nên các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đứng trước nguy cơ phá sản nếu không thu hồi được nợ.
“Nợ chồng nợ, doanh nghiệp rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: không làm thì chậm tiến độ, mà làm thì công nợ chịu lãi vay ngân hàng ngày càng lớn”, ông Hiệp chia sẻ.
Nguyên nhân nợ đọng được ông Nguyễn Hữu Ngọc, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn chỉ ra gồm: các dự án đã hoàn thành và bàn giao chậm được bố trí vốn trả nợ; bị các chủ đầu tư tư nhân chiếm dụng vốn, chây ỳ trong việc trả nợ; công tác thanh tra, kiểm toán, quyết toán công trình hoàn thành chậm, kéo dài do vướng mắc, chồng chéo các thủ tục, quy định…
Mặc dù bị nợ đọng lớn, kéo dài trong nhiều năm, ảnh hưởng đến dòng tiền, thậm chí là sự sống còn, song rất nhiều doanh nghiệp xây dựng có tâm lý ngại kiện tụng. Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, vốn có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng, cũng chia sẻ rằng, họ vẫn ưu tiên áp dụng phương án thương lượng, hòa giải, còn khởi kiện là phương án cuối cùng, bất đắc dĩ để xử lý công nợ tồn đọng.
Giải pháp “giải phóng” nhà thầu
Để giải quyết vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản, đối với vốn đầu tư ngân sách, các nhà thầu đề nghị nhiều giải pháp tháo gỡ.
Cụ thể, ông Nguyễn Hữu Ngọc đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành nhanh chóng triển khai điều chỉnh bù giá, trượt giá đối các loại hợp đồng xây dựng phù hợp với tình hình thực tế thị trường hiện nay. Cụ thể, cho phép các hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định chuyển thành hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh; các hợp đồng đang thực hiện được điều chỉnh theo phương pháp bù trừ trực tiếp. Trường hợp không thực hiện bù trừ trực tiếp, thì vẫn điều chỉnh theo hệ số như thông lệ quốc tế, nhưng cần phân các hạng mục có cơ cấu tính chất giá tương tự.
“Do tình hình biến động giá cả nguyên - vật liệu, nhiên liệu, để có cơ sở điều chỉnh trượt giá cho nhà thầu, đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo các địa phương công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng kịp thời, chính xác, phù hợp giá cả và biến động giá thực tế của thị trường”, ông Ngọc nêu ý kiến.
Về cơ chế, chính sách, Tổng công ty Xây dựng số 1 kiến nghị, cần luật hóa điều kiện bảo lãnh tạm ứng và bảo lãnh thanh toán đối với chủ đầu tư, từ đó nâng cao trách nhiệm với các bên liên quan và đặc biệt là nhà thầu. Không áp dụng hình thức bảo lãnh thực hiện hợp đồng “không điều kiện, không hủy ngang” đối với nhà thầu.
Đồng quan điểm, đại diện Tập đoàn Cienco4 cho rằng, cần có quy định chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán, ít nhất 30% cuối cùng của dự án hoặc quy định chủ đầu tư phải đảm bảo trả hết tiền cho nhà thầu rồi mới được đưa công trình vào sử dụng.
Liên quan đến thanh quyết toán khối lượng phát sinh, Tổng công ty Vinaconex đề xuất, trong thời gian chờ thẩm tra, thẩm định, phê duyệt hạng mục điều chỉnh, bổ sung, thì chủ đầu tư tạm phê duyệt đến 90% dự toán do nhà thầu lập làm cơ sở ký phụ lục hợp đồng. Chủ đầu tư tạm ứng hợp đồng cho nhà thầu theo tỷ lệ hợp đồng tương ứng giá trị phụ lục hợp đồng bổ sung tăng thêm và xem xét điều chỉnh tiến độ hoàn thành. Sau đó, chủ đầu tư tạm thanh toán trong thời gian chờ phê duyệt chính thức. Sau khi phê duyệt dự toán chính thức, sẽ điều chỉnh thông qua phụ lục và thanh toán bù trừ.
Tại Hội nghi Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra giữa tuần qua, VACC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát lại các chủ đầu tư dùng vốn ngân sách để thống kê chính xác số lượng nợ tồn xây dựng trong các năm trước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án cắt hết các khoản nợ dồn toa để giải quyết dứt điểm cho các nhà thầu.
Về cơ chế thanh quyết toán, theo VACC, cần có chế tài bình đẳng giữa các chủ thể hợp đồng, quy định rõ cơ chế xứ lý các khối lượng phát sinh trong hợp đồng. Đối với các khoản chậm trả do lỗi của chủ đầu tư, cần có chế tài phạt theo lãi suất ngân hàng thương mại. Đối với vốn đầu tư ngoài ngân sách, VACC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao bộ, ngành chức năng nghiên cứu chế tài yêu cầu chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng cho 20% vốn thanh toán cuối dự án, khi dự án kết thúc để đảm bảo sự bình đẳng cho các nhà thầu với chủ đầu tư.
Đặc biệt, Chủ tịch VACC đề xuất, các địa phương công bố danh sách chủ đầu tư không nghiêm túc, chây ỳ nợ đọng và không cho đầu tư tiếp. Việc này sẽ khiến các chủ đầu tư có trách nhiệm với uy tín, năng lực của mình và với đối tác nhà thầu.
Hội thảo sẽ tập trung thảo luận các vấn đề vướng mắc liên quan đến thủ tục thanh toán, quyết toán, tranh chấp hợp đồng và giải quyết công nợ, trên cơ sở đó đề xuất kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành chức năng các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng.