Giá vật liệu xây dựng leo thang, nhiều nhà thầu lo lắng về tiến độ hoàn thành. Ảnh: Thanh Chung |
Nhiều dự án có nguy cơ chậm tiến độ
Giá cả nguyên - nhiên - vật liệu tăng cao trong thời gian qua buộc TP. Đà Nẵng phải tăng vốn đầu tư để có thể hoàn thành các dự án động lực, trọng điểm. Đầu năm 2022, Hội đồng Nhân dân TP. Đà Nẵng đã quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án.
Cụ thể, Dự án Tuyến đường Trục 1 Tây Bắc (tổng mức đầu tư ban đầu hơn 692 tỷ đồng, bắt đầu xây dựng từ năm 2014 nhưng đến nay chưa hoàn thành) tăng vốn thêm hơn 273 tỷ đồng. Dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò (đoạn qua địa phận Đà Nẵng) và nâng cao khả năng chứa tàu thuyền tránh bão của âu thuyền Thọ Quang phải điều chỉnh tăng vốn hơn 214 tỷ đồng, lên hơn 800 tỷ đồng. Dự án Tuyến đường Lê Trọng Tấn (đoạn từ Khu tái định cư Phước Lý 6 đến đường Hoàng Văn Thái) cũng điều chỉnh tăng vốn từ hơn 95 tỷ đồng lên hơn 127 tỷ đồng, tăng hơn 32 tỷ đồng...
Ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Đà Nẵng cho hay, giá vật liệu tăng cao cộng với những khó khăn do ách tắc mặt bằng, thiếu nguồn cung đất, đá đã tạo ra nhiều áp lực cho việc hoàn thành các dự án trọng điểm tại Đà Nẵng. Trước tình hình này, một số nhà thầu đã và đang tổng hợp hồ sơ để đề nghị điều chỉnh giá.
Tại Gia Lai, các đơn vị cũng đang đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn và tiến độ thi công các dự án trọng điểm.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, giá cả nhiên liệu, vật tư, vật liệu tăng đột biến đã gây khó khăn rất lớn cho các nhà thầu thi công, đặc biệt là các dự án ký hợp đồng theo hình thức đơn giá cố định, khởi công vào các năm 2020, 2021.
Các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Gia Lai gồm: Dự án Tuyến giao thông biên giới cấp bách huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai (khởi công tháng 12/2020, dự kiến hoàn thành tháng 11/2022); Dự án Đường liên huyện Chư Sê - Chư Pưh - Chư Prông, tỉnh Gia Lai (khởi công tháng 3/2021, dự kiến hoàn thành tháng 12/2022); Dự án Nâng cấp, cải tạo đường tỉnh 663 (khởi công tháng 12/2021, dự kiến hoàn thành tháng 11/2023); Dự án Nâng cấp, cải tạo đường tỉnh 664 (khởi công tháng 12/2021, dự kiến hoàn thành tháng 11/2023).
Nhà thầu xây dựng điêu đứng
Giá vật liệu tăng cao cũng đang khiến nhiều nhà thầu xây dựng vừa và nhỏ điêu đứng.
Ông Nguyễn Thanh Hiến, chủ thầu xây dựng một công trình trong khu biệt thự Euro Village 2 (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) cho biết, vừa qua, một số công ty cung ứng thép thông báo giá thép cây tăng thêm vài trăm ngàn đồng mỗi tấn. Cùng với đó, các loại xi măng cũng tăng giá thêm 50.000 - 100.000 đồng/tấn. Đơn cử, sản phẩm xi măng bao của Công ty cổ phần Xi măng Xuân Thành tăng thêm 100.000 đồng/tấn.
“Chỉ trong mấy tháng đầu năm mà giá vật liệu xây dựng tăng mạnh nhiều lần như vậy nên không nhà thầu nào chịu nổi nếu đã ký hợp đồng từ trước. Các công ty nhỏ như chúng tôi không dám bỏ giá thầu, vì bỏ giá cao thì không trúng, còn bỏ giá thấp thì lại không có lời”, ông Nguyễn Thanh Hiến than thở.
Tại Đắk Nông, anh Hoàng Thanh Việt, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Huy Thành Phát ở TP. Gia Nghĩa cho biết, doanh nghiệp thường bán cát ra thị trường với giá 330.000 - 350.000 đồng/khối, nhưng hiện tại, do khan hiếm nguồn hàng và chi phí đầu vào tăng cao, nên đơn giá tăng gần gấp rưỡi. Ngoài giá cát, thì thời điểm này, giá gạch cũng đã leo thang, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.
“Nhiều năm làm nghề kinh doanh vật liệu xây dựng, chưa bao giờ tôi thấy giá các loại vật liệu xây dựng như cát, đá, thép, gạch... đồng loạt tăng mạnh như hiện nay. Mặc dù phần giá tăng sẽ do người tiêu dùng gánh chịu, song giá vật liệu tăng cao cũng khiến doanh nghiệp khó khăn vì buộc phải tăng nguồn vốn để nhập hàng hóa, duy trì hoạt động kinh doanh. Do vật giá leo thang, nhiều đơn vị thi công đã tạm hoãn xây dựng do lo sợ phát sinh kinh phí lớn, không thể hoàn thiện công trình”, anh Việt chia sẻ.
Một chủ thầu xây dựng các công trình sử dụng vốn nhà nước ở tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện nay, giá cả các loại vật liệu xây dựng như sắt thép, cát, gạch, tôn... đều tăng cao, vượt mức công bố giá vật tư, vật liệu mà Sở Xây dựng tỉnh Đắk Nông cho phép để lập, thẩm định, phê duyệt dự toán giá cả các gói thầu trên địa bàn tỉnh.
“Giá vật liệu tăng cao thì chi phí thi công, xây dựng các công trình chắc chắn sẽ bị đội thêm, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, bởi hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đấu thầu trọn gói việc thi công công trình, nên không được điều chỉnh theo đơn giá thị trường. Hơn nữa, việc điều chỉnh đơn giá các mặt hàng vật liệu xây dựng không phải trong một sớm, một chiều”, đại diện doanh nghiệp xây dựng này chia sẻ.
Không chỉ doanh nghiệp nhỏ, mà ngay cả các doanh nghiệp đã có bề dày kinh nghiệm và năng lực tài chính cũng không tránh khỏi tác động của “bão giá”. Đại diện nhà thầu Tổng công ty Trường Sơn, đơn vị liên danh thi công Dự án Tuyến đường vành đai phía Tây (Đà Nẵng) cho biết: “Dự án kéo dài khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn, nút thắt mặt bằng chưa dứt điểm thì nay lại đến “bão giá”. Giá nhiên liệu tăng khiến giá vật liệu tăng đột biến. Dự án Tuyến đường vành đai phía Tây đã giảm thầu gần 30%, nay giá nhiên vật liệu tăng cao khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn, thiệt hại lớn”.
Tương tự, đại diện nhà đầu tư đang thực hiện Dự án Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam) chia sẻ: “Hầu hết các nhà đầu tư dự án hạ tầng đều đã đo lường những rủi ro trước khi làm dự án, nhưng với biến động giá vật liệu quá lớn thời gian qua, các nhà đầu tư đều gặp khó khăn”.
Về mặt nguyên tắc, những hợp đồng ký kết giữa nhà đầu tư tư nhân với cơ quan quản lý nhà nước có điều khoản về trường hợp có biến động giá, thì sẽ được điều chỉnh, song quá trình điều chỉnh cũng mất rất nhiều thời gian. Bởi vậy, khi giá cả leo thang, nhà đầu tư vô cùng lo lắng. “Đơn vị cũng đã báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải để đề xuất Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nếu không có hỗ trợ điều chỉnh đơn giá theo giá thực tế, hoặc không có hợp đồng điều chỉnh, thì nhà thầu chính, thầu phụ sẽ khó trụ nổi”, đại diện nhà đầu tư nói trên bày tỏ.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công trình giao thông vận tải Quảng Nam cho hay, giá vật tư đầu vào của những vật liệu chính, gồm nhựa đường, nhiên liệu, xi măng, sắt tăng cao kéo theo đà tăng giá của nhiều vật liệu khác, như cát, đất, đá…
“Không riêng công ty tôi, mà hầu hết các công ty xây dựng đều đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu với giá vậy liệu như hiện tại, thì rất nhiều công ty bị ảnh hưởng tiến độ thi công. Hiện nay, cũng có nhiều đơn vị hoạt động cầm chừng chờ giá vật liệu hạ nhiệt, bởi làm giai đoạn này thì chỉ có lỗ. Các công ty đều đang trông chờ giá vật liệu giảm xuống nhằm giảm chi phí bị tổn thất, nên tiến độ bị chậm lại. Cũng đã có nhiều doanh nghiệp bị phạt vì chậm tiến độ dự án ”, ông Tuấn Anh nêu thực trạng.
Cũng theo ông Tuấn Anh, giá vật liệu tăng khiến tài chính của doanh nghiệp yếu đi, nên không thể đẩy nhanh được tiến độ. Nếu theo đơn giá bình thường, làm hết sức chặt chẽ, quản lý tốt, doanh nghiệp xây dựng có biên lợi nhuận khoảng 4%. Nhưng hiện nay, do tình hình nợ đọng, giá vật liệu xây dựng tăng, không được bù giá, nên doanh nghiệp đối mặt với áp lực rất lớn.
“Nếu tình hình này tiếp diễn thì chỉ trong vài năm tới sẽ không còn doanh nghiệp xây dựng nào”, ông Tuấn Anh than.
Trước những tác động tiêu cực của “bão giá”, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công trình giao thông vận tải Quảng Nam kiến nghị Chính phủ có biện pháp điều hành để giá vật liệu bình ổn trở lại. Ngoài ra, đối với các gói hợp đồng không điều chỉnh, thì cần có cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp bớt khó khăn.